GDP, thu nhập/đầu người tăng trong khi nợ công giảm mạnh trong giai đoạn từ năm 2016 đến tháng 9/2018 - Đồ họa: Nguyễn Tường |
Thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo KT-XH năm 2018 và kế hoạch phát triển KT-XH năm 2019 tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV, diễn ra ngày 22/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu lên những con số ấn tượng.
Chi đầu tư phát triển tăng, chi thường xuyên giảm
Bên cạnh đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân ước cả năm dưới 4%, là năm thứ 3 liên tiếp kiểm soát dưới 4%. Thu ngân sách ước cả năm vượt 3% dự toán; Chi ngân sách được kiểm soát chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả hơn. Tỷ trọng chi đầu tư phát triển đạt 26,8%, cao hơn giai đoạn trước (23,6%). Mặc dù hàng năm vẫn bảo đảm nguồn tăng lương cơ sở 7% nhưng tỷ trọng chi thường xuyên vẫn giảm còn 63,3%, thấp hơn đầu nhiệm kỳ (năm 2015 là 67,7%) và kế hoạch 2016 - 2020 (dưới 64%).
Đặc biệt, nợ công khoảng 61,4% GDP, giảm mạnh so với mức 63,7% năm 2016.
Dành 16.200 tỷ đồng để tăng lương trong năm 2019 Báo cáo tình hình tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2018, dự toán và phương án phân bổ ngân sách T.Ư năm 2019, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, dự toán chi thường xuyên trong năm tới là 470,9 nghìn tỷ đồng. Trong đó, dự toán chi cải cách tiền lương, tinh giản biên chế năm 2019 là 16,2 nghìn tỷ đồng. Cũng theo Bộ trưởng Tài chính, kể từ 1/7/2019 sẽ thực hiện điều chỉnh lương hưu, chính sách trợ cấp người có công tăng 7%, điều chỉnh lương cơ sở từ 1,39 triệu đồng/ tháng lên 1,49 triệu đồng/ tháng. |
Cũng theo người đứng đầu Chính phủ, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước cả năm đạt 34% GDP. Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện; thực hiện chủ trương cắt giảm tối thiểu 50% thủ tục hành chính, trong đó đã cắt giảm, đơn giản hóa 61% điều kiện kinh doanh và 60% thủ tục kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu. “Trên cơ sở kết quả 9 tháng, ước cả năm 2018 sẽ đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó có 8 chỉ tiêu vượt”, Thủ tướng khẳng định và cho biết, quy mô nền kinh tế gấp 1,3 lần, GDP bình quân đầu người tăng 440USD so với đầu nhiệm kỳ; đời sống của người dân không ngừng được cải thiện.
Ngoài ra, trong năm 2018, Thanh tra Chính phủ đã ban hành hàng loạt kết luận thanh tra nhiều vụ việc nghiêm trọng, dư luận xã hội quan tâm (như AVG, Hãng Phim truyện Việt Nam, đất đai tại Đà Nẵng, Thủ Thiêm…), thu hồi số lượng tiền, tài sản lớn về cho Nhà nước.
Thủ tướng khẳng định, quan điểm xử lý nghiêm sai phạm trên tinh thần kiên quyết, khách quan, công khai minh bạch, trong đó có một số cán bộ cao cấp. Tập trung điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh các vụ án phức tạp, nhân dân quan tâm như vụ đánh bạc trên internet, sai phạm tại một số ngân hàng thương mại, vụ “Vũ nhôm”, “Út trọc”.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo về tình hình KT-XH năm 2018 và kế hoạch phát triển KT-XH năm 2019 tại Quốc hội - Ảnh: TTXVN |
Hoàn thành nhiều công trình giao thông, nâng cao năng lực vận tải
Thủ tướng nhấn mạnh, các đột phá chiến lược và cơ cấu lại nền kinh tế được tập trung chỉ đạo, đạt nhiều kết quả. Kết cấu hạ tầng được tiếp tục quan tâm đầu tư, nhiều công trình quan trọng được hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Trong đó, nhiều công trình, dự án quan trọng, quy mô lớn được tập trung đầu tư hoàn thành trong giai đoạn 2016 - 2020 như đường bộ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bến Lức - Long Thành, Pháp Vân - Cầu Giẽ, Trung Lương - Mỹ Thuận, Hòa Lạc - Hòa Bình, Tân Vũ - Lạch Huyện, cầu Cao Lãnh, cầu Vàm Cống, tuyến nối Cao Lãnh - Vàm Cống, đường Hồ Chí Minh đoạn La Sơn - Túy Loan...; đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông; cảng Lạch Huyện, nâng cấp QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên...
Theo đánh giá của Chính phủ, việc đưa vào sử dụng một số công trình, dự án giao thông quan trọng vào đầu giai đoạn 2016 - 2020 như các dự án QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, các dự án đường cao tốc hướng tâm có tác động lớn trong việc nâng cao năng lực vận tải, đáp ứng cơ bản nhu cầu đi lại của người dân, ngay cả đợt cao điểm. Trung bình hàng năm, năng lực vận tải tăng khoảng 10%.
Cùng với đó, nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị được đầu tư như các trục giao thông hướng tâm, các đường vành đai, các nút giao lập thể tại các giao lộ lớn, tuyến tránh đô thị, đặc biệt ưu tiên là các vành đai, các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP HCM.
Làm rõ động lực tăng trưởng
Đánh giá cao các kết quả đạt được, song cơ quan thẩm tra là Ủy ban Kinh tế cho rằng, cần tập trung làm rõ một số vấn đề.
Tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) dự báo đạt ở mức cao, nhưng Ủy ban Kinh tế lưu ý cần phân tích rõ động lực của tăng trưởng này để bảo đảm duy trì mức tăng trưởng một cách ổn định. Diễn biến mức tăng trưởng GDP của ba quý vừa qua có sự khác biệt so với kịch bản tăng trưởng kinh tế đã dự báo đầu năm, do đó cần đánh giá đầy đủ tác động đến tăng GDP để có thể tiếp tục duy trì cho tăng trưởng GDP năm 2019 và năm cuối kế hoạch 5 năm 2016-2020.
Dù lạm phát đang được kiểm soát nhưng theo cơ quan thẩm tra, áp lực lạm phát cuối năm còn tiềm ẩn nên cần đánh giá hiệu quả điều hành chính sách giá thông qua việc điều chỉnh giá dịch vụ công mà Nhà nước cung cấp, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa bên cung ứng và bên sử dụng dịch vụ.
Ủy ban Kinh tế cũng cho rằng, tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước dự kiến vượt so với dự toán nhưng các khoản thu thể hiện nội lực của nền kinh tế ở 3 khu vực kinh tế quan trọng (doanh nghiệp Nhà nước, FDI và tư nhân) đều không đạt dự toán, cần được phân tích, làm rõ nguyên nhân; tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản còn thấp.
Về mục tiêu tổng quát, Ủy ban Kinh tế thống nhất với báo cáo của Chính phủ về tiếp tục củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế. Một trong những giải pháp được cơ quan thẩm tra đề cập là tập trung cơ cấu lại ngân sách Nhà nước theo hướng tăng tỷ trọng thu nội địa, chi đầu tư và giảm tỷ trọng chi thường xuyên; kiểm soát chặt chẽ thu, chi, giảm bội chi ngân sách Nhà nước. Tăng cường hoàn thiện thể chế và thu hút đầu tư ngoài nhà nước vào phát triển kết cấu hạ tầng, cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư kinh doanh, quyết liệt cắt giảm chi phí chính thức và phi chính thức.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận