58% phụ nữ đã từng kết hôn cho biết họ đã trải qua ít nhất một hình thức bạo hành về thể chất và tinh thần - Ảnh minh họa |
Có đến 87% nạn nhân bạo lực gia đình đã không tìm kiếm sự giúp đỡ vì không thể tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ. Nhiều người sợ bị kỳ thị và phân biệt nên cũng giấu việc mình là nạn nhân của bạo lực tình dục.
Bị bạo hành, xâm hại bởi chính người thân
Bước thấp bước cao bởi thương tật do chính người chồng “đầu gối, tay ấp” gây ra, chị Dương Thị H. (Hiệp Hòa, Bắc Giang) có mặt ở cuộc hội thảo về tiếp cận công lý cho phụ nữ bị bạo hành tại Hà Nội. Theo lời chị, đỉnh điểm của những trận bạo hành như cơm bữa là khi chồng chị ngang nhiên chặn đường với ý đồ dùng dao chọc tiết lợn cắt lưỡi, chọc mù mắt vợ vì chị quyết tâm đệ đơn xin li hôn. Kháng cự quyết liệt, nhưng với sức mọn, chị H. bị chồng đâm liên tiếp nhiều nhát dao vào mặt, cắt gân chân, gân tay với tất thảy 7 vết thương trên cơ thể. Mặc dù vụ việc đã diễn ra từ bốn tháng trước nhưng đến giờ, khi nhắc lại câu chuyện của mình, gương mặt chị lộ rõ sự sợ hãi. Vết thương cả về thể chất lẫn tinh thần khiến chị như ngã quỵ. Chị H. cho biết, mới đây trong lần đối chất với chồng, lấy lời khai, chồng chị vẫn tiếp tục đe dọa: “Khi nào về, tao cho mày… tàn phế hẳn”!
“Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái là một vấn đề nghiêm trọng, tuy nhiên đây lại là một trong những loại hình tội phạm ít bị truy tố nhất trên thế giới. Hơn nữa, chủ đề về bạo lực tình dục lại thường bị coi là chủ đề nhạy cảm để thảo luận công khai vì sự kỳ thị đối với loại hình tội phạm này khiến những ai là nạn nhân buộc phải im lặng khi bị lạm dụng. Sự im lặng trước bạo lực tình dục đối với phụ nữ và trẻ em gái cần phải bị phá vỡ. Để đối phó hiệu quả với vấn nạn này, chúng ta cần một cách tiếp cận lâu dài, có hệ thống và toàn diện nhằm thừa nhận và bảo vệ quyền con người bình đẳng và đầy đủ cho phụ nữ”. Ông Chris Batt |
Đối với bà Lê Quỳnh Lan, cán bộ Tổ chức Plan tại Việt Nam, có lẽ không đau xót nào hơn khi phải tiếp cận những vụ việc liên quan đến hành động xâm hại tình dục bé gái mà kẻ thủ ác lại chính là người thân của các bé. Tới giờ, bà Lan vẫn không thể quên được hoàn cảnh một bé gái ở Quảng Ngãi vì gia đình vô cùng khó khăn nên cha mẹ buộc gửi con cho bà ngoại nuôi để lên thành phố kiếm sống. Khi em 15 tuổi, người cha nhận hung tin bé có bầu đã bốn tháng và sững sờ khi biết chính hai ông trẻ (em ruột bà ngoại) đã nhiều lần xâm hại và đe dọa con mình. Vụ việc được đưa ra ánh sáng, kẻ gây tội phải nhận án tù, nhưng đớn đau hơn khi chính nạn nhân bị xâm hại lại bị láng giềng, họ hàng ghẻ lạnh, quy kết “tội lẳng lơ, phá hoại gia đình người khác”. “Đứa trẻ và gia đình buộc phải chuyển đi nơi khác sống bởi không thể chịu nổi sự kỳ thị của những người xung quanh”, bà Quỳnh Lan chia sẻ.
Theo điều tra quốc gia về bạo lực gia đình, 58% phụ nữ đã từng kết hôn cho biết, họ đã trải qua ít nhất một hình thức bạo lực về thể chất, tình dục và tinh thần từ người thân tại một thời điểm nào đó trong cuộc sống; 87% cho biết bị quấy rối tình dục ở nơi công cộng; 10% cho biết đã bị bạn tình cưỡng ép tình dục. 30% người làm nghề mại dâm cho biết đã từng là nạn nhân của bạo lực tình dục và 22% bị ép buộc quan hệ tình dục.
Phụ nữ bị bạo hành khó tiếp cận công lý
Trao đổi với Báo Giao thông, bà Vân Anh, Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng khoa học về giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) cho rằng: “Với những nạn nhân bị bạo hành, nhất là bạo hành tình dục bởi chính người thân, để họ nói ra đã khó, nhưng để họ tiếp cận với công lý và được đảm bảo quyền của mình lại càng khó hơn bởi hệ thống hỗ trợ pháp lý cho nạn nhân còn chưa đầy đủ”.
Về vấn đề này bà Nguyễn Thị Minh, Cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp cũng nhìn nhận: “Bạo lực giới vẫn tồn tại nhức nhối, song thực tế chưa có cơ chế bảo vệ và lợi ích hợp pháp của người bị bạo hành, kể cả mặt pháp luật và xã hội. Khi bị bạo hành, người phụ nữ thường chịu đựng, ít chia sẻ nhất là với nạn nhân bị bạo hành tình dục bởi e ngại sự đàm tiếu xung quanh”.
Theo bà Phan Lan Hương (ĐH Luật Hà Nội), lý do khiến nạn nhân của bạo hành, bạo lực tình dục không dám lên tiếng vì pháp luật chưa thực sự bảo vệ được họ. Những thủ tục pháp lý còn phức tạp, chồng chéo, bất cập, gây nhiều khó khăn cho nạn nhân. Chẳng hạn như việc đòi hỏi nạn nhân cung cấp giấy tờ chứng minh khi tiếp nhận trợ giúp cho nạn nhân, bởi khi bị chồng đánh, nạn nhân bỏ chạy thoát thân thì khó có thể có giấy tờ tùy thân. Hoặc nếu được tiếp nhận lại xử lý với hình thức phạt hành chính hay “xin lỗi công khai” cũng phản tác dụng, bởi phần lớn nạn nhân bị bạo hành đều không muốn “bàn dân thiên hạ biết và đàm tiếu”, cũng như tổn hại thêm gánh nặng tài chính khi trong gia đình người vợ lại là người kiếm ra tiền.
Cùng quan điểm, Luật sư Nguyễn Văn Tú, Giám đốc Công ty Luật TNHH Faci, Phó chủ nhiệm Đoàn luật sư Bắc Giang chia sẻ, luật pháp hiện thiên về đấu tranh tội phạm mà “quên” bảo vệ quyền của nạn nhân bị bạo lực tình dục. Theo luật sư Tú, số lần nạn nhân chịu tổn thương không phải một, mà hệ thống tư pháp đã xâm hại nạn nhân thêm ít nhất 15 lần nữa. Vì để vụ việc được đưa ra ánh sáng, nạn nhân phải “kể đi kể lại” nhiều lần với cơ quan tố tụng, kiểm sát viên, luật sư, tòa án, báo chí, gia đình, hội phụ nữ… gây tổn hại đến tâm lý nạn nhân.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận