Tài chính

Nhóm chủ thâu tóm Vincom Retail là ai, mạnh cỡ nào?

08/04/2024, 18:55

Các cổ đông mới thâu tóm Vincom Retail với khoản tiền phải bỏ ra lên tới 39.100 tỷ đồng có liên hệ với nhóm pháp nhân "Berjaya", một tập đoàn lớn tại Malaysia.

Tập đoàn Vingroup mới đây thông báo đã hoàn tất chuyển nhượng 55% vốn điều lệ Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Thương mại SDI (SDI) - đơn vị sở hữu 41,5% vốn Vincom Retail (gián tiếp thông qua công ty con là Công ty Kinh doanh thương mại Sado).

Cụ thể, vào ngày 4/4, 4 doanh nghiệp đã mua 55% cổ phần tại SDI, gồm: Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh NP (16%), Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh và Phát triển Thiên Phúc (16%), Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh và Phát triển Falcon (12,5%) và Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh và Phát triển Emerald (10,5%).

Đáng chú ý, 3 pháp nhân xuất hiện tại nhóm cổ đông mới của SDI là Thiên Phúc, Falcon và Emerald đều thành lập cùng ngày 23/2/2024 với mức vốn điều lệ ban đầu 20 tỷ đồng. Cuối tháng 3/2024, nhóm này đồng loạt tăng vốn với: Thiên Phúc tăng lên 1.225 tỷ đồng, Falcon lên 887 tỷ đồng và Emerald lên 1.105 tỷ đồng.

Ông chủ mới của Vincom Retail là ai?

Theo tìm hiểu, Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh NP có vốn điều lệ 1.257 tỷ đồng với cơ cấu cổ đông gồm: Công ty TNHH Đầu tư NP (5%), ông Nguyễn Hoài Nam (90%), và ông Phương Anh Phát (5%). Tổng Giám đốc kiêm Người đại diện pháp luật công ty là ông Phương Anh Phát.

Ông Nguyễn Hoài Nam - cổ đông lớn nhất của Kinh doanh NP, hiện đảm nhiệm chức Tổng giám đốc Berjaya Việt Nam và vừa qua đã ứng cử vào ghế HĐQT của Vincom Retail nhiệm kỳ mới.

Ông Phương Anh Phát, ngoài công ty NP,  cũng là cổ đông nắm 90% vốn tại Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh và Phát triển Emerald (doanh nghiệp mới mua 10,5% vốn SDI).

Nhóm chủ thâu tóm Vincom Retail là ai, mạnh cỡ nào?- Ảnh 1.

Bộ đôi doanh nhân Nguyễn Hoài Nam và Phương Anh Phát đều đóng vai trò chủ đạo tại hệ sinh thái JVA Việt Nam.

Bên cạnh đó, ông Phát cũng đang đứng tên tại Công ty TNHH Berjaya-D2D (công ty con của Tập đoàn Berjaya, Malaysia) trong khi ông Nguyễn Hoài Nam đóng vai trò là Thành viên Hội đồng quản trị.

Không chỉ vậy, bộ đôi doanh nhân này còn cùng góp vốn tại Công ty TNHH JVA TP.HCM, Công ty TNHH Thương mại JVA – nhóm doanh nghiệp phân phối xe Jeep tại Việt Nam.

Tại cổ đông thứ ba của SDI – Công ty Cổ phần Đầu tư Kinh doanh và Phát triển Falcon, nhóm JVA - Berjaya tiếp tục có sự hiện diện với 48,5% vốn của bà Nguyễn Thị Thanh Châu.

Bà Châu hiện là nhân sự tại Công ty TNHH Trung tâm Tài chính Việt Nam Berjaya, đại diện theo pháp luật cho các đơn vị khác như chi nhánh Công ty TNHH JVA TP.HCM, Công ty Thương mại Thế giới tự nhiên và Công ty Canadian Immigration Consultant.

Cổ đông thứ tư tại SDI là công ty Thiên Phúc có hai cổ đông sáng lập là Huỳnh Thanh Trúc và Huỳnh Thiên Phúc. Cuối tháng 3, sau khi tăng vốn, Thiên Phúc ghi nhận với sự xuất hiện của một cổ đông mới là ông Lương Phan Sơn (sở hữu 36%).

Ông Sơn là Chủ tịch Hội đồng thành viên và cổ đông của Công ty CapitaLand Tower - doanh nghiệp từng huy động 12.200 tỷ đồng trái phiếu vào cuối năm 2023, liên quan đến dự án The Sun Tower tại TP.HCM. Người giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng thành viên của CapitaLand Tower trước ông Sơn là Hui Ho Wai Clement, Giám đốc phát triển bất động sản của Masterise. Homes.

Ông chủ mới của Vincom Retail mạnh cỡ nào?

Berjaya Corporation Berhad là một tập đoàn có trụ sở tại Malaysia, kinh doanh trong nhiều lĩnh vực như: tiếp thị tiêu dùng, bất động sản, khách sạn, du lịch nghỉ dưỡng và giải trí.

Tập đoàn này cũng lấn sân sang lĩnh vực xổ số, thực phẩm, đồ uống, ô tô, dịch vụ môi trường, công nghệ sạch, viễn thông và công nghệ thông tin.

Theo báo cáo năm tài chính 2023, tập đoàn Berjaya có doanh thu đạt hơn 2 tỷ USD, tăng trưởng 18%, lợi nhuận sau thuế hơn 3,37 triệu USD. Tập đoàn này có tổng tài sản hơn 4,6 tỷ USD, trong đó nợ phải trả gần 2,78 tỷ USD.

Ông Vincent Tan, nhà sáng lập của tập đoàn Berjaya hiện là người giàu thứ 28 tại Maylaysia với tổng tài sản 695 triệu USD (theo Forbes).

Ở thị trường Việt Nam, Berjaya gia nhập vào năm 2006 khi trở thành tập đoàn Malaysia đầu tiên nhận được giấy phép đầu tư và phát triển về bất động sản tại Việt Nam.

Bắt đầu quá trình đầu tư tại Việt Nam, Berjaya đã liên doanh với một đối tác trong nước là Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển nhà số 12 Hà Nội (Handico 12) thực hiện dự án khu đô thị phức hợp thương mại và nhà ở trên diện tích 32ha tọa lạc tại phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Hà Nội. Khu phức hợp này được biết với tên gọi Khu Đô Thị Mới Thạch Bàn (Hà Nội City Garden), với tổng giá trị dự án sau đầu tư khoảng 500 triệu USD.

Cuối năm 2007, Berjaya tiếp tục thâu tóm 2 khách sạn lớn tại Hà Nội là Intercontinental và Sheraton. Tập đoàn này đã mua 70% cổ phần Sheraton với giá trị 68,22 triệu USD (khoảng 995 tỷ đồng tại thời điểm đó) và 75% cổ phần InterContinental Hanoi Westlake (giá trị khoảng gần 700 tỷ đồng).

Tại khu vực phía Nam, Berjaya cũng là chủ đầu tư của nhiều dự án tỷ đô như: khu đô thị đại học quốc tế Việt Nam (VIUT) với giá trị đầu tư 3,5 tỷ USD; Trung tâm Tài chính Việt Nam (VFC); Trung tâm Thành phố mới Nhơn Trạch (Nhon Trach New City Center - 2 tỷ USD); Dự án Biên Hòa City Square (230 triệu USD); Long Beach Resort, Phú Quốc...

Nhóm chủ thâu tóm Vincom Retail là ai, mạnh cỡ nào?- Ảnh 2.

Tập đoàn Berjaya đã bán toàn bộ 75% vốn tại InterContinental Hanoi Westlake cho công ty có liên quan tới BRG Group với giá khoảng 1.240 tỷ đồng.

Chủ mới và chủ cũ của Vincom Retail từng làm ăn ra sao?

Dù vậy, vào giai đoạn 2017 - 2019, tập đoàn này đã thoái vốn tại nhiều dự án.

Tháng 3/2018, Berjaya đã chuyển nhượng dự án Trung tâm Tài chính Việt Nam (BVFC) cho Vinhomes với tổng vốn đầu tư 930 triệu USD. Theo đó, Vinhomes đã góp thêm gần 2.009 tỷ đồng vào vốn điều lệ của BVFC, làm tỷ lệ sở hữu của Berjaya giảm xuống 32,5%.

Tháng 6/2018, Berjaya tiếp tục chuyển nhượng nốt 32,5% vốn còn lại tại BVFC cho VinHomes và Công ty Cổ phần Đô thị Du lịch Cần Giờ với tổng số tiền dự kiến 884,93 tỷ đồng. Berjaya đã nhận được khoản đặt cọc có thể hoàn lại là 15 triệu USD. Dù vậy, trong báo cáo thường niên năm 2023, Berjaya Corp vẫn ghi nhận BVFC là công ty liên kết với 32,5% vốn điều lệ.

Cũng trong năm 2018, Vinhomes đã mua lại 97,9% phần vốn góp trong Công ty Cổ phần Đô thị Đại học quốc tế Berjaya Việt Nam, chủ đầu tư Dự án Làng đại học Berjaya Việt Nam (BVIUT) với giá 11.748 tỷ đồng.

Ngoài ra, Berjaya cũng bán toàn bộ 70% cổ phần tại Công ty Berjaya Long Beach LLC Việt Nam, chủ đầu tư dự án Long Beach Resort Phú Quốc cho Công ty TNHH Dịch vụ Sulyna với giá 333,25 tỷ đồng.

Năm 2019, tập đoàn đến từ Malaysia bán toàn bộ 75% vốn tại InterContinental Hanoi Westlake cho công ty có liên quan tới BRG Group với giá khoảng 1.240 tỷ đồng.

Bên cạnh lĩnh vực bất động sản, Berjaya cũng gia nhập lĩnh vực xổ số Việt Nam vào đầu năm 2016. Tập đoàn Berjaya Berhad đã vượt qua 5 tập đoàn quốc tế khác và được cấp phép đầu tư cho dự án hợp tác với Công ty Xổ số điện toán Việt Nam (Vietlott) với tổng giá trị dự án lên đến hơn 210 triệu USD và kéo dài trong 18 năm.

Dự án kinh doanh xổ số điện toán tại Việt Nam được thực hiện bởi công ty con gián tiếp của Tập đoàn Berjaya là Công ty Cổ phần Đầu tư Công nghệ Berjaya Gia Thịnh (Berjaya GTI). Berjaya GTI là một công ty Việt do Công ty Xổ số Berjaya Việt Nam (Berjaya Lottery Vietnam Limited – BLV) nắm 51% vốn.

Vingroup được gì từ thương vụ thoái vốn khỏi Vincom Retail?

Theo trao đổi của Yuanta Research với Tập đoàn Vingroup, tập đoàn này có thể thu về 39.100 tỷ đồng tiền mặt (tương đương 1,6 tỷ USD) nếu bán 100% vốn của SDI. 

Đợt thoái vốn lần 1 hoàn tất ngay trong tháng 3 này có giá trị là 21.490 tỷ đồng (tương đương 886 triệu USD) khi Vingroup chuyển nhượng xong 55% vốn tại SDI. Đợt thoái vốn lần 2 (45% vốn còn lại tại SDI) sẽ được thực hiện trong vòng 6 tháng tiếp theo.

Mức giá này bao gồm số cổ phần sở hữu thực tế của SDI tại Vincom Retail, (tương đương định giá ở mức 32.000 đồng/cổ phiếu).

Định giá này cao hơn 30% so với mức giá hiện tại trên sàn của VRE trên sàn chứng khoán là 24.200 đồng/cổ phiếu. Giá chuyển nhượng này bao gồm phần sở hữu thực tế tại Vincom Retail và quyền hưởng lợi ích cổ đông thiểu số tại hai dự án bất động sản Vũ Yên và Hạ Long Xanh.

Trên thị trường chứng khoán, bất chấp "sức nóng" từ thương vụ SDI, cổ phiếu VIC của tập đoàn Vingroup cũng không ghi nhận biến động lớn. Kể từ thời điểm công bố bán SDI, cổ phiếu VIC tăng khoảng 6%, hiện giao dịch ở giá 47.700 đồng/cổ phiếu; tỷ phú Phạm Nhật Vượng vẫn xếp hạng 697 người giàu nhất thế giới với tài sản 4,5 tỷ USD.

Theo Chứng khoán Vietcap, Vingroup dự kiến ghi nhận lợi nhuận trước thuế 21.520 tỷ đồng từ giao dịch thoái vốn này. Đây là giao dịch bằng tiền và sẽ được ghi nhận vào bảng cân đối kế toán của Vingroup khi nhận tiền.

Nhóm chủ thâu tóm Vincom Retail là ai, mạnh cỡ nào?- Ảnh 3.

Vincom Retail hiện sở hữu 83 TTTM tọa lạc tại các vị trí trung tâm trên khắp 44 tỉnh, thành của Việt Nam.

Theo nhận định của VietCap, số tiền dự kiến thu được từ giao dịch thoái vốn này có thể giúp hỗ trợ Vingroup giải quyết nhu cầu vốn trong năm 2024. VietCap cũng kỳ vọng hoạt động của các trung tâm thương mại (TTTM) hiện hữu của VRE và kế hoạch ra mắt TTTM trong giai đoạn 2024-25 (đã bắt đầu xây dựng) sẽ không bị ảnh hưởng.

Liên quan đến việc thoái vốn tại Vincom Retail, ông Nguyễn Việt Quang, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vingroup cho biết đây là thời điểm cần tập trung mọi nguồn lực để phát triển mạnh mẽ Vingroup và các thương hiệu trọng điểm, có tiềm năng tăng trưởng cao.

Đại diện Vingroup cũng cho biết sau khi thoái vốn, không có thay đổi nào trong mô hình tổ chức, quản lý, vận hành của Vincom Retail. Theo đó, Vingroup sẽ ký hợp đồng với Vincom Retail, thay mặt quản lý hoạt động của các trung tâm thương mại.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.