Xã hội

Nơm nớp lo nhà sập vì thủy điện Sêrêpốk

21/07/2015, 10:11

Thủy điện Sêrêpốk 4A thi công khiến hàng trăm nhà dân bị nứt, đất nông nghiệp bị lấn chiếm, ngập úng ...

51
Tường nhà ông Đàm Thế Ngọc (45 tuổi, thôn 5, xã Ea Wer) bị nứt dài nhưng theo chủ đầu tư, nhà ông Ngọc nằm ngoài cự ly 600 m nên không được đền bù

Thủy điện Sêrêpốk 4A thi công khiến hàng trăm nhà dân bị nứt, đất nông nghiệp bị lấn chiếm, ngập úng, đường bị hư hỏng, chia cắt... Tuy nhiên, công tác đền bù, hỗ trợ vẫn chưa được chủ đầu tư giải quyết thỏa đáng cho người dân.

“Bom” dội bên tai, tường nhà nứt, kính vỡ...

Ông Nguyễn Văn Đông (45 tuổi, ngụ thôn Jang Pông, xã Ea Huar) cho biết: Gia đình ông cách vị trí nổ mìn khoảng 70 m, cứ hai ngày phải gánh chịu một trận “bom” dội điếc tai (hai ngày nổ một lần vào 12h trưa và 15h chiều - PV) và gây nứt toác nhà. “Sự việc xảy ra gần ba năm nay, đơn từ tôi gửi đã chất thành “đống” nhưng đến nay chưa thấy đơn vị nào giải quyết”, ông Đông nói và cho biết thêm, gia đình ông có 3 nghìn m2 đất trồng lúa, canh tác được 1,5 tấn/vụ. Tuy nhiên, quá trình thi công, thủy điện đã xả thải lấn 900 m2, 2.100 m2 còn lại thì bị ngập úng quanh năm khiến đất đành bỏ hoang.

Anh Đàm Thế Ngọc (45 tuổi, thôn 5, xã Ea Wer) chung nỗi bức xúc: “Họ nổ mìn vô tội vạ và không có thông báo cho người dân ra khỏi nhà. Gia đình tôi đang ăn cơm thì cảm nhận được nền nhà rung lắc, kèm theo đó là tiếng nổ vang trời khiến cửa kính rung bần bật rồi vỡ toang, vài ngày sau tường nhà rạn nứt hết. Giờ lúc nào cũng nơm nớp nỗi lo sập nhà”.

Dự án Thủy điện Sêrêpốk 4A khởi công vào tháng 10/2010 do Công ty CP Thủy điện Buôn Đôn làm chủ đầu tư. Theo thiết kế, dòng dẫn thủy điện có chiều dài 15 km được xây dựng trên địa bàn ba xã Ea Wer, Ea Huar và Krông Na (huyện Buôn Đôn) với công suất lắp đặt máy là 64MW. 

Theo ghi nhận của Báo Giao thông tại địa bàn các xã như: Ea Huar, Ea Wer và Krông Na, hàng trăm nhà dân xây kiên cố đều xuất hiện các vết nứt dài trên tường, trần và nền nhà. Hàng chục hecta đất nông nghiệp bị đổ thải chồng lấn, sạt lở, chặn các cống thoát nước gây nên hiện tượng ứ nước. Nhiều tuyến đường giao thông nông thôn bị hư hỏng, đường vào rẫy canh tác 134 bị chia cắt...

Ông Đoàn Văn Hưng, Phó chủ tịch UBND xã Ea Huar xác nhận, sau khi thủy điện hoàn thành trên địa bàn đã xảy ra ba điểm ngập úng vĩnh viễn và nhiều điểm khác ngập úng vào mùa mưa. Xã đã nhiều lần kiến nghị, sớm đền bù thiệt hại nổ mìn, đồng thời những diện tích ngập úng không canh tác được đề nghị chủ đầu tư thu hồi hoặc có phương án đền bù thỏa đáng cho dân. Tuy nhiên, chủ đầu tư vẫn phớt lờ kiến nghị của chính quyền địa phương.

Phải đền bù xong cho dân trước 31/12

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Hoàng Đình Trọng, Trưởng phòng tổng hợp, Công ty CP Thủy điện Sêrêpốk 4A xác nhận, sau khi dự án Thủy điện Sêrêpốk hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2014 đã xuất hiện nhiều vướng mắc trong công tác hỗ trợ, đền bù đối với các hộ dân có thủy điện đi qua. Hiện công ty đã nhận gần 500 lá đơn “đòi” đền bù hỗ trợ và công ty đã thực hiện chi trả nhiều lần.

“Chúng tôi chỉ thực hiện chi trả thiệt hại nhà ở do nổ mìn theo quy định trong cự ly từ vị trí nổ mìn đến 600m. Nhà dân ở cự ly 600m trở lên, nếu muốn đền bù thì phải chứng minh được nứt nhà là do thủy điện nổ mìn gây ra. Vì có thể nhà dân xây dựng chất lượng kém”, ông Trọng nghi ngờ.

Theo chủ dự án, kinh phí đền bù cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng chỉ có 30 tỷ đồng nhưng đến nay đã lên 70 - 80 tỷ đồng. Tại xã Ea Huar, công ty đã chi trả tiền nứt nhà cho 148 hộ với số tiền gần 1 tỷ đồng, xã Krông Na là 245 hộ/1,8 tỷ đồng, xã Ea Wer có 67 hộ/gần 1 tỷ đồng... Ngoài ra, công ty đã thỏa thuận đền bù đất xả thải nhưng còn khoảng hơn 10 ha chưa được đền bù do giữa các bên chưa thống nhất được diện tích.

Ông Ngô Văn Tượng, Phó trưởng phòng Kỹ thuật an toàn - môi trường, Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk cho biết, tỉnh đã thành lập đoàn liên ngành giải quyết các vướng mắc, tồn tại trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng công trình Thủy điện Sêrêpốk 4A. Kết quả cho thấy, có nhiều nhà dân nằm trong diện đền bù, có diện tích ngập úng, đổ xả thải lấn chiếm đất, công trình đường giao thông nông thôn bị ảnh hưởng nhưng chưa được chủ đầu tư đền bù thỏa đáng.

Ngày 6/7, UBND tỉnh Đắk Lắk đã làm việc với các bên liên quan, yêu cầu chủ đầu tư nhanh chóng, khẩn trương giải quyết đền bù hỗ trợ cho người dân theo quy định và khắc phục các hạng mục công trình bị ảnh hưởng do thi công thủy điện gây ra trước ngày 31/12.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.