Chuyện dọc đường

Những vướng mắc nhượng quyền thu phí

08/08/2023, 06:31

Việc thu phí thủ công không đảm bảo minh bạch từng là một trong những nguyên nhân khiến việc nhượng quyền thu phí dự án cao tốc xảy ra tiêu cực.

Đến nay, sau khi áp dụng thu phí tự động không dừng, đã có nhà cung cấp dịch vụ, việc thu phí đã công khai, minh bạch, số thu được kiểm soát chặt chẽ.

img

Theo lãnh đạo một doanh nghiệp ngành giao thông, nhượng quyền thu phí đối với những dự án cao tốc sẽ giúp nhà nước sớm thu hồi được vốn để tái đầu tư các dự án khác (Trong ảnh: Cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn). Ảnh: Tạ Hải.

Tuy nhiên, đây lại là lý do khiến nhà đầu tư “quay lưng” nếu không nhìn thấy trước được lợi nhuận.

Bởi lẽ, để có tiền mua dự án, ngoài vốn của mình, nhà đầu tư phải đi vay và trả lãi ngân hàng với số tiền khá lớn.

Tại thời điểm ký hợp đồng với nhà nước, lãi suất có thể cố định, nhưng về sau có thể biến động. Lúc này nhà nước phải đưa ra mức lợi nhuận tương đối, nhà đầu tư mới mặn mà tham gia.

Nhưng nhà nước cũng không thể để cho nhà đầu tư hưởng mức lợi nhuận quá cao. Khi nhượng quyền thu phí, cả nhà đầu tư và nhà nước phải tính kỹ bài toán kinh tế.

Chẳng hạn, nếu nhà đầu tư phải trả lãi suất ở mức 10%, cộng thêm phần lợi nhuận ít nhất là 6%, thì mức 16% sẽ cao hơn rất nhiều so với lãi suất ngân hàng. Tuy nhà nước có thể thu ngay được một khoản tiền nhưng lại đang đi vay với lãi suất 16%.

Để thu hút nhà đầu tư, nhà nước phải chấp nhận cho nhà đầu tư hưởng mức lợi nhuận hấp dẫn, phải cao hơn lãi của ngân hàng. Tuy nhiên, lúc này sẽ đặt ra câu hỏi tại sao nhà nước không đi vay để có mức lãi suất thấp hơn và sau đó thu phí để trả ngân hàng?

Cần so sánh giữa hai hình thức nhà nước tự quản lý và nhượng quyền thu phí, cái nào có lợi hơn. Nhà nước không cần tự đứng ra làm công việc thu phí mà có thể đi thuê.

Hiện đã có nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng, mức giá dịch vụ được xem là hợp lý, đảm bảo công khai minh bạch.

Việc quản lý bảo trì cũng được đấu thầu đảm bảo chặt chẽ.

Giá nhượng quyền thu phí tuyến đường được tính trên cơ sở lãi phần vốn của nhà đầu tư và lãi đi vay, doanh thu tuyến đường và dự kiến mức tăng trưởng lưu lượng tuyến đường. Tổng chi phí các nội dung này được lựa chọn là giá khởi điểm để đấu thầu.

Tuy có nhiều lợi thế để triển khai thuận lợi hơn giai đoạn trước nhưng về hành lang pháp lý, để nhượng quyền thu phí vẫn cần sửa rất nhiều quy định của pháp luật.

Đơn cử, Nghị định 33 về khai thác tài sản kết cấu hạ tầng đã đề cập đến hình thức nhượng quyền thu phí nhưng nội dung rất mờ nhạt.

Chẳng hạn như cách xác định giá, Nghị định quy định xác định giá nhượng tương tự như các dự án trước đây hoặc dự án liên quan nhưng lại chưa có dự án nào thuộc dạng này. Cũng không thể khẳng định được, việc định giá nhượng dự án trước đó đúng hay sai.

Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định, việc chuyển nhượng quyền thu phí phải gắn với đầu tư nâng cấp, mở rộng. Nhiều tuyến đường cao tốc Bắc - Nam vừa mới được xây dựng đưa vào khai thác rất khó để tiếp tục mở rộng. Điều kiện này đương nhiên trở thành rào cản.

Ngoài ra, cần có cơ chế tính tăng trưởng lưu lượng tuyến đường để xác định giá nhượng một cách chính xác. Khi nhượng quyền là 5% nhưng thực tế sau khi khai thác có thể lên đến 10%, lúc này cần có sự ràng buộc như hợp đồng dự án PPP, khi nhà đầu tư thu quá nhiều lợi nhuận nhà nước phải điều tiết, hay bị lỗ vì lý do khách quan tác động, Nhà nước phải hỗ trợ.

Ngoài sửa đổi các quy định trên, phải có nghị định và thông tư hướng dẫn rất chi tiết cho hình thức chuyển nhượng quyền thu phí.

Còn rất nhiều việc phải làm để nhượng quyền thu phí cao tốc trở thành một giải pháp thúc đẩy đầu tư phát triển hạ tầng, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát tiền ngân sách.

Trần Duy

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.