Rất nhiều lái xe làm việc tại cơ quan, doanh nghiệp vận tải mua lại những vé qua trạm thu giá đã sử dụng để về thanh toán nhằm trục lợi - Ảnh: Vĩnh Phú |
Vô tư mua bán “xác vé” trên quốc lộ
Sáng 11/1, trong vai một tài xế cần mua vé đã qua sử dụng để về thanh toán, PV Báo Giao thông trực tiếp đến khu vực trạm thu giá BOT cầu Đồng Nai. Vừa qua khỏi cầu Đồng Nai, khi PV cho biết có nhu cầu mua “xác vé”, một chủ quán nước ven đường liền chỉ dẫn nhiệt tình: “Em chạy lên gần cầu (cầu Đồng Nai - PV), muốn mua bao nhiêu cũng có”.
Đến chân cầu Đồng Nai, lập tức xuất hiện 2 người phụ nữ che kín mặt, tay xách giỏ đon đả chào mời: “Mua vé trạm nào chị bán rẻ cho, vé ghi mệnh giá từ 20.000 - 40.000 đồng thì 1.000 đồng, mệnh giá vé 80.000 đồng thì bán lại 4.000 đồng. Nếu mua 100 tờ trở lên sẽ giảm còn 3.000 đồng/vé, bao nhiêu cũng có”.
Tại các trạm thu giá Xa lộ Hà Nội (đang tạm ngưng thu phí), BOT An Sương - An Lạc (TP HCM), QL51… cũng xuất hiện một số người “cắm chốt” hai bên đầu trạm để mua bán “xác vé” phí đường bộ bất chấp nguy hiểm tính mạng và gây cản trở giao thông trên các tuyến quốc lộ. |
Lúc 9h sáng tại khu vực Trạm thu giá BOT cầu Đồng Nai, PV chứng kiến cảnh mua bán vé diễn ra công khai ngay trên đường. Tại đây, một người đàn ông trung niên khoảng 50 tuổi, mặc áo trắng đội nón lá kê ghế ngồi ngay đầu trạm hướng từ TP.HCM về ngã tư Vũng Tàu liên tục vẫy tay tài xế xin vé.
PV ghi nhận, chỉ trong vòng 30 phút, có tới khoảng 20 tài xế sau khi mua vé qua trạm đã dừng xe đưa vé cho một người đàn ông hoặc quăng vé xuống đường. Ngay lập tức, người đàn ông lao ra lấy mặc cho dòng xe cộ nườm nượp qua lại. Đến 10h sáng cùng ngày, sau khi thu được nhiều vé, người đàn ông này bất ngờ nhận được điện thoại của ai đó liền bỏ “trận địa” băng ngang đường tấp vào lề lôi ra một xấp vé rồi vội vàng vượt qua dòng xe chạy đến một bụi cây giữa dải phân cách. Ở đó có một tài xế đang đứng đợi sẵn. Cuộc giao dịch diễn ra chóng vánh chỉ trong vòng vài phút rồi đường ai nấy đi, tài xế rời hiện trường đi bộ băng qua đường giữa dòng xe đang lao vun vút hướng về cầu Đồng Nai.
Theo một tài xế tên S. (xin giấu tên), họ mua lại “xác vé” thu giá đường bộ để về thanh toán. Không chỉ ở trạm cầu Đồng Nai mà còn ở nhiều trạm khác trên cả nước. Chẳng hạn như trên địa bàn TP HCM có nhiều trạm BOT nhưng nếu tài xế rành rẽ đường đi, chọn đường khác tránh đi qua trạm thu phí, sau đó bỏ ra vài nghìn mua lại “xác vé” về thanh toán với công ty để trục lợi.
Người đàn ông ngồi ngay đầu trạm BOT cầu Đồng Nai nhặt vé bất chấp dòng xe cộ đông đúc - Ảnh: Vĩnh Phú |
Chính quyền địa phương làm ngơ?
Ông Nguyễn Văn Cường, giám đốc một công ty vận tải ở Đồng Nai nhận định, doanh nghiệp không quản chặt rất dễ bị tài xế “qua mặt”. Chẳng hạn, khi vào giao hàng tại cảng Cát Lái, mất 4 lượt đi về qua 2 trạm (cầu Đồng Nai, Xa lộ Hà Nội). Nhưng có khi tài xế đi đường vòng né được trạm Xa lộ Hà Nội, khi về tài xế trình vé nên vẫn được thanh toán. Như vậy, công ty bị gian lận tiền qua trạm 2 lượt.
“Trước đây, chúng tôi phát hiện một tài xế gian lận. Vụ việc chỉ vỡ lở khi trong quá trình né trạm bị lực lượng CSGT xử phạt đi vào đường cấm. Ngay sau khi bị phát hiện, tài xế này không tiếp tục được làm việc. Tiền cước phí đường bộ chúng tôi chi hàng tháng có khi cả trăm triệu đồng, nên số tiền bị gian lận khá lớn”, ông Cường cho hay.
Ông Lê Huy Triển, Chi cục trưởng Chi cục QLĐB IV.2 (thuộc Cục QLĐB IV) xác nhận tình trạng một số người gom bán vé qua sử dụng tại khu vực trạm cầu Đồng Nai. Đầu tháng 1/2018, Chi cục đã xuống kiểm tra và phát hiện 2 đầu trạm có một số người dân xin lại vé để bán cho các lái xe thanh toán với công ty.
“Hiện, vé do Bộ Tài chính ban hành chưa có thiết bị kiểm tra thật hay giả, các đơn vị BOT phải lưu lại cuống vé không được phép bán. Việc một số người mua bán vé đã qua sử dụng gần trạm thu giá BOT tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT, Chi cục đã có văn bản báo cáo Cục IV để yêu cầu chính quyền địa phương có biện pháp xử lý”, ông Triển nói.
Trao đổi với PV Báo Giao thông sáng 11/1, ông Huỳnh Duy Linh, Trưởng phòng Tổ chức hành chính, Công ty CP Đầu tư & Xây dựng cầu Đồng Nai cho rằng, đơn vị cũng thường xuyên phối hợp với phường Long Bình Tân (TP Biên Hòa) để xua đuổi người nhặt vé. Địa phương cũng xử phạt hành chính một số trường hợp, nhưng “gom” hôm nay mai lại ra đứng trạm nhặt, bán vé gây ảnh hưởng đến ATGT khu vực trạm.
“Chúng tôi không được phép xử lý những người này vì nằm ngoài khu vực trạm quản lý mà chỉ kiến nghị chính quyền địa phương có biện pháp mạnh tay xử lý”, ông Linh nói.
“Tôi khẳng định, không có tình trạng mua bán vé giả, do vé giả không thể nào qua trạm được. Vé xuất ra khi quét qua máy không thể sử dụng lần sau nên không thể xoay vòng cuống vé được”, ông Linh nói và cho biết thêm, hiện chỉ tồn tại tình trạng lái xe mua của những người nhặt vé, xin vé về thanh toán với đơn vị. Tình trạng này đã xuất hiện tại nhiều trạm. Thời gian qua, nhiều đơn vị nghi ngờ tài xế gian lận vé đã gọi đến trạm để xác minh giờ giấc xe đi qua và chúng tôi sẵn sàng xác minh sau khi nhận được biển số xe.
Chiều 10/1, PV Báo Giao thông đến UBND phường An Bình (TP Biên Hòa) sau khi xem clip ghi nhận hình ảnh về vấn đề một số người mua vé tại trạm, bà Lương Mai Phương Thảo, Phó chủ tịch UBND phường này cho biết, vẫn chưa nắm được sự việc do phía công an phường chưa có báo cáo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận