Cuộc khẩu chiến qua lại giữa ông Trump và ông Kim Jong-un thời gian qua gây lo ngại về một cuộc chiến tranh đang đến gần |
Hôm nay (9/1), Hàn Quốc và Triều Tiên tiến hành đối thoại cấp cao lần đầu tiên sau hơn hai năm để bàn việc đoàn thể thao của Bình Nhưỡng tham dự Olympic mùa đông PyeongChang (Hàn Quốc) diễn ra từ 9 - 25/2. Tuy nhiên, Hoa Kỳ, Nhật Bản và ngay cả Hàn Quốc kỳ vọng sẽ đạt được nhiều triển vọng xa hơn từ cuộc gặp hiếm hoi giữa hai miền nhằm giải quyết triệt để căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Nhật, Hàn thảo luận trước ngày đối thoại
Trước khi cuộc đối thoại liên Triều diễn ra, Hàn Quốc đã tăng cường sự phối hợp ngoại giao với cộng đồng quốc tế trong việc giải quyết tình trạng bế tắc về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Theo hãng tin Yonhap, ngày 8/1, ông Lee Do-hoon, đại diện đặc biệt về vấn đề an ninh và hòa bình bán đảo Triều Tiên của Hàn Quốc và người đồng cấp Nhật Bản Kenji Kanasugi đã ký thỏa thuận đồng ý tăng cường hợp tác trong nỗ lực thúc đẩy một giải pháp hoà bình cho vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Trước đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã phát biểu trong một cuộc họp báo rằng: “Điều duy nhất mang lại ý nghĩa cho cuộc đối thoại liên Triều là cam kết và hành động cụ thể của Bình Nhưỡng trong việc từ bỏ vũ khí hạt nhân và tên lửa một cách hoàn toàn, có thể được kiểm chứng và không thể đảo ngược”.
Cuộc họp giữa các đặc phái viên Hàn Quốc và Nhật Bản diễn ra một ngày trước khi cuộc đối thoại cấp cao liên Triều chính thức bắt đầu.
Trong diễn biến liên quan, ngày 4/1, ông Lee đã nói chuyện qua điện thoại với đại diện của Hoa Kỳ và Nhật Bản để chia sẻ thông tin về tình hình an ninh hiện tại trên bán đảo Triều Tiên. Quan chức Hàn Quốc cũng đã tổ chức một cuộc họp trực tiếp tại Seoul vào ngày 5/1 với một quan chức đồng cấp Trung Quốc, để thảo luận về chương trình hạt nhân của Triều Tiên.
Trong khi đó, một đại diện của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết, ông Lee sẽ thăm Mỹ vào thứ tư tới trong chuyến công du kéo dài 3 ngày, trong đó ông Lee có kế hoạch gặp gỡ người đồng cấp Hoa Kỳ, ông Joseph Yun để thảo luận về kết quả của các cuộc đàm phán liên Triều và các biện pháp tiếp theo có thể xảy ra.
Quan chức cấp cao Hàn Quốc (phải) và Triều Tiên trong cuộc gặp tại làng đình chiến Panmunjom tháng 8/2015 |
Bàn gì ngoài Olympic?
Cuộc đối thoại liên Triều ngày hôm nay sẽ tập trung chủ yếu vào sự tham gia của Triều Tiên vào Olympic, nhưng cả hai bên cũng mong muốn đưa ra các vấn đề mà hai nước quan tâm.
Theo Yonhap, ngày 8/1, Bộ trưởng Thống nhất Cho Myoung-Gyon cho hay, Hàn Quốc sẽ tìm cách đưa các cuộc hội ngộ gia đình và cách giải quyết căng thẳng quân sự vào cuộc đối thoại liên Triều trong bối cảnh Triều Tiên đánh giá tầm quan trọng của việc thống nhất đất nước.
Trước đó vài ngày, phát ngôn viên của Bộ Thống nhất Hàn Quốc Baik Tae-hyun cho hay, chính quyền Triều Tiên đã chấp nhận lời đề nghị của Hàn Quốc để gặp gỡ tại làng đình chiến Panmunjom vào ngày 9/1. Thông báo này được đưa ra vài giờ sau khi Hoa Kỳ đồng ý trì hoãn các cuộc tập trận chung với Hàn Quốc cho đến sau Olympic PyeongChang.
Vì cuộc chiến tranh Triều Tiên từ năm 1950 - 1953 kết thúc với một hiệp định đình chiến chứ không phải là một hiệp định hòa bình chính thức, nên hai miền Triều Tiên vẫn còn trong tình trạng chiến tranh.
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên tăng vọt trong năm 2017 khi Triều Tiên tiến bộ nhanh trong chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa cũng như nhiều lần tuyên bố rằng, tên lửa đạn đạo mới nhất của Triều Tiên có khả năng uy hiếp Hoa Kỳ cũng như tiến hành thử hạt nhân lần thứ 6 với sức công phá mạnh chưa từng có.
Tuy nhiên, bước sang năm 2018, tình hình trên bán đảo Triều Tiên đã đổi chiều, khi Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un để ngỏ việc có thể cử một phái đoàn tham gia Olympic tại Hàn Quốc. Những diễn biến về quan hệ hai nước được diễn ra khá nhanh sau đó, khi đường dây liên lạc giữa hai nước được phục hồi và hai bên bắt đầu thảo luận về đối thoại cấp cao liên Triều.
Một diễn biến tích cực từ phía Triều Tiên, ngày 7/1, phương tiện truyền thông Nhà nước Triều Tiên KCNA đã ngừng chỉ trích Hàn Quốc và thay vào đó kêu gọi “thống nhất độc lập” mà không dựa vào các nước khác, đặc biệt là Hoa Kỳ. Triều Tiên cho rằng, “ý tưởng phụ thuộc vào lực lượng bên ngoài là nọc độc làm cho đất nước trở thành nô lệ và yếu đuối”.
Hoa Kỳ liệu có đứng ngoài?
Cuối tuần qua, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump để ngỏ khả năng nói chuyện với nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Điều này trái với quan điểm trước đó của ông khi nhiều lần cho rằng: “Sẽ lãng phí thời gian khi cố đàm phán với ông Kim”.
Ý kiến “xoay chiều” của ông Trump được đưa ra khi cuộc đối thoại liên Triều sắp chính thức diễn ra mà không có sự tham gia của Mỹ hay các nước khác. Tuy nhiên, sau đó một ngày, Đại sứ Hoa Kỳ tại Liên hợp quốc Nikki Haley lại nói rằng, không có thay đổi nào trong quan điểm của Mỹ về các cuộc đàm phán của Triều Tiên.
Theo hãng tin AP, phát biểu trong chương trình “This week” của Đài ABC, bà Nikki Haley nói rằng: “Không có sự thay đổi”. Điều mà ông Trump nói về cơ bản là “có thể có một thời gian nào đó chúng tôi nói chuyện với Triều Tiên”, nhưng rất nhiều thứ cần phải thực hiện trước khi điều đó xảy ra”.
Trong diễn biến liên quan, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Mike Pompeo bảo vệ những quan điểm “nhất quán” của Tổng thống Mỹ về giải quyết vấn đề Triều Tiên thông qua con đường ngoại giao.
Phát biểu trên kênh truyền hình Fox News, ông Pompeo khẳng định, Washington quyết tâm chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên thông qua biện pháp ngoại giao, song cũng sẵn sàng sử dụng vũ lực nếu cần thiết. Ông Pompeo cũng bày tỏ nghi ngờ về sự chân thành của Triều Tiên trong việc tiến hành các cuộc đàm phán cấp cao với Hàn Quốc và sẽ quan sát các cuộc đàm phán này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận