Các thành viên của nhóm Đình làng Việt tham gia tổ chức sự kiện Tết Việt - Ảnh: ĐLV |
Hoạt động bảo tồn di sản văn hóa được nhắc tới ngày càng nhiều trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội. Các nhóm bảo vệ, bảo tồn di sản phi lợi nhuận đã được hình thành và bắt đầu tạo ra những tiếng vang nhất định như: Đình làng Việt, Đại Việt Cổ Phong, Chèo 48h - Tôi chèo về quê hương, S.River, Nguyên Phong Đoạn Lĩnh…
Hừng hực khí thế người trẻ
Nếu như S.River gây ấn tượng với dự án số hóa tranh dân gian Hàng Trống để bảo tồn, thì Đại Việt Cổ Phong lại tạo ra được dấu ấn với dự án Hoa văn Đại Việt nhận được nhiều lời khen ngợi của các nhà chuyên môn. Đây là dự án số hóa hoa văn truyền thống của Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử và đưa vào ứng dụng thực tiễn với sách tô màu, in móc khóa... Trong khi đó, Đình làng Việt lại tạo được những uy tín với dự án phục dựng áo dài nam truyền thống, hay những sự kiện bảo tồn di sản đình làng, di sản văn hóa phi vật thể như Tết Việt. Chèo 48h - Tôi chèo về quê hương là nơi tập hợp những bạn trẻ có chung niềm yêu thích với chèo và mong muốn giữ gìn, phát huy bộ môn nghệ thuật truyền thống này. Nhóm thường xuyên mời những nghệ nhân chèo nổi tiếng về giảng dạy cho các học viên có mong muốn được học…
Người trẻ đến với các dự án này đều không vì lợi nhuận hay mục đích riêng mà vì yêu di sản văn hóa truyền thống. Họ không ngại bỏ tiền túi để góp kinh phí duy trì các hoạt động của mình.
Nhưng cũng có dự án được thực hiện bằng cách gây quỹ cộng đồng như dự án Hoa văn Đại Việt của nhóm Đại Việt Cổ Phong. Dự kiến, kinh phí khoảng 100 triệu đồng nhưng khi gây quỹ cộng đồng, nhóm đã đạt được số quỹ lên tới 200 triệu đồng từ những người ủng hộ dự án. Điều này cho thấy, sự ủng hộ của cộng đồng dành cho những điều ý nghĩa mà các bạn trẻ này đang thực hiện.
Sản phẩm văn hóa nhân rộng
Nhóm Đình làng Việt đang tất bật chuẩn bị chương trình Tết Việt 2018, sẽ được tổ chức ở Đình làng So (Quốc Oai, Hà Nội). Một không gian Tết truyền thống của người Việt sẽ được tái hiện với những lễ dựng cây Nêu, gói bánh chưng, viết thư pháp… Trước đó, nhóm cũng tổ chức nhiều sự kiện và dự án như những chuyến đi điền dã tìm hiểu các di tích văn hóa, phục dựng trang phục truyền thống áo dài nam. Thành lập đã hơn 3 năm, nhóm Đình làng Việt thu hút được nhiều nhà nghiên cứu, nhà chuyên môn và nhiều bạn trẻ yêu thích, tìm hiểu văn hóa truyền thống.
Những nhà nghiên cứu, họa sĩ như Trần Quang Đức, Nguyễn Mạnh Đức và các thành viên của Đại Việt Cổ Phong đã phục dựng được các hoa văn gần như biến mất và phục vụ, chia sẻ miễn phí, không giữ bản quyền. Những hoa văn từ thời Lý, Trần… vẽ lại theo công nghệ vector và được tải lên website để những người có nhu cầu sử dụng có thể dùng. Nhóm Nguyên Phong Đoạn Lĩnh vừa ra mắt thành quả phỏng dựng lại trang phục của công chúa Mỹ Lương (con gái vua Dục Đức). Nhóm cũng đang thực hiện nhiều dự án khác như phỏng dựng các trang phục hoàng gia triều Nguyễn và lên kế hoạch thực hiện một show thời trang diễn trang phục xưa. Trong khi nhóm S.River đang thử nghiệm những họa tiết của tranh Hàng Trống trên bao bì sản phẩm bánh, mứt kẹo. Chèo 48h - Tôi chèo về quê hương thì tổ chức thành công khóa học với hai bộ môn chèo và chầu văn. Lớp học dưới sự đứng lớp của nghệ sĩ chèo hàng đầu như: NSƯT Thanh Ngoan, Thúy Ngần, Tuấn Kha… Cạnh đó, nhóm Chèo 48h - Tôi chèo về quê hương còn thực hiện hàng loạt chương trình trải nghiệm sáng tạo như: Không gian nguồn cội, Young Culture day, Về nguồn, Trải nghiệm di sản văn hóa phi vật thể, Gala Tôi chèo về quê hương...
Tuy nhiên, trong khi nhà nghiên cứu dân gian Nguyễn Hùng Vĩ đã thốt lên: “Tốt, hoạt động ổn”, thì nhà sử học Dương Trung Quốc lại nhìn nhận, những vấn đề này là vấn đề khoa học, cần có một quá trình nghiên cứu, tìm hiểu một cách hệ thống. Do đó, ông rất mong muốn những nhà nghiên cứu có kinh nghiệm đi trước về chuyên môn sẽ giúp đỡ các bạn trẻ. Hoặc những cơ quan nhìn ra những tiềm năng có thể khai thác được để đầu tư nhiều hơn, giúp thành quả của các bạn trẻ có thêm cơ sở khoa học. “Tôi đánh giá cao tinh thần cầu thị, yêu văn hóa của những bạn trẻ đã dành nhiều thời gian, tâm huyết với mong muốn giúp mọi người tiếp cận, yêu văn hóa truyền thống hơn. Các hoạt động này không chỉ thu hút những đóng góp về chuyên môn, mà còn kích thích mọi người suy nghĩ và chia sẻ”, ông chia sẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận