Chất lượng sống

Những người gác đèn trên đảo Mắt

25/06/2017, 06:26

Chuyện ít biết về những người gác đèn trên đảo Mắt (Cửa Lò, Nghệ An)

74

Trạm trưởng và trạm phó đang kiểm tra hệ thống đèn

Đi cùng chúng tôi trong chuyến thăm người gác hải đăng lần này còn có anh Nguyễn Hồng Sơn, Trạm trưởng Trạm đèn Hòn Mát, người đã có thâm niên hơn 20 năm trong nghề đảm bảo an toàn hàng hải và vừa kết thúc đợt trực gác dài ngày ở đảo Mắt. Vừa mới vào bờ báo cáo công tác của trạm, tranh thủ thăm nhà không được bao lâu, anh lại vội ra đảo để lo toan công việc của anh em.

Vượt sóng thăm “mắt biển”

Nhìn chúng tôi vịn vào mạn thuyền bước đi ngập ngừng, sợ hãi mỗi khi sóng dập mũi thuyền, anh Sơn cười nói: “Đây chỉ mới sóng cấp 3 – 4 thôi. Ngày đầu tôi ra trạm cũng như các anh bây giờ, con sóng cứ vật lên, vật xuống đến nỗi đứng cũng không vững. Mới đó mà thấm thoát đã hơn 20 năm…”.

Ra khỏi Cửa Hội, con tàu tăng tốc hết cỡ, mũi tàu cưỡi lên những con sóng dập đầu. Tất cả mọi người trên thuyền ai cũng háo hức, mong thuyền chạy nhanh ra tới đảo Mắt để những thứ cơ bản nhất như: Thịt, gạo, nước mắm, xà phòng, dầu gội, sách báo… sớm đến tay những nhân viên gác đèn trên trạm và cả những chiến sỹ đang đóng quân trên đảo.

Trạm đèn Hòn Mát (Công ty Đảm bảo an toàn hàng hải Bắc Trung Bộ) được thành lập vào năm 2003, nằm trên đỉnh cao nhất của đảo Mắt, thuộc TX Cửa Lò, tỉnh Nghệ An. Đảo nằm cách biển Cửa Hội khoảng 20 hải lý, tọa độ địa lý là 18o48’00’’ vĩ độ Bắc và 105o57’22’’ kinh độ Đông. Trạm đèn đảo Mắt (Nghệ An) nằm ở độ cao 189,39m so với mực nước biển. Đèn có đặc tính ánh sáng trắng, chớp nhóm (2+1) chu kỳ 30 giây, có tác dụng báo hiệu vị trí đảo Mắt, giúp tàu thuyền hoạt động trong vùng biển ngoài khơi Nghệ An, Hà Tĩnh định hướng nhập bờ.

Lắc lư theo con sóng, anh Sơn tỉ tê: Thực tế công việc của những người gác đèn trên đảo Mắt còn nhiều khó khăn vất vả, thiếu thốn tình cảm do phải sống cách biệt với thế giới bên ngoài. Ngày làm việc bắt đầu bằng việc kiểm tra hệ thống đèn, nếu có sự cố thì xử lý ngay. Khi màn đêm buông xuống, nhân viên thay nhau trực gác vận hành hệ thống đèn để tàu thuyền đi ngoài khơi có thể đoán biết phương hướng di chuyển.

Anh nói tiếp: Làm những công việc trùng lặp dễ khiến chúng ta nảy sinh cảm giác chán nản, đặc biệt là làm việc ở một nơi rất xa đất liền, thiếu thốn đủ bề. Ấy nhưng, 7 anh em trên trạm Hòn Mát, có người mới ra mấy tháng, người hai năm, người ba năm, như tôi đã bám trạm này ngót 10 năm nhưng khi hỏi thì không ai muốn từ bỏ công việc hiện tại của mình. Những lúc rảnh rỗi, anh em lại tập trung tăng gia sản xuất vừa bổ sung thêm bữa ăn, vừa xanh thêm đảo Mắt”.

Sau gần 2 giờ lênh đênh trên biển, tàu chúng tôi cũng đã cập cảng đảo Mắt. Chia tay những người lính và nhân viên gác đèn tại cầu cảng, chúng tôi theo chân anh Sơn và những người gác đèn leo lên trạm. Trạm đèn nằm ở trên đỉnh đảo Mắt, cao gần 200m so với mực nước biển. Muốn lên đến trạm, chúng tôi phải leo bộ khoảng hơn 500m đường dốc, gập ghềnh vách đá. Với sức vóc thanh niên, chỉ mang theo máy ảnh, sổ ghi chép nhưng dọc đường lên trạm chúng tôi phải xin dừng nghỉ đến 5 lần. Ấy thế mà những lần nhận tiếp tế, nhân viên gác đèn, có người đã gần 50 tuổi vẫn cõng theo nào là gạo, nước, bình gas và nhiều nhu yếu phẩm khác.

Những người hùng thầm lặng

Chúng tôi lên tới trạm cũng là lúc anh Hà Anh Tuấn, Trạm phó Trạm đèn Hòn Mát vào ca. Cầm cuốn sổ nhật ký trong tay, anh Tuấn đi kiểm tra tỉ mỉ từng thông số trên hệ thống phát điện, rồi leo lên tháp kiểm tra đèn. Quá trình kiểm tra được ghi chép đầy đủ và báo cáo kịp thời lên trưởng trạm. Anh Tuấn chia sẻ: “công việc người gác đèn không nặng nhọc nhưng yêu cầu người gác phải luôn cẩn trọng, tỉ mỉ. Phải ghi chép đầy đủ để có những phương án kịp thời. Mục đích cuối cùng đơn giản là để... hải đăng không bao giờ tắt. “Đèn là mắt biển, là phương hướng cho tàu thuyền qua lại. Mắt tắt thì như người mù, không thấy đường để đi, vấp phải đá. Cũng như vậy, tàu thuyền không có đèn thì không thấy phương hướng, đi sẽ va vào đá, vào bãi cạn…”, anh Tuấn hình tượng hóa.

“Làm đèn sợ nhất là gió bão, giông sét. Đảo trơ vơ giữa biển đã đành, mình lại ở nơi cao nhất đảo thì chẳng có lý nào giông sét không thăm hỏi”. Đây là câu nói mà trạm trưởng Sơn vẫn thường nhắc anh em trước khi vào ca làm việc.

Trạm phó Hà Anh Tuấn kể: “Có những hôm trời đang nắng chói, bỗng mưa giông nổi lên tối kịt. Gió quật đổ cây, sét đánh đùng đùng ngay cửa sổ. Ngồi trong nhà còn ù hết cả tai. Thế nhưng, anh em vẫn phải trèo lên cột đèn để kiểm tra tín hiệu đèn, sẵn sàng sửa chữa thay thế đèn khi có sự cố”.

“Mưa gió, bão táp, tàu thuyền từ ngoài biển chạy về tìm nơi trú ẩn. Đó là lúc ngư dân cần mình nhất, mình không lên đèn thì sao ngư dân biết đường để tránh, trú bão. Hơn 10 năm kể từ khi thành lập Trạm đèn trên đảo Mắt, chưa bao giờ đèn tắt. Khu vực này cũng chưa từng xảy ra tai nạn tàu thuyền trong đêm tối, giông bão. Tàu thuyền khi tới khu vực cứ thấy nhịp chớp 2+1 chu kỳ 30 giây là biết đảo Mắt”, Trạm trưởng Sơn tự hào.

Trạm trưởng Nguyễn Hồng Sơn khoe: “Những ngày đầu mới thành lập, quanh trạm đèn chỉ là đá và cây dại. Anh em ra làm việc rồi đưa gà, vịt, rau, củ, quả ra trồng, thành ra giờ: Bưởi, na, chanh đã có mấy mùa quả; đàn gà cũng mấy lần ấp rồi… Đây là nguồn thực phẩm bổ sung cho anh em những tháng biển động, hay mưa bão tàu tiếp tế không ra được. “Có thời điểm biển động, gió mùa về cả tháng tàu thuyền không ra tiếp tế được anh em phải vận dụng cây trồng vật nuôi trên trạm. Nhưng cũng có lúc không đủ, anh em phải ăn cá khô, lạc rang, thậm chí ăn cơm trắng hàng tuần liền”, Trạm trưởng Sơn nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.