Hệ thống giao thông công cộng hiện đại sẽ thu hút người dân tham gia |
Trả lương không còn “cào bằng”
TP.HCM đã nhanh chóng thông qua các đề án triển khai cơ chế đặc thù vào cuộc sống. Nhiều chuyên gia tin rằng, chỉ trong thời gian từ 6 tháng đến 1 năm khi cơ chế đặc thù được triển khai vào thực tiễn, bộ mặt thành phố sẽ có những chuyển biến rõ nét.
Bà Nguyễn Thị Thu, Chánh văn phòng Sở GTVT TP.HCM cho biết, mấy năm nay Sở đã tiến hành đánh giá thi đua đối với cán bộ công nhân viên theo các tiêu chí đề ra để bình xét thi đua hàng tháng. Ngoài hệ số lương cơ bản, những cán bộ được xếp loại “Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, “Hoàn thành tốt nhiệm vụ”, sẽ có thêm một phần thu nhập tăng thêm. Vì nguồn kinh phí còn hạn chế nên phần tăng thêm này chỉ mang tính khuyến khích chứ chưa tạo được đột phát trong việc tăng thu nhập cho cán bộ, nhân viên. “Chúng tôi hy vọng với đề án cải cách tiền lương, cán bộ công chức thành phố sẽ có thêm một nguồn thu nhập xứng đáng hơn với khối lượng công việc rất lớn mình đang làm mỗi ngày”, bà Thu nói.
Để triển khai cơ chế đặc thù, HĐND thành phố đã thông qua “Đề án Cải cách tiền lương cho cán bộ, công chức”. Theo đó, từ ngày 1/4, tất cả các đơn vị hành chính sự nghiệp trên địa bàn TP.HCM bắt đầu thực hiện các bước đánh giá hiệu quả công việc của cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ không chuyên trách trên địa bàn. Từ kết quả đánh giá này, các đơn vị sẽ trả thu nhập tăng thêm cho cán bộ công chức thay vì cào bằng như các địa phương khác từ trước tới nay. Trong năm 2018, những cán bộ có hiệu quả công việc tốt (dựa trên đánh giá hàng quý, hàng năm) được tăng thu nhập gấp 0,6 lần. Từ năm 2019 - 2020 tăng dần lên tối đa 1,8 lần.
Trong lĩnh vực thu hút nhân tài, các chuyên gia, nhà khoa học có nhiều công trình nghiên cứu xuất sắc, nhiều kinh nghiệm đào tạo, tư vấn, vận hành… sẽ được tuyển dụng làm việc ở các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập. Khi được tuyển chọn, nhân sự được trợ cấp ban đầu tối đa 100 triệu đồng, hưởng lương chuyên gia cao cấp, cùng các chính sách khuyến khích nghiên cứu khoa học, hỗ trợ nhà ở công vụ, kinh phí thuê nhà...
Khi có cơ chế đặc thù, có nguồn lực về tài chính, thành phố sẽ có những quyết sách mạnh trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng để tạo đòn bẩy cho sự phát triển kinh tế. Trong ảnh: Cầu Sài Gòn, bên cạnh tuyến Metro Bến Thành - Suối Tiên chạy song song |
Sẽ có những đột phá
PGS.TS. Nguyễn Văn Trình, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cho biết, nếu trước đây, những dự án công thuộc nhóm A sử dụng vốn ngân sách thành phố phải xin ý kiến các bộ, ngành và chờ Chính phủ thông qua mới được thực hiện nên mất nhiều thời gian. Nghị quyết 54 của Quốc hội cho phép HĐND thành phố được quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án nhóm A sử dụng ngân sách thành phố. Khi có chủ trương này, tại kỳ họp thứ 7 vào tháng 3/2018, HĐND Thành phố đã ra Nghị quyết quyết định chủ trương đầu tư hai dự án lớn là “Xây dựng rạp xiếc, biểu diễn đa năng Phú Thọ” và “Dự án bồi thường GPMB, tái định cư phục vụ đầu tư xây dựng Khu liên hợp TDTT Rạch Chiếc” (phục vụ SEA Games 31 vào năm 2021), với tổng mức đầu tư hai dự án lên tới 9.495 tỷ đồng.
Từ ngày 1/6 tới, các phương tiện đậu đỗ trên một số tuyến đường ở trung tâm thành phố sẽ chịu mức phí mới, bởi thành phố đã thông qua đề án về mức phí sử dụng tạm thời lòng đường để đỗ ô tô. Theo đó, phí tạm dừng đậu ô tô trên lòng đường được tính cao nhất là 40.000 đồng/giờ, trong khi hiện tại là 5.0000 đồng/lượt, cao hơn khoảng 20% so với mức thu của các cao ốc, trung tâm thương mại... Mức phí cũng tính tăng lũy tiến theo giờ chứ không theo lượt như hiện nay và áp dụng cho 2 nhóm là ô tô đến 9 chỗ; xe tải dưới 1,5 tấn và ô tô từ 10 chỗ; xe tải trên 1,5 tấn đến dưới 2,5 tấn.
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND thành phố cho biết, các đề án về thu hút nguồn nhân lực, cải cách tiền lương, thu phí ô tô đậu đỗ trên đường… đã tạo động lực giải quyết những vấn đề lớn, cũng như tạo tầm nhìn chiến lược phát triển thành phố. “Điều quan trọng là từ những đề án này sẽ góp phần thay đổi hành vi của mỗi người dân thành phố. Cán bộ công chức sẽ làm việc tích cực hơn khi được trả thu nhập xứng đáng. Người dân khi đậu đỗ ô tô trên các tuyến phố trung tâm sẽ có ý thức hơn, lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè”, bà Tâm nói.
Thời gian kể từ khi Quốc hội thông qua Nghị quyết cho phép TP Hồ Chí Minh thí điểm thực hiện cơ chế đặc thù đến nay chỉ 4 tháng, thành phố cũng mới hoàn thành các thủ tục với các đề án để trình HĐND thành phố thông qua. Những giải pháp đi vào thực tiễn gần như chỉ mới bắt đầu. Tuy nhiên, PGS. TS. Võ Văn Sen, Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM), nhận định với những cơ chế đặc thù mà Quốc hội đã cho phép thành phố thực hiện thí điểm, chỉ trong vòng 6 tháng đến 1 năm bộ mặt đô thị thành phố chắc hẳn sẽ có những chuyển biến tích cực hơn.
PGS.TS. Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM: Công trình, dự án sẽ làm nhanh hơn Nhiều dự án trường học, bệnh viện kéo dài năm này qua năm khác, vừa không có tiền làm, vừa không được quyết định, lại đợi ý kiến cấp trên, ngán ngẩm vô cùng. Giờ thành phố được quyết những dự án quan trọng thuộc nhóm A thì các thủ tục đầu tư sẽ rút ngắn, công trình làm nhanh hơn và giải quyết được những vấn đề như kẹt xe, ngập nước, ATGT… một cách nhanh hơn và tốt hơn. Ông Nguyễn Thành Tài, nguyên Phó chủ tịch UBND TP.HCM: Thành phố sẽ phát triển vượt bậc trong tương lai không xa Với cơ chế đặc thù được Quốc hội thông qua, TP Hồ Chí Minh sẽ có thêm nguồn lực vươn lên không chỉ cho riêng mình mà còn góp phần cho cả nước mau thoát ra khỏi những khó khăn, trở lực, phát triển vững chắc trong điều kiện hội nhập với thế giới, đầy những cạnh tranh thử thách. Có cơ chế đặc thù, tôi tin chắc rằng, thành phố sẽ phát triển vượt bậc trong tương lai không xa. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận