Nhạc sĩ Hoàng Vân vừa mới qua đời vào hồi 4h30 sáng nay (4/2) tại nhà riêng hưởng thọ 88 tuổi
|
Nhạc sĩ Hoàng Vân vừa mới qua đời vào hồi 4h30 sáng nay (4/2) tại nhà riêng, hưởng thọ 88 tuổi. Ông tên thật là Lê Văn Ngọ; sinh ngày 24/7/1930 trong một gia đình trí thức tại Hà Nội. Ông là một trong những nhạc sĩ nổi tiếng của dòng nhạc Cách Mạng Việt Nam, người được coi là có nhiều sáng tác nhất về các ngành và các bài hát của ông đều trở thành bài truyền thống. Ông nổi tiếng với hàng loạt ca khúc như "Bài Ca Xây Dựng", "Hò Kéo Pháo", "Người Chiến Sĩ Ấy", "Quảng Bình Quê Ta Ơi", "Tôi Là Người Thợ Lò","Em yêu trường em", "Con chim vành khuyên", Mùa hoa phượng nở... Ông còn có bút danh là Y - Na (tức "Yêu Ngọc Anh" - Ngọc Anh chính là người bạn đời của ông).
Được học nhạc lý từ khi còn rất nhỏ, mới 15 tuổi nhạc sĩ Hoàng Vân đã sáng tác những tác phẩm đầu tiên cho riêng mình. Cũng như những người cùng thời, con đường sáng tác âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Vân gắn liền với những biến động của lịch sử dân tộc qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Năm 16 tuổi, ông gia nhập Đội thiếu niên cứu quốc Mai Hắc Đế, là liên lạc viên tự vệ khu Đông Kinh Nghĩa Thục (Liên khu I), Hà Nội, rồi làm phụ trách Thiếu sinh quân Trung đoàn 165, Sư đoàn 312. Sau đó ông tham gia Đội Tuyên truyền võ trang Lao Hà, làm báo chí và công tác địch vận của trung đoàn, sư đoàn, và sau đó phụ trách văn nghệ ở Sư đoàn 312.
Sau 1954, hòa bình lập lại, ông được gửi đi tu nghiệp tại Nhạc viện Bắc Kinh, Trung Quốc. Khi về nước, ông chỉ huy dàn nhạc đoàn ca nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam kiêm chỉ đạo nghệ thuật, đồng thời tham gia giảng dạy môn sáng tác và phối khí tại Nhạc viện Hà Nội cho đến năm 1989. Từ năm 1963 đến năm 1989, ông là uỷ viên Ban Chấp hành Hội nhạc sĩ Việt Nam, là trưởng ban sáng tác thanh nhạc và công tác tại Hội cho đến năm 1996. Năm 1975, ông đi thực tập một thời gian tại Nhạc viện Sofia, Bulgaria.
Hoàng Vân bắt đầu sáng tác từ năm 1951 với những ca khúc được phổ biến rộng rãi tại vùng Tây Bắc, Việt Bắc như "Chiến thắng Hoà Bình", "Tin chiến thắng", "Chiến thắng Tây Bắc",... Năm 1954, ông sáng tác ca khúc nổi tiếng "Hò kéo pháo". Từ đây sự nghiệp sáng tác của ông bắt đầu nở rộ với hàng loạt ca khúc, hợp xướng, hòa tấu. Ngoài ra ông còn viết nhạc cho phim, kịch nói, chèo, cải lương.
Ngoài công việc sáng tác, ông còn tham gia công tác giảng dạy ở Nhạc viện Hà Nội. Học trò ông nhiều người đã thành danh như: An Thuyên, Trương Ngọc Ninh, Văn Thành Nho, Phú Quang,...
Ông đã xuất bản các sách nhạc: Hai chị em (Nhà xuất bản Âm nhạc, 1973), 6 ca khúc Hoàng Vân (Nhà xuất bản Âm nhạc, 1980), Ca khúc Hoàng Vân (Nhà xuất bản Âm nhạc, 1986), Tuyển chọn ca khúc Hoàng Vân (Nhà xuất bản Âm nhạc và Hội nhạc sĩ Việt Nam) kèm theo băng cassette audio. Xuất bản tại nước ngoài: Tổng phổ giao hưởng Thành đồng Tổ quốc (in tại Cộng hoà Dân chủ Đức và Bulgaria), Hành khúc con voi (Voi kéo gỗ) (Nhà xuất bản Âm nhạc Moskva, Liên Xô).
Với những đóng góp cho nền âm nhạc nước nhà, nhạc sĩ Hoàng Vân được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật vào năm 2000. Sau đó 12 năm ông được nhận danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú.
Vợ nhạc sĩ Hoàng Vân là một bác sĩ. Hai ông bà có hai người con, đó là nhạc trưởng Lê Phi Phi và chị Lê Y Linh, tiến sĩ âm nhạc tại Pháp.
Một số tác phẩm nổi tiếng của nhạc sĩ Hoàng Vân:
Tác phẩm Hò kéo pháo
Tác phẩm Quảng Bình quê ta ơi
Tác phẩm Việt Nam muôn năm
Tác phẩm Tôi là người thợ lò
Tác phẩm Bài ca người giáo viên
Tác phẩm Chào anh giải phóng quân, Chào mùa xuân đại thắng
Tác phẩm Người chiến sỹ ấy
Tác phẩm Tôi là Người thợ lò
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận