Xã hội

Nhiều sai phạm trong hỗ trợ thiệt hại bão lụt tại Khánh Hòa

09/07/2018, 06:50

Hàng loạt sai phạm trong công tác hỗ trợ bão lụt bị phanh phui, hàng trăm người vẫn chưa nhận được hỗ trợ.

18

Một lồng bè nuôi trồng thủy sản ở huyện Vạn Ninh bị thiệt hại do bão số 12 năm 2017

Gần 8 tháng sau cơn bão số 12 (cuối năm 2017) nhưng hàng trăm người dân nuôi trồng thủy sản ở huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) vẫn chưa nhận được hỗ trợ thiệt hại hoặc bị địa phương “làm khó” khi thực hiện vay vốn, tái sản xuất. Nghiêm trọng hơn là hàng loạt sai phạm của các xã, thị trấn trong công tác hỗ trợ bão lụt mới đây bị phanh phui.

Xin vay vốn phải đóng quỹ ngân sách

Vụ tôm năm ngoái, gia đình bà Phạm Thị Hiếu (thôn Tân Đức, xã Vạn Lương, huyện Vạn Ninh) mất sạch hơn 1.000 con tôm hùm sau cơn bão số 12. Hơn 2 tỷ đồng tiền vay ngân hàng, 18 triệu tiền lãi/tháng giờ không còn khả năng trả nợ, bà Hiếu lại gắng gượng vay bạn bè mà chỉ đủ nuôi vài chục con, mong thoát cơn cùng cực. “Bão qua gần 8 tháng rồi mà chúng tôi không được nhận đồng hỗ trợ nào. Mong địa phương có biện pháp giúp đỡ bà con mà cũng chẳng thấy đâu”, bà Hiếu buồn bã nói.

Chẳng khá hơn, bà Trần Thị Kim Chi (thị trấn Vạn Giã) cũng mất trắng số thủy sản đang nuôi sau cơn bão, thiệt hại nhiều tỷ đồng. Trước đó, gia đình bà vay ngân hàng 700 triệu đồng, muốn khoanh nợ để tái sản xuất nhưng không được. “Chúng tôi lên ngân hàng làm thủ tục, họ đồng ý. Nhưng rồi vài bữa sau họ xuống thu tiền lãi. Vậy là cớ làm sao?”, bà Chi thắc mắc.

Theo thống kê của UBND huyện Vạn Ninh, sau cơn bão số 12, gần 13.000 lồng bè của người dân bị mất trắng hoàn toàn. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa có hộ nuôi trồng thủy sản nào được nhận hỗ trợ thiệt hại theo Nghị định 02 của Chính phủ. Bức xúc về điều này, hàng trăm người dân Vạn Ninh đã lặn lội vượt hơn 100km về UBND tỉnh Khánh Hòa để gặp, đối thoại với Chủ tịch UBND tỉnh cùng các đơn vị liên quan trưa 5/7.

Ngoài những câu chuyện thiệt hại như của bà Hiếu, bà Chi, nhiều người dân xã Vạn Thạnh, Vạn Hưng phản ánh với Chủ tịch UBND tỉnh về việc người dân bị làm khó khi làm các thủ tục vay vốn ngân hàng, như phải đóng 300.000 đồng nộp vào ngân sách xã. “Chúng tôi không đóng khoản này thì ủy ban xã không ký xác nhận có diện tích mặt nước để ngân hàng làm điều kiện cho vay. Dân đã khổ, kiệt quệ mà còn làm khó nữa”, ông Lê Văn Quý, xã Vạn Hưng bức xúc.

Ghi nhận ý kiến của người dân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Đức Vinh cho biết sẽ họp với các sở, ngành chức năng để xem xét, giải quyết. Ông Vinh đề nghị đại diện ngân hàng xem xét khoanh nợ, giãn nợ, tiếp tục cho vay vốn để người dân có điều kiện khôi phục sản xuất. Ông cũng yêu cầu chính quyền các địa phương công khai các quy định, trình tự, thủ tục về chính sách hỗ trợ thiên tai.

Nhiều sai phạm trong kê khai thiệt hại

Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, ngay sau khi cơn bão số 12 kết thúc, tỉnh đã hỗ trợ cho các hộ bị nhà sập, tốc mái, gia đình có người thiệt mạng, hoa màu hư hại… Tuy nhiên, việc hỗ trợ cho bà con nuôi trồng thủy sản buộc phải dừng lại. Bởi ngay sau khi huyện Vạn Ninh công bố danh sách được hỗ trợ, lập tức bị người dân phản đối. Đỉnh điểm sự việc diễn ra vào ngày 11/4 khi hàng trăm người dân từ nhiều xã kéo đến UBND huyện Vạn Ninh phản ánh việc lập danh sách không đúng với thực tế, họ nghi vấn có sự “bao che” khi nhiều người thân lãnh đạo địa phương có trong danh sách.

Bản danh sách hỗ trợ này có 175 hộ, được địa phương thẩm định, kiểm tra từ hơn 2.900 hộ nộp hồ sơ báo cáo thiệt hại. Tuy nhiên, kết quả thanh tra việc lập danh sách mà UBND huyện Vạn Ninh vừa công bố mới đây đã cho thấy quá trình lập hồ sơ từ các xã, thị trấn có nhiều sai phạm.

Tại xã Vạn Hưng có 29 trường hợp không thuộc đối tượng được xét hỗ trợ theo quy định nhưng UBND xã vẫn lập hồ sơ đề nghị huyện phê duyệt. Tại xã Vạn Long có 56 trường hợp, qua thanh tra xác định UBND xã hợp thức hóa, xác nhận sau thời điểm xảy ra cơn bão số 12. Tại xã Vạn Thạnh có 88 trường hợp thông tin không đầy đủ, không có cơ sở…

Ông Trần Ngọc Khiêm, Phó chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh cho biết, huyện đã có quyết định hủy việc hỗ trợ thiệt hại thủy sản đối với 175 trường hợp không đủ điều kiện với kinh phí 23,7 tỉ đồng. “Sau khi rà soát, nhận thấy toàn bộ số hộ không đủ điều kiện được nhận hỗ trợ, huyện đã có văn bản trình UBND tỉnh xin Trung ương cho cơ chế đặc thù hỗ trợ người dân nhưng Bộ Tài chính đã trả lời ngân sách chỉ đủ hỗ trợ đối với các trường hợp đủ điều kiện theo Nghị định 02”, ông Khiêm cho biết.

Trong cuộc gặp với người dân Vạn Ninh, ông Lê Đức Vinh cam kết sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát các trường hợp trong danh sách hỗ trợ, xử lý trách nhiệm các cán bộ sai phạm trong thực hiện chính sách hỗ trợ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.