Thông tin "các mẫu nước mắm có độ đạm càng cao, hàm lượng asen càng tăng" khiến người tiêu dùng hoang mang |
Trước kết quả về chất lượng nước mắm vừa được Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) công bố chiều 17/10, bà Nguyễn Thị Tịnh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội nước mắm Phú Quốc cho biết, việc công bố kết quả khảo sát chất lượng nước mắm với thông tin về hàm lượng asen vượt ngưỡng cho phép là mập mờ và dẫn dắt người tiêu dùng theo chiều hướng xấu.
Theo chia sẻ của bà Tịnh, TCVN 5107:2003 về nước nắm chỉ có quy định các chỉ tiêu hóa học bao gồm hàm lượng ni tơ toàn phần, ni tơ axit amin, ni tơ aminiac, hàm lượng muối; chỉ tiêu vi sinh vật như tổng số vi sinh vật hiếu khí, số khuẩn lạc, coliforms, E. Coli… bào tử nấm men, nấm mốc. Dư lượng kim loại nặng trong nước mắm như chì và phụ gia theo quy định hiện hành. Riêng tiêu chuẩn về hàm lượng asen vô cơ (loại có độc với cơ thể) được quy định trong TCVN về nước chấm. Sự đánh đồng hai khái nhiệm nước mắm và nước chấm, chưa kể đến không phân định rõ ràng asen vô cơ hay asen hữu cơ sẽ gây sự hiểu lầm nghiêm trọng trong người tiêu dùng và ảnh hưởng không nhỏ tới ngành nước mắm truyền thống. “Thực tế, bản thân trong cá có chứa asen nhưng là asen hữu cơ hoàn toàn không gây độc hại tới sức khỏe con người”, bà Tịnh nhấn mạnh.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm (Đại học Bách Khoa Hà Nội) cũng lý giải asen tồn tại ở 2 dạng. Một là asen vô cơ, tức là asen ở trạng thái nguyên tử hoặc phân tử chưa kết hợp với chất nào khác rất độc hại. Còn loại thứ 2 là asen đã tham gia quá trình phản ứng hóa học và tạo thành asen có hóa trị. Đây là asen hữu cơ, không gây độc. Trong quản lý an toàn thực phẩm, cơ quan chức năng chỉ quan tâm đến loại asen vô cơ độc hại.
Đồng tình với ý kiến bà Tịnh, ông Thịnh cũng cho rằng, nước mắm được chế biến bằng 3 nguyên liệu chính là nước, cá và muối trong khi đó, asen hữu cơ luôn tồn tại trong nước biển và cá biển. Như vậy việc mắm làm từ cá, muối có chứa hàm lượng asen hữu cơ là hoàn toàn bình thường và an toàn. Việc đưa thông tin chung chung về asen có thể khiến người tiêu dùng dễ hiểu lầm bởi không phải ai cũng biết về asen hữu cơ hay vô cơ.
Trước đó, như tin Báo Giao thông đã đưa, ngày 17/10, Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã công bố khảo sát các mẫu nước mắm bán trên thị trường về các chỉ tiêu ATTP. Kết quả được công bố, 125/150 mẫu khảo sát đều có ít nhất 1 trong 5 chỉ tiêu không đạt so với tiêu chuẩn hoặc so với công bố trên nhãn hàng hóa. Đặc biệt, 67% số mẫu nước mắm có hàm lượng asen vượt ngưỡng cho phép. Cụ thể: Kết quả kiểm tra cho thấy, 101/150 mẫu có hàm lượng asen trên 1 mg/lít và thậm chí 5 mg/lít (hàm lượng asen cho phép là 1 mg/lít). Đặc biệt, theo kết qua khảo sát, các mẫu nước mắm có độ đạm càng cao, hàm lượng asen càng tăng. Cụ thể 95,65% số mẫu có độ đạm từ 40 đều có hàm lượng asen vượt ngưỡng. Tuy nhiên, khi thử nghiệm 20 mẫu trong số các mẫu khảo sát có asen tổng vượt ngưỡng quy định, thì đều không phát hiện asen vô cơ (với giới hạn phát hiện là 0,01mg/l).
Trước công bố này của Vinastas bà Trần Việt Nga, Phó cục trưởng Cục ATTP, Bộ Y tế cho biết, hiện Bộ Y tế đang phối hợp với các bộ, ngành liên quan đang kiểm tra, kiểm nghiệm chất lượng nước mắm trên quy mô toàn quốc, và sẽ chính thức công bố trong thời gian tới. “Cho tới khi có được kết quả chính thống từ cơ quan chức năng, người tiêu dùng không nên quá hoang mang”, bà Nga cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận