Cục trưởng Cục Chống tham nhũng Phạm Trọng Đạt |
Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) Phạm Trọng Đạt cho biết như trên khi trò chuyện với Báo Giao thông sau hơn 10 ngày Cục Chống tham nhũng công khai đường dây nóng và số điện thoại của cá nhân Cục trưởng để tiếp nhận thông tin phản ánh, tố cáo tham nhũng, tặng quà, biếu quà trái quy định từ người dân. “Thời gian qua, do phải nghe quá nhiều điện thoại, tôi đã bị ù tai và hiện phải nghe qua tai nghe”, ông Đạt cho biết.
Tin báo tham nhũng ngày càng tăng
Đây là năm thứ hai đường dây nóng được công bố. So với cùng kỳ năm ngoái, nguồn tin báo tăng lên hay giảm đi, thưa ông?
"Hai trong ba số điện thoại đường dây nóng là của tôi nên nói gì thì nói, ít nhiều cũng có bất tiện và làm xáo trộn sinh hoạt riêng của tôi và gia đình. Thậm chí nhà tôi có đứa cháu nội mới hơn một tuổi phải đi “sơ tán” vì điện thoại của tôi liên tiếp đổ chuông khiến cháu giật mình. Bản thân tôi dường như nghe điện thoại suốt cả ngày, cao điểm nhất là những thời điểm ngoài giờ hành chính, điện thoại cứ rung liên hồi. Thậm chí, có hôm đến 2- 3h sáng vẫn có người gọi đến và có những khi tôi bị mất ngủ luôn vì những cuộc gọi đó. Nhưng tôi luôn nghĩ rằng tôi phải bình tĩnh, bởi nếu tôi “nóng” như đường dây nóng thì sẽ không thu được gì nên tôi luôn cố gắng hết sức”. Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ |
Chỉ sau 10 ngày mở đường dây nóng, qua 3 số điện thoại công khai, chúng tôi đã tiếp nhận khoảng 200 tin báo, phản ánh từ người dân về tình trạng tham nhũng. Có người dân nhắn tin, cũng có người gọi điện, có người tố cáo, phản ánh, cũng có những người kiến nghị hay góp ý về các giải pháp phòng ngừa tham nhũng trên phạm vi toàn quốc, trong tất cả các lĩnh vực, các bộ, ngành.
Thậm chí, có người Việt Nam sang sinh sống tại Canada, khi đọc báo biết có đường dây nóng của Cục Chống tham nhũng cũng đã gọi điện phản ánh và góp ý về việc xét xử một số vụ án còn gây bức xúc trong dư luận… Đây là một khởi đầu rất tốt phục vụ cho việc thu thập thông tin và xử lý các vụ việc tham nhũng về sau của cơ quan chuyên trách về phòng chống tham nhũng.
Năm nay, lượng tin báo từ người dân phản ánh đến đường dây nóng tăng rất nhiều so với năm ngoái. Điều này chứng tỏ người dân ngày càng quan tâm hơn tới công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong xã hội, nhưng nó cũng thể hiện một điều là tham nhũng, tiêu cực vẫn còn rất phổ biến.
Có nhiều nguyên nhân khiến lượng tin báo về tham nhũng năm nay tăng vọt. Trước hết, năm nay là năm diễn ra Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc, cho nên nhiều người dân tự thấy có có trách nhiệm chung trong công tác xây dựng Đảng và chấn chỉnh những sai phạm trong đội ngũ cán bộ đảng viên. Một nguyên nhân khác là do từ trước đến nay nhiều người dân nắm được tình trạng tham nhũng nhưng họ không biết phản ánh với ai, họ luôn nghĩ có sự bao che nên không muốn và không dám phản ánh.
Xử lý tham nhũng không ngại “động chạm”
Trong các cuộc điện thoại gọi về đường dây nóng, người dân thường phản ánh tình trạng tham nhũng trong lĩnh vực nào nhiều nhất, thưa ông?
Trong số các nguồn tin phản ánh và kiến nghị, tố cáo thì tình trạng mãi lộ là nhiều nhất, chiếm 1/3 tổng số nguồn tin báo. Lĩnh vực đất đai, khoáng sản và buôn lậu cũng được phản ánh nhiều, trong đó có những nguồn tin có cơ sở, có những nguồn tin nói chỉ nghe phản ánh qua chỗ này chỗ kia nhưng chúng tôi vẫn tiếp nhận và cho kiểm tra.
Cục Phòng chống tham nhũng rất cần những thông tin của người dân, dù thông tin đó ở mức độ thế nào, kết quả đến đâu đều rất đáng trân trọng. Chúng tôi luôn suy nghĩ làm sao để đường dây nóng này hoạt động một cách không hình thức mà có hiệu quả thiết thực, phục vụ cho công tác quản lý Nhà nước.
Để phản ánh, tố cáo các hành vi tham nhũng, tặng quà Tết trái quy định, người dân có thể gọi vào đường dây nóng: 080.48228, 0902.386.999 0125.698.6688. Trong ba số điện thoại nêu trên, số điện thoại của Cục mở trong giờ hành chính, riêng số điện thoại của lãnh đạo Cục (0902.389.999) sẽ mở liên tục 24/24 trừ trường hợp bất khả kháng không thể mở được ngoài ý muốn. |
Tất cả những phản ánh đó của người dân sẽ được Cục Chống tham nhũng tiếp nhận và xử lý thế nào, thưa ông?
Tất cả các nguồn tin chúng tôi nhận được qua đường dây nóng nếu xác định nguồn tin nào có cơ sở thì chúng tôi sẽ cho kiểm tra, xác minh ngay. Nếu cần thiết, chúng tôi cũng đề nghị những bên liên quan cung cấp thêm tài liệu, từ đó mới có căn cứ nghiên cứu triển khai các quy trình, nhiệm vụ, nếu có dấu hiệu sai phạm thì cho thanh tra, kiểm tra.
Những trường hợp tố cáo có cơ sở nhưng không thuộc chức năng nhiệm vụ của Cục thì chúng tôi chuyển giao và đề nghị các cơ quan khác có liên quan đề xuất giải pháp, xem xét xử lý. Hoặc chúng tôi hướng dẫn cụ thể để người dân chuyển đơn tố cáo sang đơn vị khác theo đúng quy định của pháp luật. Ví dụ, như mãi lộ, chúng tôi không thể “cứ đi sau xe dân thì từ Bắc vào Nam sẽ bắt được bao nhiêu người” như người dân đề nghị, mà chúng tôi sẽ trao đổi, phối hợp, đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an có giải pháp phối hợp ngăn ngừa, hạn chế, nếu có tài liệu cụ thể phải xử lý ngay. Tôi biết Bộ Công an luôn xử lý rất nghiêm việc này.
Khi tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh về tham nhũng, ông có lo ngại sẽ động chạm đến chỗ này, chỗ khác? Chẳng hạn như nếu có thông tin tố cáo một lãnh đạo cấp rất cao nhận quà biếu, ông sẽ xử lý thế nào?
Chúng tôi không ngại gì cả vì chúng tôi là cơ quan quản lý Nhà nước về phòng chống tham nhũng. Dù cho đối tượng bị tố cáo tham nhũng là ai thì mọi việc vẫn phải giải quyết theo đúng quy trình. Chúng tôi luôn quan niệm, việc tố cáo, phát hiện và xử lý tham nhũng không bao giờ có vùng cấm nào cả. Nhưng ví dụ, có tin tố cáo một cán bộ cấp cao nhận quà biếu thì trước hết chưa thể kết luận người biếu quà vì tình cảm hay mục đích gì cả. Bởi vậy, khi đó chúng tôi không chỉ dựa vào thông tin người dân phản ánh mà căn cứ vào nhiều nguồn tài liệu khác, từ đó nghiên cứu, xem xét và xử lý theo đúng quy trình. Rất có thể cái người dân phản ánh chỉ là hình thức, nhưng khi xác minh thì bản chất sự việc lại khác.
Quà biếu có động cơ khác quà biếu vì tình cảm thế nào?
Ông có cho rằng, để phân biệt được quà biếu, quà tặng vì tình cảm, đạo lý và quà biếu có động cơ, mục đích là rất khó? Chẳng hạn như một người biếu cấp trên một chiếc ô tô hay căn hộ chung cư và họ cho rằng đó là biếu vì tình cảm, Cục Chống tham nhũng xử lý thế nào, thưa ông?
Cái này đúng là rất khó, về nguyên tắc mà nói, việc tặng quà trái quy định là dùng tiền bạc, tài sản của Nhà nước đem đi tặng, biếu với động cơ cá nhân, động cơ của một nhóm nhằm phục vụ lợi ích riêng. Nhưng có những cá nhân họ tặng, biếu quà không vì động cơ, mục đích nào, cũng không nhờ vả gì mà chỉ đơn giản là họ muốn tặng quà cho người họ yêu quý, những người gặp khó khăn thì đó cũng là điều hoàn toàn chính đáng, không thể nói đó là tặng quà trái pháp luật được.
Vì thế, trong từng trường hợp cụ thể, chúng tôi phải phối hợp với các cơ quan khác để kiểm tra, thẩm định. Ví như khi tặng nhà, tặng ô tô thì phải xác minh từ hai phía người tặng và người nhận xem bản chất bên trong có động cơ, mục đích gì không hay chỉ đơn giản là họ biếu, tặng nhau vì tình cảm.
Vậy bản thân ông, dịp lễ Tết hàng năm có được nhiều người biếu quà, tặng quà không và ông đã xử lý thế nào?
Nếu nói quà tặng, quà biếu về mặt giá trị, không có trong ngưỡng quy định của pháp luật thì có chứ. Anh em, họ hàng của tôi có thể cho vài yến gạo nếp hay Tết có thể tặng tôi một cành đào, một cây quất, bạn bè tôi đi nước ngoài về tặng một chai rượu nhưng đó đều là vì tình cảm. Tôi coi đó là phong tục, văn hóa, đạo lý của con người Việt Nam chứ không có gì trái pháp luật cả.
Nhưng nếu tặng tiền bạc hay gì đó với mục đích để không có cuộc kiểm tra, thanh tra thì việc tặng đó là sai và nếu nhận cũng là sai vì rõ ràng có động cơ, mục đích nhằm che giấu sai phạm. Chúng tôi kiên quyết từ chối những cách tặng quà đó, bởi chúng tôi là cơ quan phòng chống tham nhũng mà không làm gương trong việc này thì tuyên truyền và giáo dục được ai, nói được ai.
Có ý kiến cho rằng, số lượng các cuộc gọi tố cáo tham nhũng qua đường dây nóng không thể hiện kết quả gì, mà cái dân quan tâm là từ những tin báo đó, chúng ta xử lý được bao nhiêu vụ, xử lý những ai, về hành vi gì và mức độ xử lý ra sao. Tới đây, những kết quả này có được công khai không, thưa ông?
Vấn đề thanh tra là vấn đề công khai. Tất cả các vụ việc chúng tôi thanh tra trên cơ sở người dân tố cáo, phản ánh hoặc có tài liệu thì khi có kết quả chúng tôi đều công khai.
Trước hết, chúng tôi hoan nghênh người dân trong việc cung cấp thông tin, và có nhiều vụ việc người dân cung cấp chúng tôi mới có cơ sở để thanh tra. Nhưng nhiều vụ đang trong quá trình thanh tra, kiểm tra, điều tra, chưa cụ thể nên chưa công khai được. Chúng tôi mong người dân yên tâm chờ đợi vì lĩnh vực chống tham nhũng không phải cái gì cũng công khai ngay được mà cần thời gian điều tra, xác minh cho khách quan, đảm bảo công bằng và đúng pháp luật.
Cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận