Tài chính

Nhiều dấu hỏi trong vụ khách tố 20 tỷ "bốc hơi" tại VietABank

07/01/2019, 17:59

Liên tiếp nhiều khách hàng tố bị mất cả trăm tỷ gửi tại Ngân hàng Việt Á khiến dư luận đặt nhiều dấu hỏi.

viet-a-bank-20-ty-dong-gui-tiet-kiem-boc-hoi-1

Gia đình ông Toàn khẳng định gửi tiền riêng, không liên quan tới vụ 170 tỷ. Giấy gửi tiền có đầy đủ chữ ký "tươi" của khách hàng, giao dịch viên, thủ quỹ, kiểm soát viên và người phê duyệt

Ngân hàng tất toán khi khách đang "cầm" sổ?

Liên quan vụ khách hàng Đặng Nghĩa Toàn tố mất tiền trong sổ tiết kiệm trị giá 20 tỷ đồng tại Ngân hàng Việt Á, Báo Giao thông đã thông tin (bài "Khách hàng tố sổ tiết kiệm 20 tỷ tại VietABank bỗng dưng "bốc hơi", ngày 3/1), có một số điểm khiến dư luận đặt câu hỏi.

Cụ thể, chiều 4/1, ngân hàng phát đi thông cáo báo chí “thông tin đầy đủ về hoạt động của một số đối tượng có dấu hiệu lừa đảo tại Ngân hàng Việt Á liên quan 170 tỷ đồng tiền gửi của khách hàng thời gian vừa qua”. Trong đó đề cập, ông Đặng Nghĩa Toàn là một trong những người tham gia nhóm khách hàng bắt đầu giao dịch tại VietABank, mở sổ tiết kiệm đồng sở hữu từ giữa năm 2018.

Theo đó, nhóm khách hàng này, ngoài ông Toàn còn có bà Nguyễn Thị Hà Thành, ông Triệu Hùng Cường (SN 1984) và bà Triệu Thị Tuyết Trinh (SN 1990).

“Ngay sau khi mở sổ tiết kiệm đồng sở hữu, những người này thực hiện ngay việc vay cầm cố các sổ tiết kiệm trên (trong cùng ngày hoặc ngày hôm sau với số tiền vay từ 95% đến 98,5% giá trị sổ) và việc giải ngân vay cầm cố đã được thực hiện vào chính tài khoản của các khách hàng nêu trên (VietABank có đầy đủ chứng từ chứng minh việc chuyển tiền qua lại lẫn nhau giữa các đối tượng này)”, văn bản của Ngân hàng Việt Á khẳng định.

Tuy nhiên, trao đổi với PV Báo Giao thông, đại diện gia đình ông Toàn khẳng định, việc họ mất tiền gửi 20 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm không liên quan tới vụ việc nhóm khách hàng mất 170 tỷ đồng mà VietABank đề cập.

cau-hoi-lon-trong-vu-mat-170-ty-ngan-hang-viet-a-o

Vợ ông Toàn - bà Ngọc Trang, cho biết sổ tiết kiệm bản gốc đã được gia đình nộp cùng hồ sơ cho cơ quan cảnh sát điều tra

Đáng chú ý là nếu đã tất toán sổ tiết kiệm để làm hợp đồng cầm cố vay tiền thì sổ tiết kiệm đứng tên ông Toàn phải được ngân hàng thu hồi nhưng theo vợ ông Toàn là bà Ngọc Trang cho biết, cho tới thời điểm xảy ra vụ việc vẫn giữ sổ (hiện đã chuyển vào hồ sơ cho cơ quan điều tra). Bên cạnh đó, điểm quan trọng là khi đại diện ngân hàng nói ông Toàn có ký hợp đồng cầm cố sổ và hợp đồng vay tiền tại Ngân hàng Việt Á thì chữ ký trong các hợp đồng của ông Toàn đã được cơ quan công an giám định là chữ ký giả.

Do đó, dư luận đặt câu hỏi: ai làm giả hợp đồng cầm cố và hợp đồng vay tiền dưới danh nghĩa của ông Toàn? Ngân hàng có trả lại tiền của ông Toàn khi có đủ bằng chứng như cam kết trước đó?

Sao phải đứng chung tên làm hợp đồng tiền gửi của cá nhân?

cau-hoi-lon-trong-vu-mat-170-ty-ngan-hang-viet-a-3

Trang cuối bản hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn có chữ ký dưới tên Quản Trọng Đức và con dấu đóng kèm

Vụ mất 170 tỷ đồng tiền gửi mà nhóm khách hàng là bà Trinh và ông Cường đang có những vấn đề khiến dư luận khó hiểu: Tại sao tiền gửi của cá nhân lại ký hợp đồng dưới dạng pháp nhân?. Trong khi Ngân hàng Việt Á cũng khẳng định với cá nhân sẽ phát hành sổ tiết kiệm, còn hình thức hợp đồng là dành cho tổ chức.

Nhưng đáng chú ý là trong hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn của nhóm cá nhân trên bị Việt Á phủ nhận lại có chữ ký của ông Quản Trọng Đức, Giám đốc Phòng giao dịch Đông Đô của Ngân hàng Việt Á. Thậm chí, còn có cùng một chữ ký nháy trong các hợp đồng tiền gửi này. Vậy chữ ký của ông Đức là giả hay thật?

Một điểm nữa là trong các tờ phiếu thu tiền có chữ ký của khách hàng, chữ ký của người lập phiếu và kiểm soát viên, giao dịch viên, thủ quỹ. Nhưng các giấy tờ này đều thiếu chữ ký của trưởng đơn vị.

cau-hoi-lon-trong-vu-mat-170-ty-ngan-hang-viet-a-2

Một bản giấy gửi tiền tiết kiệm

Một câu hỏi nữa được dư luận đặt ra là tại sao tiền gửi của cá nhân lại phải đứng tên chung trong một hợp đồng?

Trao đổi với PV Báo Giao thông, Tổng Giám đốc một ngân hàng có trụ sở tại TP.HCM cho biết: Việc đứng tên chung trong một sổ tiết kiệm là rất hiếm, trừ một vài trường hợp như tiền quỹ bảo trì của khu chung cư cần người đứng tên của đại diện khu chung cư và một bên là đơn vị quản lý (thường là từ chủ đầu tư). Và trong trường hợp đứng tên chung rất phức tạp khi gửi hay khi rút đều phải có chữ ký của các bên đồng sở hữu.

“Hợp đồng có liên quan tới pháp nhân nên nếu ngân hàng thực hiện ký hợp đồng tiền gửi với cá nhân thay vì phát hành sổ tiết kiệm là điều hết sức ngớ ngẩn”, vị này nói.

Do đó, vị Tổng Giám đốc này đặt ra khả năng chỉ trong trường hợp không phát hành được sổ tiết kiệm vì khó xuất phôi (do phôi sổ tiết kiệm tiền gửi thường được bảo mật và quản lý rất chặt chẽ qua nhiều nấc quản lý - PV) thì “người ta” mới quay ra làm hợp đồng. “Và ký hợp đồng thì không cần phôi nữa nên nếu làm giả hợp đồng thì dễ hơn là giả phôi”, vị Tổng giám đốc phân tích.

Nhưng quan trọng hơn, theo như vị Tổng giám đốc này, rất ít trường hợp hai hay một nhóm cá nhân có tiền lại gửi tiết kiệm chung bởi đã chuyển thành tiền mặt thì rất dễ phân chia rạch ròi và nếu đứng chung tên thì khi mất sổ ai sẽ bù cho ai nên phải rơi vào trường hợp kỳ quặc mới nhờ người đứng tên chung.

Quy trình, kiểm soát của Ngân hàng Việt Á có vấn đề?

Ngân hàng Việt Á cho biết: “Ngay sau khi mở sổ tiết kiệm đồng sở hữu, những người này thực hiện ngay việc vay cầm cố các sổ tiết kiệm trên (trong cùng ngày hoặc ngày hôm sau với số tiền vay từ 95% đến 98,5% giá trị sổ) và việc giải ngân vay cầm cố đã được thực hiện vào chính tài khoản của các khách hàng nêu trên.

Bằng thủ đoạn này, doanh số giao dịch mở sổ tiết kiệm đã lên đến hàng trăm tỷ đồng nhưng số tiền thực tế gửi tại ngân hàng còn lại rất ít (chênh lệch giữa tiền gửi và tiền vay); đồng thời chuyển tiền qua lại lẫn nhau, trong đó có chuyển và nhận tiền với Nguyễn Thị Hà Thành trên hệ thống Ngân hàng Việt Á tại các chi nhánh khác nhau”.

Các giao dịch trên theo Ngân hàng Việt Á đã bắt đầu từ giữa năm 2018, việc cầm cố sổ tiết kiệm và ký hợp đồng vay tiền rồi lại giải ngân được thực hiện ngay trong ngày. Sau đó việc gửi tiền - cầm cố - vay tiền được thực hiện quay vòng nhiều lần khiến con số lên tới 170 tỷ đồng là một điều bất thường nhưng tại sao hệ thống kiểm soát của Ngân hàng Việt Á không cảnh báo ngay, nhất là khi có giao dịch chuyển tiền lòng vòng giữa các cá nhân trong vụ việc? Hay quy trình, kiểm soát nội bộ của ngân hàng có vấn đề?

Phải tới đầu tháng 12/2018 khi khách hàng kêu mất sổ tiết kiệm, yêu cầu rút tiền, vụ việc vỡ lở VietABank mới có đơn gửi Cơ quan An ninh Điều tra- Công an Tp.Hà Nội đề nghị điều tra làm rõ sự việc.

Những câu hỏi trên cần được các cơ quan chức năng làm sáng tỏ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.