Lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra việc sử dụng chất cấm tại một cơ sở chăn nuôi |
Đó là vấn đề được Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đưa ra khi cho ý kiến vào dự án Luật quản lý ngoại thương, được bàn trong phiên làm việc của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sáng nay (14/9).
Đa số ý kiến trong Thường vụ Quốc hội đánh giá Dự án Luật được chuẩn bị công phu, tuy nhiên, còn một số băn khoăn về quy định Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu trong Luật.
Trình bày báo cáo thẩm tra Dự án Luật, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị quy định cụ thể Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu tại dự thảo Luật nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý cao, minh bạch, ổn định, dễ áp dụng, việc hạn chế quyền tự do kinh doanh của tổ chức, cá nhân được thể hiện ngay trong luật, phù hợp với yêu cầu của Hiến pháp. Đồng thời, đề nghị Chính phủ cần đánh giá kỹ tính phù hợp, ổn định của các mặt hàng cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu trong những năm vừa qua và rà soát cụ thể từng mặt hàng, đảm bảo phù hợp với thực tế, áp dụng ổn định, thực hiện đúng các cam kết quốc tế.
Về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng cấm cái gì cũng cần quy định trong luật, bởi hạn chế hàng hoá này hay hàng hoá khác thực chất chính là hạn chế quyền tự do kinh doanh.
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải lấy dẫn chứng về việc hàng tấn chất cấm Salbutamol bị tuồn ra ngoài và đến nay không biết được sử dụng ra sao |
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng, hiện nay, danh mục hàng hoá cấm xuất khẩu, nhập khẩu cũng như tạm ngừng xuất khẩu, nhập khẩu hiện chưa được quy định rõ ràng trong luật. Vì vậy, đồng tình với ý kiến của cơ quan thẩm tra và quan điểm của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Bà Hải cho rằng, vấn đề này cần quy định rõ trong luật để đảm bảo cơ sở pháp lý cũng như tính minh bạch, ổn định, đảm bảo quyền tự do kinh doanh của người dân.
“Từ thực tiễn, tôi thấy đây là vấn đề rất bức xúc. Thời gian qua, danh mục hàng hoá nhập khẩu, xuất khẩu không rõ ràng do từng Bộ, ngành quy định nên xảy ra hiện tượng gây bức xúc trong dư luận. Điển hình như việc chất Salbutamol là chất dùng để điều chế thuốc trong y tế, sử dụng trong điều trị bệnh hen suyễn và đường hô hấp, tuy nhiên, nó lại là chất tạo nạc – một chất cấm trong chăn nuôi. Do không có sự thống nhất trong việc quy định nhập xuất, nhập khẩu nên nên hạn mức nhập không được quản lý một cách đầy đủ. Theo số liệu tôi được biết, có hàng tấn chất cấm Salbutamol đã bị lọt ra ngoài và hiện nay chưa rõ việc sử dụng thế nào, số chất cấm này đang ở đâu”- bà Hải lấy dẫn chứng về một vấn đề khiến dư luận xôn xao thời gian qua.
Trên cơ sở thực tiễn đó, bà Hải đề nghị Bộ Công thương quan tâm ý kiến này, đồng thời ban hành chi tiết đầy đủ danh mục các chất cấm xuất khẩu, nhập khẩu vì đây là việc rất cần thiết.
Trước đó, Báo Giao thông mới đăng tải bài viết: “Ai chịu trách nhiệm vụ 6 tấn chất tạo nạc trôi nổi?”, theo đó dẫn số liệu từ Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) - Bộ Công an cho hay, cả nước có 20 công ty được phép nhập khẩu salbutamol, trong đó có 16 doanh nghiệp đã tiến hành nhập. Đáng chú ý, trong hai năm 2014-2015 đã nhập tổng số 9.140 kg salbutamol. C49 đã phối hợp với Thanh tra Bộ NN&PTNT tiến hành làm việc, kiểm tra 17 công ty, cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, đã phát hiện một số cơ sở sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.
Qua rà soát, làm việc với các cơ sở nhập khẩu kinh doanh salbutamol, đã phát hiện 6.268 kg salbutamol được bán ra thị trường sử dụng vào mục đích khác. Điển hình vi phạm như: Công ty Hóa dược Minh Anh (Bình Dương) bán 2.050 kg; Công ty TNHH Thuốc thú y Khoa Nguyên (TP HCM); Công ty TNHH Hóa dược quốc tế Phương Đông (Hà Nội); Công ty TNHH TACN Trường Phú (Hải Dương)… có hành vi kinh doanh, sử dụng salbutamol trong chăn nuôi…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận