Điện ảnh

Nhiều lỗi ngớ ngẩn trong Hoa cỏ may phần 3

18/01/2018, 07:11

Quá nhiều điểm yếu tại kịch bản, cách dựng phim trong phần 3 của series truyền hình Hoa cỏ may...

23

“Hoa cỏ may” phần 3 đã không sánh kịp hai phiên bản cũ

Để lại sự thất vọng trong khán giả

Hai phần đầu của bộ phim truyền hình Hoa cỏ may đã để lại ký ức đẹp trong quá khứ. Dàn diễn viên đẹp, có dấu ấn diễn xuất. Nhân vật đa dạng, mỗi người một cá tính. Kịch bản uyển chuyển, dẫn truyện tài tình dù đi theo hai mốc thời gian khác nhau. Thế nhưng, tất cả không được tái hiện trong phần 3. Lên sóng VTV1 từ tháng 10/2017 trên khung giờ vàng, Hoa cỏ may phần 3 chỉ để lại sự thất vọng trong lòng khán giả.

Trên thực tế, phim ra tới phần 3 không hẳn là động thái cố đấm ăn xôi. Thế giới, rồi Việt Nam cũng có nhiều thương hiệu dài hơi cả chục phần (Cảnh sát hình sự là điển hình). Vấn đề nằm ở chỗ, phim ra mắt ở thời điểm 14 năm sau với nội dung nối tiếp phần trước. Nghĩa là vừa không thể tận dụng sức hút của thương hiệu, vừa bị bó buộc về nhân vật, kịch bản của hàng chục năm trước. Hệ quả dễ thấy là dàn diễn viên không trọn vẹn. 14 năm là quá dài để đòi hỏi những Hải Anh (vào vai Thái) hay Quyết Thắng (vào vai Hùng) giữ nguyên phong độ. Vậy nên, trong lần tái ngộ này, Thái mất sạch vẻ hiền lành đôn hậu, trong khi Hùng cạn hết chất lãng tử tỉnh lẻ từng quyến rũ khán giả năm nào.

Chưa hết, toàn bộ dàn diễn viên nữ bị thay thế. Nhiều khán giả ngỡ ngàng khi không còn thấy Khánh Ly với vai Thủy - cô tiểu thư tư sản đầy cá tính năm nào, mà chỉ được gặp vai Ngậm do Thanh Giang đảm nhận một kiểu ác nữ giật chồng điển hình. Hay Hương - thiếu nữ lai tây khác lạ của Hồ Ngọc Hà đã bị thay bằng Đan do Hạnh Sino đóng - mẫu hot girl thời thượng nhan nhản trên màn ảnh nhỏ vài năm trở lại đây. Thảm hại nhất là Nguyễn Hà, đóng vai Na thay cho Vi Cầm. “Sao vai Na phần 3 trông thiếu sức sống vậy”; “Ôi nhân vật Na gây thất vọng quá!”; “Thích vai Na của Vi Cầm hơn” (đó là các bình luận trên Thể thao & Văn hóa Online). Ba vai nữ chính ấn tượng nhất phần trước thì một người bị thay vai, hai người bị khai tử. Nhiều khán giả chua chát ao ước giá phim ra sớm hơn “trước khi Hà Hồ kịp nổi, thì đạo diễn vẫn kham nổi tiền cát-xê để mời đóng tiếp”.

Khoảng trống mênh mông mà các gương mặt cũ để lại tạo ra sức ép cho bộ phim. Theo đạo diễn Trần Lực: “Khi rơi vào tình huống làm phần tiếp theo mà không còn người cũ đóng, khán giả sẽ luôn có sự so sánh. Và nếu khán giả đã thích người cũ, nghệ sĩ sau đóng thay sẽ chịu áp lực phải đóng hay hơn”. Trong trường hợp của Hoa cỏ may phần 3, không có gương mặt mới nào vượt qua được sức ép này.

Nhiều lỗi ngớ ngẩn

Khi đã không thể dựa vào dàn diễn viên, thứ để thuyết phục khán giả chỉ còn là kịch bản và cách dựng phim. Tiếc thay, cả 2 yếu tố này của phần 3 Hoa cỏ may đều không đạt, thậm chí còn thua hai phiên bản cũ. Có những đổi mới quá tay xuất hiện, một mặt phá vỡ kết cấu phim, mặt khác tạo ra các lỗi logic vụn vặt như sạn trong bữa cơm chiều khó nuốt. Trong phần trước, Thái xuất thân từ thợ xây, đang học kiến trúc và thiết kế xây dựng. Không hiểu biến cố gì khiến anh rẽ lối sang một chuyên ngành hoàn toàn khác biệt: Thiết kế thời trang như trong phần 3. Một lỗi logic ngớ ngẩn khác là phần 2 lấy mốc thời gian năm 1983. Phần 3 được giới thiệu là 10 năm sau, tức phải là năm 1993. Thế nhưng, đập vào mắt khán giả là đường phố hiện đại của thế kỷ XXI: Xe cộ ùn ùn, diễn viên dùng iPhone đời mới nhất.

Nếu bỏ qua logic thực tế, sự thay đổi bối cảnh chóng vánh này vẫn khiến phim kém chất. Cảnh phim hai phần trước khiến khán giả say mê với các cảnh thị thành hoài cổ: Phố phường cổ kính, đường sá thưa người... Theo đó, tạo ra hàng loạt cảnh phim kinh điển như nhóm bạn 6 người dàn hàng ngang đi trong công viên xao xác lá vàng rơi, hay cảnh Na và Hương tha thướt đệm đàn, hát trên hè phố. Khi đặt vào thời hiện đại, góc quay lại trở về những văn phòng, nhà lầu, cửa kính hết sức nhàm chán. Đó là chưa kể, việc các cá nhân không còn khu biệt thành các mảnh đời độc đáo như phần trước. Thái và Hùng vốn xây dựng như hai mặt đối lập (một tự do và một đi tù cuối phần 2), nay lại cùng trở thành một kiểu hình mẫu đàn ông chật vật đối phó với gia đình, công việc.

“Diễn viên lồng giọng một nửa là lơ lớ”; “Giọng diễn viên cứ như ở bển mới về” (bình luận trên Otofun)… là những nhận định chung về chất lượng thoại. Đặt trong bối cảnh 14 năm trước, việc sử dụng lồng tiếng là điều hiển nhiên. Nhưng trong một năm 2017 tràn ngập các sản phẩm thu tiếng đồng bộ, kiểu lồng tiếng hậu trường của Hoa cỏ may phần 3 trở thành “cổ lỗ sĩ”. Theo đạo diễn Trọng Trinh: “Hình thức thu âm trực tiếp mới đem lại hiệu quả, tính chân thực cao, đặc biệt trong thể loại phim tâm lý. Giọng diễn viên thật mới tạo ra cảm xúc thật, khiến khán giả tin theo. Lồng tiếng lấy đâu ra những yếu tố đó”.

Với con mắt của người trong nghề, đạo diễn Trần Lực cho rằng 14 năm cách biệt sẽ đưa đẩy một sản phẩm đi theo hai hướng: “Một là sẽ rất hay nếu bộ phim bật hẳn lên được. Hai là “thôi rồi”…”. Hiểu theo nghĩa này, Hoa cỏ may phần 3 như một canh bạc mà kết quả đã nghiêng về chiều hướng thua cuộc.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.