Dù bắt đầu có dấu hiệu tăng trở lại, nhưng vận tải biển vẫn chưa hết khó, nhiều doanh nghiệp vẫn kêu lỗ nặng. Trước tình cảnh đó, ngành Hàng hải đang đề xuất các cơ chế hỗ trợ để vận tải biển hết cảnh “thoi thóp”.
Doanh nghiệp kêu lỗ nặng
Năm 2018, Tổng công ty Hàng hải VN (Vinalines) ghi nhận tăng trưởng mạnh sản lượng vận tải biển với mức tăng lên đến hơn 13% và đạt 24,3 triệu tấn. Đây là con số đáng mơ ước nếu so với thời điểm vận tải biển chạm đáy cách đây vài năm. Tuy vậy, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Q.Tổng giám đốc Vinalines cho rằng, vận tải biển vẫn chưa thoát khó vì thời gian tới, giá cước vẫn chỉ tương đương 1/10 so với giá cước năm 2008 do thị trường tiếp tục dư thừa cung tàu.
Theo ông Tĩnh, thị trường truyền thống của đội tàu Việt Nam đi Philippines, Malaysia… đa số có tỷ suất lợi nhuận thấp. Các tuyến có giá cước khá như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Bắc Trung Quốc… nhiều tàu Việt Nam không đáp ứng được yêu cầu khắt khe khi vào các cảng ở khu vực này nên rất khó tiếp cận.
Ông Vũ Đức Then, Giám đốc Công ty CP Vận tải biển Trường Xuân (Thái Bình) bày tỏ lo lắng khi khối vận tải biển nội địa ngày càng “bết bát” do phải cạnh tranh trực tiếp với đội tàu sông pha biển (VR-SB). Dẫn chứng cụ thể, ông Then cho biết, nếu năm 2014, loại hình VR-SB chưa phát triển “nóng”, doanh thu của DN từ 14.370 đồng/tấn phương tiện/ngày, đến nay chỉ còn hơn 7.500 đồng. Trong khi đó, tổng chi phí cho 1 tấn phương tiện/ngày hiện khoảng 13.000 đồng, nghĩa là DN đang phải chịu lỗ gần 5.500 đồng/tấn phương tiện/ngày. Trọng tải tàu càng lớn, mức lỗ càng cao.
Ông Vũ Đức Ngọ, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và vận tải Vũ Gia Tam thừa nhận, từ năm 2009 đến nay, hoạt động vận tải biển vẫn lỗ nặng. Đa phần các DN vận tải nội địa “thoi thóp” được do ngân hàng chưa thu tàu để siết nợ.
“Những công ty nào không phải vay ngân hàng, trừ chi phí trực tiếp, mỗi năm doanh thu được khoảng 15 - 17% tổng mức đầu tư tàu, chưa kể chi phí khấu hao. Cùng mức doanh thu đó, DN nào phải đi vay nợ, mỗi năm trả lãi khoảng 12%, chưa kể trả gốc thì 3 - 5% còn lại không đủ để trả cho các chi phí: nhân công, nhiên liệu, khấu hao tàu”, ông Ngọ dẫn chứng.
Sẽ có nhiều cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp
Ông Trịnh Thế Cường, Trưởng phòng Vận tải và Dịch vụ hàng hải (Cục Hàng hải VN) cho biết, năm 2018, tổng sản lượng vận tải do đội tàu biển Việt Nam thực hiện đạt hơn 144 triệu tấn, tăng gần 11% so với năm 2017, chiếm tỷ trọng 55,6% trong tổng lượng hàng hóa luân chuyển của tất cả các phương thức vận tải.
Tuy vậy, theo ông Cường, cơ cấu đội tàu vận tải biển Việt Nam chưa hợp lý, trong khi số lượng tàu hàng tổng hợp, hàng rời chiếm hơn 70% tổng trọng tải thì lượng tàu container chỉ chiếm 3,6% (41 tàu).
Năm 2018, đội tàu biển Việt Nam có tuổi tàu bình quân giảm 0,2 tuổi so với năm 2017, đạt 14,7 tuổi, trẻ hơn 6,1 tuổi so với thế giới (20,8 tuổi). Đội tàu được “trẻ hóa” đồng nghĩa năng lực cạnh tranh sẽ cao hơn, tiêu hao nhiên liệu ít hơn, doanh nghiệp vận tải sẽ tiết kiệm được chi phí vận hành phương tiện, từ đó cải thiện bức tranh tài chính.
Ông Trịnh Thế Cường
Cũng theo ông Cường, để hỗ trợ DN vận tải biển, Cục Hàng hải VN đang nghiên cứu, đề xuất Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ xây dựng chính sách hỗ trợ, miễn thuế cho các DN vận tải biển cơ cấu đội tàu quy mô, hiện đại. Bên cạnh đó, Cục sẽ kiến nghị siết chặt quản lý đối với đội tàu VR-SB, phát triển đội tàu này có trọng tải không quá 5.000 DWT theo đúng quy định và bắt buộc phải xuất phát từ 1 bến cảng thủy nội địa.
Đáng lưu ý, theo ông Cường, thời gian tới, Cục Hàng hải sẽ nghiên cứu, xây dựng sàn giao dịch hàng hóa, vận tải để tận dụng tối đa các tàu vận chuyển hàng hóa trên các tuyến nội địa.
“Các tuyến vận tải mới như: Tuyến ven biển từ Việt Nam sang Campuchia và các tỉnh Đông Bắc Thái Lan, tuyến vận tải biển Bắc - Nam để vận tải trái cây bằng container lạnh từ ĐBSCL sang Trung Quốc qua cửa khẩu đường bộ tại Móng Cái sẽ được hình thành. Tuyến luồng cho phương tiện thủy nội địa kết nối các cảng từ cảng biển Cần Thơ với cảng biển Hồ Chí Minh cũng sẽ được nâng cao hiệu quả khai thác nhằm kết nối các tỉnh Đông Nam bộ và Tây Nam bộ bằng đường biển, để “lối đi” của các DN vận tải biển rộng mở hơn”, ông Cường cho hay.
Mới đây nhất, tại Văn bản số 584 do Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công ký trả lời kiến nghị cử tri TP Hải Phòng về việc ban hành các cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho đội tàu trong nước tăng thị phần các dự án vận tải cho biết, thời gian tới, Bộ GTVT sẽ nghiên cứu, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty XNK có vốn Nhà nước thực hiện đấu thầu trong nước với các tiêu chí phù hợp để nâng cao khả năng trúng thầu của các DN vận tải biển Việt Nam. Với trường hợp phải tổ chức đấu thầu quốc tế, yêu cầu các Bộ, ngành đề nghị chủ hàng dành khoảng 30% sản lượng với giá bằng giá thắng thầu để giao cho đội tàu trong nước thực hiện.
Bộ GTVT cũng sẽ kiến nghị Chính phủ một số chính sách tạo thuận lợi cho DN vận tải biển trong nước như: Cho các DN vận tải biển vay vốn đầu tư, nâng cấp đội tàu từ quỹ đầu tư phát triển hoặc có cơ chế để các ngân hàng thương mại cho DN khoanh nợ cũ, vay vốn mới với lãi suất ưu đãi; Miễn thuế nhập khẩu các vật tư, trang thiết bị để sửa chữa tàu biển mà Việt Nam chưa sản xuất được hoặc sản xuất được nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền công nhận phù hợp; giảm thuế thu nhập DN, thuế nhập khẩu tàu biển trong thời hạn 10 năm và giảm thuế thu nhập cá nhân xuống 0% đối với tiền lương của sỹ quan, thuyền viên làm việc trên tàu biển tham gia vận tải nội địa.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận