Nữ lực sỹ Vương Thị Huyền là một trong hai niềm hi vọng huy chương của Thể thao Việt Nam |
Tại Olympic Rio 2016, Vương Thị Huyền là một trong hai niềm hi vọng huy chương của Thể thao Việt Nam (TTVN). Tuy nhiên, ít ai ngờ rằng, thời điểm này năm ngoái Huyền vẫn là một đô cử vô danh.
8 năm khổ luyện, 3 tháng tỏa sáng
Tháng 9/2015, làng cử tạ Việt Nam lẫn châu Á sững sờ khi Vương Thị Huyền bất ngờ đoạt hai tấm HCV hạng 48kg tại giải Vô địch châu Á 2015. Tiếp đó, cô gái quê Bắc Giang tiếp tục gây chấn động khi giành hai HCB và một HCĐ tại giải Vô địch Thế giới. Sở dĩ nói tới hai từ sững sờ là bởi trước khi gây ấn tượng mạnh tại hai đấu tường cấp châu lục và thế giới, Huyền là một đô cử vô danh đúng nghĩa.
Năm 2008, Huyền mới gia nhập đội tuyển cử tạ Hà Nội. So với các đồng đội cùng trang lứa, Huyền chậm hơn 3-4 năm nhập môn. Chính bởi vậy, cô gái xứ Kinh Bắc chỉ còn cách lao vào tập luyện miệt mài để hi vọng bắt kịp đồng đội. Không chỉ luôn hoàn thành xuất sắc bài tập các HLV giao mỗi ngày, cô còn nhận thêm khối lượng và nâng hạ những trái tạ vô tri một mình ở phòng tập. Khổ luyện là vậy nhưng vinh quang cứ ngoảnh mặt với Huyền.
Ở các giải đấu đủ cấp độ, Huyền dù được đánh giá cao nhưng suốt mấy năm trời cô không có được bất kỳ tấm huy chương nào. Mãi tới Đại hội TDTT toàn quốc 2014, cô mới được đeo lên cổ một tấm huy chương. Gian lao là vậy, nhưng Vương Thị Huyền chưa bao giờ nản lòng, sau mỗi thất bại, Huyền lại tập luyện hăng say hơn và cuối cùng thành công đã đến với đô cử tuổi Thân. Chỉ trong ba tháng cuối năm 2015, Huyền từ một đô cử vô danh đã tỏa sáng rực rỡ. Việc thi đấu ấn tượng tại giải Vô địch Thế giới còn giúp Huyền giành vé dự Olympic 2016 tại Brasil.
Quyết giành huy chương Olympic làm quà tặng mẹ
Dù không giao chỉ tiêu cụ thể nhưng Liên đoàn cử tạ đặt rất nhiều kỳ vọng vào Vương Thị Huyền. Thực tế, những thông số chuyên môn đang ủng hộ cô gái quê Bắc Giang tại ngày hội thể thao lớn nhất thế giới. Mức tổng cử 194kg của Huyền tại giải Vô địch Thế giới 2015 đã vượt qua mức HCĐ Olympic 2012 của Ryang Chun Hwa (CHDCND Triều Tiên) 2kg, và cũng chỉ kém 3kg so với mức HCB của Hiromi Miyake (Nhật Bản) - đối thủ từng về sau Huyền tại giải Vô địch Thế giới.
Trong các buổi tập, thành tích của Huyền cũng luôn ổn định ở mức trên dưới 200kg. Như vậy, xét về lý thuyết, đô cử thuộc biên chế Hà Nội hoàn toàn có khả năng tranh chấp huy chương. Cái thiếu của Huyền là kinh nghiệm chinh chiến ở một đấu trường đỉnh cao như Olympic. Bản thân Huyền cũng khá dè dặt khi nói về mục tiêu tại Olympic 2016. “Tôi sẽ nỗ lực hết mình còn việc có giành được huy chương hay không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có cả may mắn”, Huyền chia sẻ trước ngày lên đường sang Brasil.
Mặc dù vậy, rất nhiều người đặt niềm tin vào bản lĩnh và ý chí của Huyền, nhất là đằng sau cô là người mẹ đã khuất. Năm 2012, khi đang tập luyện trong màu áo ĐTQG tại Hà Nội, Huyền nhận được tin báo mẹ cô đột ngột qua đời vì bạo bệnh. Vì không kịp nhìn mặt mẹ lần cuối mà cho đến bây giờ Huyền vẫn luôn cảm thấy day dứt. Không ít lần, đô cử có vẻ ngoài sắt đá này phải nuốt nước mắt vào trong để tập luyện.
Chỉ có điều, nỗi đau mất mẹ không thể nào đánh gục quyết tâm của Huyền. Ngược lại, đó còn là động lực để Huyền không chùn bước trước bất kỳ khó khăn nào. Huyền cho biết, ước nguyện lớn nhất của mình là giành được một tấm huy chương tại Olympic 2016 để làm quà tặng mẹ. Tình mẫu tử thiêng liêng chắc chắn sẽ là nguồn động lực vô hạn để cô chiến thắng bản thân, vượt qua đối thủ, đem vinh quang về cho Tổ quốc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận