Vào đầu tháng 12/2016 nhiều huyện trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận bị thiệt hại nặng nề do mưa lớn. |
Tối 3/11, thời tiết khu vực TP. Phan Rang – Tháp Chàm và các huyện ven biển tỉnh Ninh Thuận vẫn lặng gió thời tiết hanh khô, không mưa.
Đến 20h30’ thời tiết vùng tâm bão cơn bão số 12 được dự báo càn quét qua địa bàn tỉnh Ninh Thuận vẫn hanh thông, trời không đổ mưa như dự kiến bão sắp vào. Anh Nguyễn Văn Đàn một người dân cư ngụ trên đường Thống Nhất (TP Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) cho biết từ chiều đến tối thời tiết chưa có dấu hiệu mưa. Đến 20h15’ trời đổ mưa phùn nhưng không kèm gió mạnh. “Nghe thông tin đêm hoặc rạng sáng mai bão sẽ đổ bộ vào nên nhà tôi đã dùng nhiều biện pháp gia cố nhà cửa để chủ động đón bão.”, anh Đàn lo lắng nói.
Còn anh Nguyễn Anh Tài (ngụ huyện Ninh Sơn, Ninh Thuận) trong ngày 3/11 chính quyền đã hỗ trợ người dân di dời gia súc, tài sản lên các khu vực an toàn, đồng thời vận động người dân chằng chống nhà cửa, quản lý tài sản. “Từ chiều đến tối trời vẫn chưa thấy mưa hi vọng cơn bão này sẽ sớm tan không đi vào đất liền gây thiệt hại nặng cho người dân như mọi năm. Hiện đang là thời điểm cuối năm bà con đang vào mùa thu hoạch mía, mì… giờ bão quét qua chưa biết thế nào?”, anh Tài nói.
Trước đó chiều cùng ngày trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 12, chính quyền các địa phương và Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tích cực kêu gọi các tàu thuyền về cảng neo đậu, tránh trú bão. Tại Cảng cá Cà Ná hiện đã có 935 tàu thuyền địa phương và các tàu từ các tỉnh lân cận về neo đậu, Cảng Đông Hải có 509 tàu thuyền neo đậu và Cảng Ninh Chử có 743 tàu thuyền neo đậu. Tuy nhiên, hiện vẫn còn một số tàu thuyền chưa liên lạc được, hiện các cơ quan chức năng của tỉnh đang khẩn trương tìm các biện pháp để liên lạc kêu gọi số tàu thuyền này về nơi tránh trú an toàn.
Sau khi đi kiểm tra thực tế về công tác phòng, chống bão số 12 tại các cảng cá, lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận yêu cầu các ngành chức năng và các địa phương theo dõi sát tình hình, diễn biến của bão để kịp thời ứng phó, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là. Bằng mọi biện pháp phải thông tin kịp thời đến các tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí và hướng di chuyển của bão để vào nơi tránh trú an toàn; đồng thời liên lạc với các tỉnh bạn để tạo điều kiện cho ngư dân vào tránh trú bão.
Các địa phương cần chủ động ứng phó linh hoạt với cơn bão số 12, kịp thời báo cáo và có biện pháp xử lý khi có tình huống xấu xảy ra; đồng thời thông báo cho các trường học trên địa bàn cho học sinh nghỉ học từ ngày 4/11 cho đến khi bão tan để đảm bảo an toàn. Triển khai kế hoạch di dời dân ở những khu vực xung yếu ven biển, ven sông, ven suối, hồ đập như thôn Phú Thọ (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm), thôn Mỹ Tân 1, Mỹ Tân 2 (xã Thanh Hải), thôn Vĩnh Hy (xã Vĩnh Hải) kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú tránh bão an toàn; bố trí lực lượng túc trực tại những khu vực xung yếu để giúp dân chằng chống nhà cửa, kịp thời ứng phó trong trường hợp bão đổ bộ vào đất liền…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận