Người nông dân vẫn luôn mong mỏi cơ quan quản lý có những động thái tích cực để đảm bảo đầu ra cho nông sản - Ảnh: IT |
Trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Mỹ Donald Trump gây ấn tượng với dư luận trong và ngoài nước không phải chỉ bằng những hợp đồng nặng đô ông thu hoạch được. Mà bởi ngay trong lễ ký kết các thỏa thuận trị giá lên tới 350 tỷ USD, trong đó có hợp đồng vũ khí 110 tỷ USD với Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdulaziz, người đứng đầu Nhà Trắng không ngần ngại liên tục nhắc lại điệp khúc “Việc làm, việc làm và việc làm” với hàm ý, các hợp đồng mới ký sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người dân Mỹ.
Việc Tổng thống một siêu cường cũng xách cặp đi ký hợp đồng cho thấy: Thương trường chính xác là chiến trường với sự cạnh tranh cực kỳ khốc liệt đến mức đôi khi một nhà chính trị cấp cao cũng phải ra mặt.
Ở một góc độ khác, hàng hóa muốn lọt vào thị trường nước khác sau khi hợp đồng được ký kết còn có thể vấp phải những rào cản phi thuế quan kiểu kiểm dịch, an toàn thực phẩm... Việc Ấn Độ tạm ngưng nhập 6 mặt hàng nông sản của Việt Nam gồm: Hạt cà phê, tre/tăm tre, tiêu đen, quế, đậu và thanh long có thể coi là một ví dụ. Cũng có thể tính đến những vụ kiện chống bán phá giá mà nhiều mặt hàng của Việt Nam gặp phải tại một loạt thị trường.
|
Nói vậy để thấy rằng, những cuộc đàm phán về thị trường thường căng thẳng không kém cuộc đàm phán maraton giữa Chính phủ Nigeria và nhóm Boko Haram 3 năm trời để đòi lại tự do cho 80 nữ sinh Chibok bị bắt cóc trong đêm khuya hồi tháng 4/2014. Mà trong đàm phán, kịch tính lại diễn ra sau bức màn mà phần lớn người dân không được thực mục. Đương nhiên là không thể hiểu những lúc toát mồ hôi trên bàn đàm phán.
Như mới đây, một đoàn đàm phán của Bộ Công thương đã thành công trong việc thuyết phục một đối tác đồng ý mở cửa cho sản phẩm thịt lợn của Việt Nam. Nhưng đổi lại, phía bạn cũng yêu cầu ta mở cửa cho một loại sản phẩm khác của họ. Lo dịch, lo an toàn thực phẩm, nên ta đành từ chối cơ hội bán toàn bộ sản phẩm thịt lợn đang chờ “giải cứu” ở trong nước.
Ngoài lợn, một sản phẩm khác của Việt Nam cũng đang cần giải cứu là gạo. Sản xuất lúa gạo đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn Việt Nam. Khoảng 80% trong tổng số 11 triệu hộ nông dân có tham gia sản xuất lúa gạo. Gạo cũng chính là sản phẩm xuất khẩu đầu tiên của Việt Nam: Năm 1989, với hơn 1,4 triệu tấn gạo xuất khẩu, chúng ta đã thu về 310 triệu USD - Một số lượng ngoại tệ lớn đối với đất nước vừa chập chững bước vào ĐỔI MỚI.
Tuy nhiên, từ chỗ đứng thứ 3 về xuất khẩu gạo, Việt Nam đang dần tuột dốc. Nếu như năm 2016, khối lượng và giá trị của hạt gạo Việt Nam trên thị trường thế giới giảm tương ứng là 25,5% và 20,5% so với năm 2015 thì trong 4 tháng đầu năm 2017, các chỉ số này tiếp tục giảm 8 và 7% về mốc 1,8 triệu tấn và 834 triệu USD.
Thế nên, bản tin khiêm tốn trên báo chí ngày 23/5 lại có những tín hiệu khiến nhiều người chú ý. Đó là: Chiều 23/5 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh thay mặt Chính phủ Việt Nam và Bộ trưởng Advocate Qamrul Islam thay mặt Chính phủ Bangladesh đã chính thức ký gia hạn Bản ghi nhớ (MOU) về Thương mại gạo giữa hai nước thêm 5 năm.
Điểm mấu chốt trong MOU này là: Mỗi năm tùy theo nhu cầu và giá cả thị trường thế giới, Việt Nam sẽ cung cấp cho Bangladesh 1 triệu tấn gạo các loại. Một con số ấn tượng nếu biết rằng cả năm 2016, chúng ta chỉ xuất khẩu được 4,88 triệu tấn gạo cho tất cả các thị trường.
Tìm đầu ra cho nông sản Việt Nam luôn là bài toán lớn. Việc nỗ lực tìm kiếm, trao đổi... để đi đến ký kết các MOU tương tự cho thấy Bộ Công thương đang “đứng đúng chỗ của mình”. Thị trường Bangladesh không mới, nhưng để có một bản cam kết dài hạn như thế này cho gạo xuất khẩu là điều rất đáng quý, nhất là khi thị trường Trung Quốc đang có dấu hiệu “chảnh” với hàng Việt Nam.
Và đằng sau MOU giữa Việt Nam và Bangladesh là rất nhiều câu chuyện, nhiều mồ hôi và nhiều cái nhíu mày chưa được tiết lộ. Chỉ biết rằng, đây là tín hiệu đáng mừng, cho thấy cơ quan quản lý đã có những động thái để đảm bảo đầu ra cho nông dân. Thay vì hô hào giải cứu theo kiểu bán lẻ để thể hiện “nét đẹp truyền thống”.
Thực tế, người nông dân cần Bộ Công thương mang về những hợp đồng như vậy sớm hơn và nhiều hơn. Và cần hơn nữa cái “bắt tay” thật chặt của Bộ này với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn để tìm đầu ra cho những sản phẩm thế mạnh. Tất nhiên phải là những sản phẩm sạch, an toàn.
Đó mới là kế “sâu rễ bền gốc” trong công cuộc giải cứu người nông dân.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận