Thị trường

Nhiều rủi ro đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng, condotel

17/05/2017, 07:17

Bất chấp rủi ro pháp lý, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng và condotel trong những năm qua vẫn ồ ạt bung ra.

7

Ồ ạt resort, condotel mọc lên khắp nơi trong vòng 5 năm qua
(Ảnh: Dự án Havana Nha Trang)

Kỳ 1: Mặc sức “bung hàng” giữa hỏa mù thông tin

Sau nhiều lần hứa hẹn, Bộ Xây dựng vẫn chưa đưa ra dữ liệu chuẩn về phân khúc bất động sản (BĐS) nghỉ dưỡng, loại hình sản phẩm đang rầm rộ phát triển theo trào lưu, thu hút dòng vốn “khủng”...

Nhan nhản resort, condotel

Theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, khi Bộ Xây dựng chưa công bố các chỉ số liên quan đến thị trường BĐS, thì người mua nhà vẫn bị phụ thuộc và “bao vây” bởi mhiều thông tin của các đơn vị tư vấn, các sàn giao dịch BĐS. Điều này có thể khiến nhà đầu tư mất phương hướng. “Chỗ nào cũng condotel (căn hộ khách sạn cao cấp), resort, lấy đâu ra khách vào ở? Đáng nói, những dự án này lại có hệ thống bán hàng quá nhanh, quá hay tạo ảo tưởng cho người mua, cứ nhắm mắt lao vào”, ông Đực nhận định. Qua đây, vị chuyên gia cũng cảnh báo, nếu cơ quan quản lý không có động thái định hướng lại thị trường BĐS nghỉ dưỡng, rất có thể hệ lụy “bong bóng” tái diễn với sức tàn phá vô cùng nặng nề, bởi phân khúc này đã và đang chiếm dòng vốn đầu tư “khủng”.

"Mặc dù thị trường BĐS Việt Nam ảnh hưởng rất lớn tới sự ổn định của nền kinh tế, nhưng luôn ở trong tình trạng thiếu thông tin, đa số người mua nhà vẫn luôn bị bủa vây bởi những thông tin không chính thức. Điều này khiến tình trạng đầu tư theo kiểu “đám đông”, tin đồn diễn ra khá phổ biến, gây nên những cơn sốt bất thường”.

Ông Phạm Thành Hưng
Phó tổng giám đốc CEN Group

Quả thực, chỉ trong khoảng 5 năm trở lại đây, thị trường BĐS nghỉ dưỡng trên cả nước, đặc biệt tại những địa điểm ven biển phát triển chóng mặt. Lượng cung khách sạn 5 sao, resort, condotel... ra thị trường ước tính hàng vạn căn hộ với hàng loạt các dự án “khủng” của các tập đoàn trong và ngoài nước như: New Hoi An City (Tập đoàn HB), Grand World Phú Quốc (Tập đoàn LDG), Movenpick Cam Ranh Resort (Tập đoàn Movenpick)… Trong phân khúc condotel, xuất hiện hàng loạt dự án đình đám như: Condotel Havana Nha Trang, A La Carte Đà Nẵng, Olalani Resort & Condotel, E - Condotel Ocean Vista hay The Cliff Resort & Residences Mũi Né…

Mới đây, Savills Việt Nam đưa ra dự đoán, BĐS nghỉ dưỡng sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ khi một nguồn cung lớn tập trung tại 6 địa điểm ven biển (Khánh Hòa, Đà Nẵng, Phú Quốc, Hồ Tràm, Hạ Long và Quảng Nam) gồm hơn 17.000 căn được đưa ra thị trường trong vòng 3 năm tới.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) nhận định, đầu tư trong lĩnh vực BĐS nghỉ dưỡng, trong đó có condotel vẫn còn nhiều dư địa để phát triển. Tuy nhiên, để tránh việc đầu tư ồ ạt, chỗ dư thừa, chỗ lại thiếu thì Nhà nước, các địa phương cần có quy hoạch và kế hoạch phát triển BĐS du lịch một cách phù hợp. “Đối với các nhà đầu tư cá nhân, khi đầu tư vào condotel hoặc bất động sản du lịch, cũng cần xem xét kỹ trước khi quyết định, tránh đầu tư theo phong trào dễ dẫn đến rủi ro”, ông Hà cảnh báo.

Minh bạch thấp, rủi ro cao

Nói về quy mô phát triển bất động sản nghỉ dưỡng, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng, tất cả những nhận định từ trước tới nay đều còn cảm tính, chưa dựa trên số liệu phân tích cụ thể. Ông Nam nói: “Để đánh giá chính xác thị trường BĐS cần phải có dữ liệu cụ thể về nguồn cung, cầu chứ không thể võ đoán”. Trong khi đó, theo tìm hiểu của Báo Giao thông, Bộ Xây dựng dự định tháng 4 công bố dữ liệu về nguồn cung - cầu BĐS nghỉ dưỡng trên cả nước, song đến nay vẫn “im hơi lặng tiếng”.

Thực tế, hàng tháng, các công ty nghiên cứu BĐS  như CBRE Việt Nam hay Savills đều đưa ra những dự báo, số liệu nhận định thị trường BĐS nói chung và phân khúc nghỉ dưỡng nói riêng. Tuy nhiên, độ tin cậy chính xác của những dữ liệu này như thế nào vẫn là dấu hỏi. Chính đại diện CBRE từng chia sẻ: “Các thông tin này được đưa ra với giả thuyết có khả năng có sai sót... Chúng tôi chỉ đưa ra các dự đoán, quan điểm, giả định hay đánh giá của mình để làm ví dụ dẫn chứng và các thông tin này có thể sẽ không thể hiện được các hoạt động hiện thời và tương lai của tài sản”.

Theo GS. TSKH. Đặng Hùng Võ, CBRE và Savills, ngoài vai trò nghiên cứu và tư vấn còn được biết đến trong việc kinh doanh, môi giới các dịch vụ BĐS. “Mỗi đơn vị đưa ra một “con số đẹp” không loại trừ khả năng cài cắm lợi ích riêng của họ vào. Tính minh bạch thấp trong thị trường khiến giá trị thực của BĐS bị sai lệch, dẫn đến tính bất ổn của thị trường và gây nhiều rủi ro cho nhà đầu tư”, ông Võ nói.

Trước “hỏa mù” về thông tin thị trường BĐS nghỉ dưỡng, các chuyên gia, nhà đầu tư chỉ còn biết đánh giá theo cảm tính, căn cứ vào nguồn cầu từ số lượng khách du lịch. Cụ thể, theo Tổng cục Du lịch, năm 2016, Việt Nam đạt mốc 10 triệu khách du lịch quốc tế. Với tỷ lệ tăng 25-30%, tới năm 2020 có thể đạt 20 triệu khách quốc tế tới nghỉ dưỡng. Đây được cho là cơ hội và động lực để phát triển sản phẩm BĐS nghỉ dưỡng.

Tuy nhiên, chia sẻ với PV Báo Giao thông TS. Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch dự báo, đó vẫn chỉ là nguồn thông tin tham khảo cơ bản, chưa kể công tác thống kê lượng khách du lịch quốc tế đang có “vấn đề”, số liệu giữa các cấp còn đang “đá nhau”. “Hiện nay, số lượng du khách quốc tế mà Tổng cục Du lịch công bố hàng năm vẫn sai về bản chất, bởi nó được lấy từ nguồn thống kê khách quốc tế  vào Việt Nam từ Tổng cục Thống kê. Con số này bao gồm cả người lao động, nghiên cứu sinh, học sinh sinh viên... chứ không chỉ khách du lịch. Thống kê sai thì chắc chắn dự báo cũng không chuẩn”, ông Lương nói.

(Còn tiếp)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.