Một bức ảnh trong chùm ảnh “Đường 20 Quyết Thắng” của tác giả Hứa Kiểm, đoạt Giải thưởng Nhà nước đợt V năm 2017 - Ảnh: TTXVN |
Ồn ào trong việc xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật (VHNT) trong nhiều năm vừa qua phần nào cho thấy những bất cập trong xét tặng giải thưởng và danh hiệu lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Cùng đó là ý kiến lo ngại chất lượng các giải thưởng này đang đi xuống.
Cần tiêu chí riêng, không chung một rọ
Tại Hội nghị Công tác xây dựng dự thảo Nghị định bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2014 về Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về VHNT tổ chức ngày 22/8 tại Hà Nội, nhiều ý kiến cho rằng, việc quy định phải có giải thưởng tại các cuộc thi liên hoan, triển lãm làm tiêu chuẩn để đánh giá giá trị đặc biệt xuất sắc hoặc xuất sắc cho các tác phẩm là chưa phù hợp với một số trường hợp cụ thể.
Chẳng hạn, những tác phẩm được sáng tác trong giai đoạn trước giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước dù rất có giá trị về nội dung, tư tưởng và hình thức nghệ thuật, nhưng do giai đoạn này đất nước có chiến tranh, ít có các cuộc thi được tổ chức hoặc do điều kiện khách quan nên Bộ VH,TT&DL không tổ chức các cuộc thi sáng tác định kỳ đối với một số lĩnh vực. Nếu vì những tác phẩm này không có giải thưởng của Bộ mà không được xét sẽ bỏ sót việc tôn vinh những tác phẩm thực sự có giá trị trong đời sống xã hội.
Nhà điêu khắc Nguyễn Phú Cường cho biết, tiêu chí chấm lấy giải thưởng huy chương vàng (HCV) cho mọi loại hình là bất cập. Theo ông, trong lĩnh vực mỹ thuật, một đời người cùng lắm sáng tác được 20 năm. 20 năm đó, chỉ có thể tham gia 4 triển lãm. Mỗi triển lãm có 3 chuyên ngành nhưng có hàng nghìn người tham gia. “Làm sao mà đoạt được HCV. Trong khi đó, sân khấu 2, 3 năm tổ chức một hội thi. Mỗi hội thi có hàng chục HCV. Chưa kể có những ngành, như tượng đài không bao giờ có huy chương. Chính vì thế, theo tôi cần có những tiêu chí cho từng lĩnh vực riêng biệt, không cho lẫn cùng một rọ để xét”, ông nói. Cũng theo nhà điêu khắc này, các giải thưởng Nobel, Oscar trên thế giới chỉ có 1 hội đồng xét, riêng ở Việt Nam hẳn 3 cấp. Ông đưa ra ý kiến chỉ cần 2 hội đồng, nên bỏ hội đồng cấp cơ sở, vì có hội đồng làm tốt nhưng có hội đồng xét tặng vì hình thức.
Tỉ lệ bỏ phiếu đồng ý 90% là quá cao
Về tiêu chuẩn xét tặng phải được 90% tổng số thành viên hội đồng bỏ phiếu đồng ý cũng gây bất cập. Bởi, với quy định như vậy, chỉ cần 2/15 thành viên không đồng ý là không đủ điều kiện trình Hội đồng cấp Nhà nước. Tại Hội đồng cấp Nhà nước, các hồ sơ chỉ cần 3/28 thành viên không đồng ý là cũng không đủ điều kiện trình Thủ tướng Chính phủ xét trình Chủ tịch nước xét tặng giải thưởng.
Ông Phùng Huy Cẩn, Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng, Bộ VH,TT&DL cho biết, tính đến ngày 18/8, Bộ đã nhận được 40 báo cáo về công tác xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước. Trong đó, 21 đơn vị có ý kiến sửa đổi, bổ sung Nghị định số 90/2014. Trên cơ sở thực tiễn, cũng như đề xuất kiến nghị, Ban soạn thảo và Tổ biên tập đã dự thảo một số nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều. Cụ thể, trường hợp tác phẩm, công trình thiếu giải thưởng theo quy định thì phải được hội đồng các cấp xem xét và đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định. Về tỷ lệ phiếu đồng ý của tổng số thành viên, hội đồng dự kiến sửa đổi là 75%. Riêng, với tác phẩm công trình không có giải thưởng, quy định tỷ lệ phiếu đồng ý của thành viên hội đồng là 90%. |
Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó chủ tịch Thường trực Hội Điện ảnh Việt Nam cho biết, tỉ lệ bỏ phiếu đồng ý 90% là quá cao. Bởi, có nhiều tác giả “lên” cấp Nhà nước, chỉ thiếu một phiếu mà bị trượt là đáng tiếc. “Hội đồng cấp Nhà nước không nên để đại diện Bộ Công an, Bộ Quốc phòng vào vì chỉ cần 2, 3 “thủ trưởng” không hiểu về VHNT là các nghệ sĩ dễ bị “oan”. Nên chăng, tất cả danh sách trước khi đưa lên Hội đồng cấp Nhà nước, xin ý kiến bên an ninh xem nhân thân của tác giả này có được không? Hoặc sau khi xét xong giải thưởng xin ý kiến bên an ninh”, bà nói.
Cũng theo Phó chủ tịch Hội Điện ảnh, Hội Nghề nghiệp là nơi hiểu rất rõ về tác giả nào có tài, tác phẩm nào hay đến đâu. Trước đây, các Hội Điện ảnh đều ngồi ở cả 2 hội đồng xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú và Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước. Giờ đây, Hội Điện ảnh chỉ được tham gia ở Hội đồng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước, còn xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú lại do Cục Điện ảnh. Chính vì thế, mong Hội Nghề nghiệp được ngồi cả ở 2 hội đồng xét tặng để có thể xét tặng cho chính xác.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Hữu Sơn, Phó chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam lại lo sợ các Giải thưởng Hồ Chí Minh ngày càng kém chất lượng so với Giải thưởng Nhà nước. Lý do, ở Giải thưởng Nhà nước, các tác giả đều nộp hết các tác phẩm hay nhất của mình, đến Giải thưởng Hồ Chí Minh thì chất lượng các tác phẩm không bằng. Bởi, vướng quy định tác phẩm đã dự Giải thưởng Nhà nước thì không được xét Giải thưởng Hồ Chí Minh trong cùng một đợt.
Theo ông,
Ngoài ra, nên xóa quy định tác phẩm đoạt Giải thưởng Nhà nước thì không được dự Giải thưởng Hồ Chí Minh.
“Có một tình trạng rất chéo ngoe giống như chơi xổ số, đó là khi một số người “xin” Giải thưởng Nhà nước nhưng thực tế họ xứng đáng với Giải thưởng Hồ Chí Minh. Có người “xin” Giải thưởng Hồ Chí Minh nhưng chỉ xứng với Giải thưởng Nhà nước và khi xét Giải thưởng Hồ Chí Minh lại bị trượt. Vì vậy, không nên để các tác giả phải đi xin - cho danh hiệu, giải thưởng”, nhà điêu khắc Nguyễn Phúc nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận