Bền bỉ, quyết tâm, những bệnh nhân sau phẫu thuật u, ung thư thanh quản ấy mong tìm lại tiếng nói của chính mình.
Cuộc chiến giành lại tiếng nói
Tại hội trường nằm trên tầng 10 của BV Tai - Mũi - Họng T.Ư, cứ đều đặn thứ 5 của tuần cuối trong tháng, những bệnh nhân sau phẫu thuật u, ung thư thanh quản lại tập trung về đây. Người cũ hướng dẫn người mới “tập nói”. Dù phải thật lắng tai nghe cũng rất khó để nghe rõ được câu chữ mà những bệnh nhân nói, nhất là đối với những người mới tập chừng 1 năm.
Là người có thâm niên với nơi này, ông Đào Văn Minh (63 tuổi, Hà Nội) cho hay, từ năm 1996, ông phát hiện mắc K thanh quản nên buộc phải phẫu thuật cắt đi 2 dây thanh quản và sau đó có thời gian xạ trị.
Có lẽ ở đây, ông Minh là người nói sõi nhất, dù âm thanh còn dèn dẹt không tròn vành rõ chữ. Để tìm lại được tiếng nói của chính mình, ông Minh chia sẻ: “Mặc dù trước phẫu thuật, cũng đã được các bác sĩ tư vấn là sẽ mất đi giọng nói, nhưng có thể tập lại. Nhưng, sau phẫu thuật tôi thật sự sốc, suy sụp vì không thể nói được. Cuộc chiến giành lại tiếng nói cũng từ đó”.
Mất 1 năm ròng, với lịch trình cứ rảnh lúc nào là “ê a” luyện nói như đứa trẻ lên 3, ông Minh cho hay, “cũng có lúc thấy nản, nếu không quyết tâm chắc khó thực hiện được vì luyện tập vô cùng khó nhọc, mất sức. Phải tập lấy hơi từ dạ dày đẩy lên thực quản, đây là giai đoạn luyện tập ban đầu và khó khăn nhất. Cảm giác buồn nôn, váng đầu hay ho đờm nhiều luôn thường trực trong mỗi lần luyện tập”.
“Để tôi nói chuyện được như bây giờ với cô là cả một hành trình gian nan luyện tập, là mồ hôi, nước mắt đấy. Và đến bây giờ tôi vẫn phải luyện tập”, ông Minh chia sẻ.
Chưa được như ông Minh, ông Nguyễn Văn Trung (60 tuổi, ở Từ Sơn, Bắc Ninh) giao tiếp bằng lời còn vô cùng khó khăn dù đã luyện tập gần 1 năm. “Tôi phải cố gắng học hỏi để nói được như bác Minh, chứ mình thế này, ra đường đôi lúc nghe người ta nói “thằng câm” ức lắm không chịu được”, ông Trung cho biết. Nhưng những lời ông Trung nói phải thật lắng nghe, thậm chí nhìn khẩu hình mới đoán được tiếng. Trường hợp của ông Trung cũng bị cắt hai dây thanh quản vì u thanh quản xâm lấn.
Qua lời chia sẻ của ông Trung, mất 1 năm tập luyện, hiện giờ ông mới quen và đỡ đi cảm giác buồn nôn mỗi khi tập luyện thanh.
Những bệnh nhân như ông Trung, ông Minh luôn nhận được lời động viên “phải tin tưởng bản thân mình làm được và quyết tâm” từ bác sĩ. Bởi, việc luyện tập vô cùng vất vả, có những bệnh nhân mất cả năm cũng không thể tập thành công việc đẩy không khí vào thực quản, mà nếu không làm được việc này thì không thể đạt được mục đích phát thanh giọng thực quản được. Chưa kể đến việc chỉ với âm a đơn giản với bao người thì với họ phải luyện tập nhiều lần, trong thời gian dài mới có thể thực hiện được.
U thanh quản với dấu hiệu sớm từ khàn tiếng
Theo chia sẻ của ông Minh, u thanh quản có xuất phát điểm từ khàn tiếng và ho nhưng chủ quan vì nghĩ do mình hút thuốc lá và uống rượu nhiều năm nên ông không đi thăm khám. Chỉ đến khi có cảm giác khó nuốt, ông Minh đi khám thì sững sờ với kết luận mắc ung thư thanh quản với chỉ định phẫu thuật.
Theo PGS. BS. Lê Minh Kỳ, Trưởng khoa Ung bướu, BV Tai - Mũi - Họng T.Ư, ung thư thanh quản rất đặc trưng không giống các bệnh ung thư khác. Dấu hiệu cảnh báo ung thư thanh quản sớm duy nhất đó là “khàn tiếng”. Nếu một người khàn tiếng 5 - 7 ngày không có dấu hiệu đỡ cần đi kiểm tra ngay vùng thanh quản, nhất là người có tiền sử hút thuốc lá và uống rượu.
5 dấu hiệu nhận biết ung thư thanh quản: Khàn tiếng kéo dài trên 3 tuần; Ho đôi khi có từng cơn ho kiểu co thắt, ho sặc sụa; Khó thở, do kích thước khối u ngày càng tăng thì khẩu kính của thanh môn ngày càng hẹp; Khó nuốt, thường xuất hiện sau chứng khàn tiếng và khó thở, lúc này khối u đã lan ra vùng hầu họng kèm theo dấu hiệu đau tai; Sút cân.
Với ung thư thanh quản, các dấu hiệu khác như gây khó thở hoặc thở có tiếng ồn, ho, cảm giác có cục ở cổ họng có thể là những dấu hiệu báo động của ung thư thanh quản đã ở giai đoạn trễ hơn.
Khi khối u phát triển có thể gây đau, giảm cân, khó thở và hay bị nghẹn thức ăn. Trong một số trường hợp, khối u ở thanh quản có thể gây khó nuốt.
Việc sàng lọc u, ung thư thanh quản cũng rất đơn giản, bệnh nhân chỉ cần được bác sĩ soi thanh quản. Nếu bác sĩ phát hiện ra những vùng bất thường, bệnh nhân cần phải được sinh thiết, đó là cách duy nhất để khẳng định ung thư.
Nếu được phát hiện triệu chứng ung thư thanh quản sớm thì tỷ lệ chữa khỏi là 80%, nhưng đa phần các trường hợp chủ quan và thiếu hiểu biết nên bệnh đã tiến triển ở giai đoạn muộn.
BS. Kỳ cho hay, với các bệnh nhân sau khi cắt dây thanh quản, thường có 2 phương pháp hỗ trợ bệnh nhân có thể phát thanh nhân tạo. Đó là dùng máy điện động thức, ấp bộ phận loa của máy vào phần cổ dưới cằm, máy sẽ đo độ rung của âm thanh hút thở. Mấp máy môi sẽ ra tiếng nói với giọng là âm thanh điện tử. Phương pháp này không phải ai cũng áp dụng được.
Phương pháp thứ hai được nhiều người luyện tập áp dụng là phương pháp khí thực quản. “Phương pháp này cực khó nên đòi hỏi bệnh nhân kiên trì, vững tâm rèn luyện. Đã có những bệnh nhân mất mấy năm luyện tập nhưng cũng không nói được”, BS. Kỳ cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận