Chuyện dọc đường

Nỗi sợ mang tên... du lịch nghỉ lễ

17/04/2019, 06:30

Biên tập viên Gudrun Brandenburg của “Cẩm nang du lịch” mới đây đã chia sẻ 6 lý do không muốn đến Việt Nam thêm một lần nữa.

img
Khách du lịch đông kín trong dịp diễn ra Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn 2019. Ảnh: B.T.H

Những người quan tâm tới du lịch khó lòng quên được hình ảnh một bãi biển Sầm Sơn đông như nêm cối mỗi dịp khai hội. Hình ảnh ấy còn trở đi trở lại vào những kỳ nghỉ lễ khác như 30/4-1/5; 2/9…

Không riêng Sầm Sơn, cảnh dòng người kín đặc, chen chúc có thể tìm thấy ở bất cứ khu du lịch nào, từ Sapa, Tam Đảo, Cát Bà, các bãi biển miền Trung, đến Đà Lạt, Vũng Tàu… Vậy nên, thay vì được nghỉ ngơi, thư giãn, kỳ nghỉ của nhiều gia đình đã trở nên ngột ngạt, mỏi mệt, bực bội vì phải chen lấn, sử dụng dịch vụ tệ hại, thậm chí bị “chặt chém” không thương tiếc.

Sau 3 tuần ở Việt Nam, biên tập viên Gudrun Brandenburg của “Cẩm nang du lịch” mới đây (đầu tháng 4) đã chia sẻ 6 lý do không muốn đến Việt Nam thêm một lần nữa, trong đó lý do đầu tiên là tình trạng quá tải du khách. Hội An, một thành phố “yên tĩnh như đang ngủ mơ màng” trong nhiều cuốn cẩm nang du lịch thì trong mắt cô giờ “ngập lụt” trong dòng chảy của khách du lịch. Du khách tới Phú Quốc cũng không thể tìm được sự yên tĩnh khi hòn đảo trong cảnh ngổn ngang xây dựng, tiếng nhạc karaoke hòa trộn tiếng xuồng máy phóng trên mặt nước…

Lý do thứ hai, theo Gudrun Brandenburg là “những bãi biển và dòng sông chết” bởi rác thải, hộp nhựa, túi nilon và nước thải của cả ngư dân lẫn du khách. Xe máy trong mắt biên tập viên này cũng là một sự vô lý, nhất là ý thức chấp hành luật giao thông của những người điều khiển phương tiện này.

Lý do thứ tư theo Gudrun Brandenburg là “ẩm thực” và thứ năm là “con người không thân thiện”. “Tôi không mong đợi bất kỳ người Việt Nam nào cũng mỉm cười với tôi. Nhưng khi tôi đặt một xe với tài xế riêng giá 125 USD, tôi hy vọng sẽ nhận được ít nhất một sự chào đón và khuôn mặt thân thiện. Tuy nhiên, thay vào đó, người lái xe cau có mở cửa xe và thậm chí không trả lời câu “Hello” của tôi. Thật không may, đây không phải là một trường hợp cá biệt”, Gudrun Brandenburg kể và chia sẻ thêm nhiều trải nghiệm khó chịu như vậy với cả hướng dẫn viên du lịch, người bán hàng rong cho đến nhân viên nhà hàng…

Điểm cuối cùng Gudrun Brandenburg nhấn mạnh là tình trạng chặt chém khách du lịch. “Khi động đến tiền, một số người Việt Nam có thể trở nên thái quá”, Gudrun Brandenburg nhận xét và lấy vô vàn ví dụ, từ việc bị đòi thêm tiền so với thỏa thuận khi đi xích lô đến việc đòi tiền “bo” khi chưa kết thúc chuyến đò trong Tam Cốc (Ninh Bình). Hay ly cocktail khuyến mại nhập nhèm…

Chia sẻ của Gudrun Brandenburg là cảm nhận của một cá nhân, trong một thời gian ngắn trải nghiệm, và cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Song câu chuyện của cô không gây ngạc nhiên với nhiều du khách trong và ngoài nước.

Đây cũng chính là lý do khiến gia đình tôi nhiều năm nay thường chọn điểm đến vào những dịp nghỉ lễ là… ở nhà bởi quá ngán ngẩm với tình cảnh đông đúc, nhộm nhoạm ở hầu hết những khu vui chơi, nghỉ dưỡng quen thuộc. Và tâm lý sợ… đi du lịch, nghỉ dưỡng các kỳ nghỉ lễ không phải cá biệt.

“Không ai được phép đối xử tệ với bạn nếu bạn không cho phép họ làm điều đó”. Bài học tâm lý này có thể áp dụng trong nhiều tình huống, kể cả với lĩnh vực du lịch. Thay vì “cam chịu” trở thành nạn nhân của nạn “chặt chém” khi đi du lịch, khách hàng có thể từ chối sử dụng dịch vụ, thậm chí kiện ra tòa, hoặc nhờ đến các cơ quan bảo vệ pháp luật. Tôi cho rằng, người tiêu dùng càng nghiêm khắc, đòi hỏi, càng góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch.

Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có cơ hội tăng trưởng xuất khẩu ngay tại thị trường nội địa, thông qua du lịch. Tuy nhiên, nếu các doanh nghiệp, địa phương không thực sự thay đổi cách thức kinh doanh, họ không chỉ dần làm vơi đi “nồi cơm” của mình, mà còn có tội với các kỳ quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp - một tiềm năng du lịch cực lớn của Việt Nam.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.