Mưa lớn trên diện rộng khiến hàng nghìn hecta lúa mới gieo sạ của tỉnh Bình Định bị ngập úng, rất dễ xảy ra mất mùa, thiếu đói. Ảnh: Vĩnh Nhân. |
Kiệt quệ sau những trận "lũ chồng lũ" cuối năm 2016 chưa khắc phục xong thì hàng nghìn hecta lúa vừa gieo sạ của người dân vùng rốn lũ Bình Định lại tiếp tục bị nhấn chìm khiến tình cảnh càng thêm điêu đứng.
Họa vô đơn chí
Ăn vội lưng cơm trưa, bà Hà Thị Yến (54 tuổi, trú thôn Mỹ Cang, xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, Bình Định) tất bật khom lưng xuống ruộng, dặm lại mấy sào lúa mới xuống giống bị nước ngập suốt mấy ngày nay. “Mưa hơn nửa tháng rồi, nước ngập trắng đồng, hư hại hết cả. Giờ nắng gắt, ngoài ruộng chẳng khác nào chảo nước sôi”, bà Yến nói.
Theo bà Yến, đợt lũ hồi cuối tháng 12/2016 khiến toàn bộ hoa màu, ruộng vườn cùng cả trăm con gà, lợn của gia đình bị chết, cuốn trôi. 5 sào ruộng bị sa bồi gần cả tháng mới khắc phục xong. “Giữa tháng 1/2017, nhà tôi bắt đầu gieo sạ đợt lúa mới, thế nhưng mưa lớn tiếp tục xuất hiện. Lúa gieo vừa lên chưa đầy gang tay thì bị ngập úng. Tính ra từ giữa tháng Chạp năm ngoái đến nay đã 4 lần tôi phải gieo sạ lại. Lần này đuối quá dặm tạm lại cho lúa đỡ thưa chứ hết cách rồi”, bà Yến ngán ngẩm.
Ghi nhận tại các cánh đồng dọc tuyến đường từ xã Phước Sơn đến xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước), đến trưa 6/2 nước vẫn còn ngập gần gang tay. Tranh thủ trời nắng, nhiều nông dân bắt đầu ra đồng dặm lại những mảng ruộng bị hư hỏng.
Bà Đinh Thị Hương (60 tuổi, trú thôn Mỹ Cang, xã Phước Sơn) cho biết, sau khi nắng ráo, cả gia đình bà thuê thêm người cày bừa lại sào ruộng để gieo sạ nhưng nước lũ đổ về dịp giáp Tết khiến ruộng bị hư hỏng. “Lũ lụt triền miên khiến vụ Đông - Xuân trễ nải, đến khi gieo sạ lại gặp mưa lớn gây ngập. Mỗi sào ruộng tính cả chi phí lúa giống, phân bón cùng ngót 500 nghìn đồng, đó là chưa tính công sức bỏ ra. Cả nhà 5 người dựa vào mấy sào ruộng lại gặp thiên tai thế này thấy nản quá”, bà Hương nói.
Nguy cơ thiếu đói đầu năm
Không kém gì xã Phước Sơn, tại xã Phước Hòa (huyện Tuy Phước) hàng trăm ha lúa mới gieo sạ cũng bị nước nhấn chìm. Đứng nhìn 3 sào lúa mới gieo sạ bị ngập sâu trong nước, bà Nguyễn Thị Hiền (50 tuổi, thôn Kim Tây, xã Phước Hòa) chua chát nói: “Lũ về dồn dập cuối năm ngoái, tưởng hết lũ bà con đồng loạt gieo sạ. Ai ngờ mới mùng 1 Tết mưa lớn, nước ngập hết đồng, nước vừa rút được 2 ngày thì trời tiếp tục mưa, lúa lại ngập tiếp. Chưa năm nào thời tiết kì lạ như năm nay, gieo sạ 4 lần mà chẳng được gì cả, chỉ tốn công, tốn của”.
Cùng cảnh ngộ với bà Hiền, 2 sào lúa mới gieo sạ hơn 10 ngày của bà Nguyễn Thị Hương (47 tuổi, xã Phước Hòa) cũng bị nước nhấn chìm. Bà Hương cho biết, với chưa đầy 2 sào ruộng, năm nào may mắn được mùa thì cả nhà mới đủ ăn. Năm nay thời tiết thất thường, mưa ngập liên miên chắc chắn sẽ thiếu đói.
Theo ông Nguyễn Văn Nhâm, Chủ tịch UBND xã Phước Hòa, trước Tết, gần 300ha lúa gieo sạ xong của nông dân tại địa phương bị ngập úng do mưa lớn kéo dài. Hiện, còn nhiều diện tích ruộng bị sa bồi và những vùng trũng không thể gieo sạ.
“Bà con đang lo gieo sạ muộn sẽ khó kiểm soát tình hình sâu bệnh, nguy cơ mất mùa rất cao. Hơn nữa, giáp vụ kéo dài thế này lương thực cạn kiệt, việc các hộ dân thiếu đói rất dễ xảy ra”, ông Nhâm nói.
Tại huyện Phù Cát (Bình Định) mưa lớn liên tục những ngày gần đây đã khiến hàng trăm ha lúa mới gieo sạ và cây trồng cạn trên địa bàn huyện bị ngập úng. Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Phù Cát, địa phương này có hơn 800ha lúa bị ngập úng (trong đó có hơn 150ha lúa mới gieo sạ sau Tết bị ngập có khả năng bị mất giống, hơn 10 tấn giống lúa nông dân đã ngâm ủ không thể sạ được). Ngoài ra, còn hơn 500ha đậu phụng mới xuống giống sau Tết bị mất giống do bị ngập, nê nước, hàng trăm hecta đậu khoảng 10 - 15 ngày tuổi bị nê nước, ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển.
Theo thống kê của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định, do xảy ra mưa lớn trên diện rộng từ ngày 1- 3/2 làm ngập, úng hơn 1.680ha lúa đã gieo sạ trên địa bàn tỉnh. Để hạn chế tình trạng ngập úng gây chết lúa, ngành Nông nghiệp tỉnh Bình Định đang triển khai các biện pháp phòng chống, các đập dâng trên sông, các cống trên Đê Đông đã được mở để thoát nước. |
Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận