Tiếng lợn kêu xé lòng
Hơn 15h chiều 25/3, trụ sở UBND xã Đông Tảo, Khoái Châu (Hưng Yên) vắng tanh, trừ phòng trực tiếp dân. “Dịch đang nóng, lãnh đạo xã cùng các đoàn thể đều đã xuống cơ sở để xử lý rồi”, nhân viên trực ban lý giải. Gọi điện cho ông Nguyễn Trọng Thanh, cán bộ thú y xã, đầu dây bên kia nói vọng ra cùng tiếng lợn kêu: “Nhà báo à, ra đây, tôi đang đi chôn lợn”…
Tính tới hiện tại, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 440 xã, 84 huyện của 21 tỉnh, thành với gần 65.000 con lợn đã bị tiêu hủy. Trong đó, Bắc Giang là địa phương mới nhất ghi nhận có ổ dịch tả lợn châu Phi.
Xe chúng tôi vừa dừng tại đường vào thôn Thống Nhất, một người phụ nữ thất thểu chạy tới: “Nhà báo ra mà xem, họ chôn lợn dịch ngay sát nhà dân, mùi thối lắm, thế này sống sao nổi?”. Mang câu hỏi này với ông Thanh, vị cán bộ thú y cũng tỏ ra bất lực: “Hôm trước vừa chôn hơn 300 con, trong ngày hôm nay phải chôn tới 300 con, chóng hết cả mặt. Từ Chủ tịch xã tới đại diện Mặt trận Tổ quốc, hội nông dân, trưởng thôn, cán bộ thú y huyện cũng tập trung ở đây để giám sát”.
Theo ông Thanh, Đông Tảo là xã nuôi lợn nhiều nhất huyện Khoái Châu với 157 hộ nuôi hơn 20 nghìn con. Vậy nên dù đã “canh phòng cẩn mật” song nơi đây vẫn không thoát được dịch tả lợn châu Phi.
Tính riêng số lợn xã Đông Tảo đã tiêu hủy là hơn 600 con (tương ứng 70 tấn), với giá lợn hơi ngày 28/3 khoảng 34.000 đồng/kg, cả xã đã thiệt hại gần 2,4 tỷ đồng.
Đất khan hiếm, lợn mắc dịch vẫn không ngừng tăng. “Lo nhất là 2 trại lợn lớn với gần 7 nghìn con đã mắc dịch. Thiếu đất chôn, chúng tôi chỉ dám mang số lợn cùng chuồng với con đã chết đi tiêu hủy, số còn lại ở những chuồng khác tạm thời cứ để lại chờ xem thế nào…”, vị cán bộ thú y xã nói.
Trước cửa chuồng nuôi rắc trắng vôi bột, chị Nguyễn Thị Thắm (thôn Đông Kim, xã Đông Tảo) bịt kín từ đầu tới chân, tất bật cùng đội bắt lợn cân rồi nhét vào bao tải. 5 con lợn nái trong chuồng chết đã hơn 1 ngày, da bụng nổi xanh lét. Hơn 30 con nái còn lại cũng đang trong tình trạng lờ đờ nằm bẹp. Lợn mẹ mắc dịch nên hàng trăm lợn con sắp được tách đàn, cũng bị nhét vào bao tải giãy giụa kêu inh ỏi.
Chỉ trụ được một lúc, bà Ngô Thị Hồi, mẹ chồng chị Thắm, quần áo lấm lem lảo đảo bước ra rồi ngồi phịch xuống đất: “Xót quá, nhìn những con lợn con còn khỏe mà phải nhét vào bao tải đem đi chôn tôi nghẹn lòng không thở được…”, bà Hồi quệt giọt nước mắt chực rơi nói: “Vợ chồng em nó nuôi lợn được chục năm rồi nhưng cứ được đồng nào lại đem ra nuôi tiếp, lại mới mở thêm một trại 500 con bên kia đồng. Hết đợt giá rẻ lại tới dịch này, tiền còn nợ ngân hàng ối ra đấy chưa trả được. Thằng chồng gần tháng nay ăn mì tôm nằm ở trại ngoài không dám về nhà gặp vợ con vì sợ nhiễm dịch. Tôi cùng vợ nó tối ngày cũng chăm vào trại ở nhà, khử trùng cách ly với người ngoài vậy mà không hiểu sao con virus tai ác đó nó vẫn vào được…”.
Đứng bên cạnh, chồng bà Hồi cũng than thở: “Ví như con nó chơi cờ bạc thì thôi mặc kệ, nhưng vì chăn nuôi mà tán gia bại sản thì thương lắm! Nhà tôi còn suất đất chắc đận này phải bán giúp chúng nó trả nợ rồi mới tính tiếp được”.
Quay ra thôn Dũng Tiến, nơi có trại mắc dịch tả lợn châu Phi với quy mô hơn 3.000 con, cánh cửa sắt khóa bên trong, một người dân ngang qua nói vọng: “Tìm nhà Khánh à, đừng tìm nữa, dịch vào rồi, ông ấy chả thiết gặp ai đâu!”. Mở điện thoại liên hệ với chị Huê, chủ trại lợn với quy mô khoảng 4.500 con, cũng vừa phát hiện dịch, sau một hồi chuông dài, giọng người phụ nữ yếu ớt bắt máy: “Tôi ốm rồi, không tiếp khách!”. Được biết, đây là hai trại lợn quy mô lớn đầu tiên trên cả nước phát hiện dịch tả lợn châu Phi. Trước đó dịch chỉ xuất hiện hầu hết những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ
Dịch chưa tới, bão giá đã quét qua
Mật độ chuồng trại đông, chôn ở đâu cũng đụng tới quyền lợi. Suốt mấy ngày qua chỉ ầm ĩ cãi nhau chuyện chôn lợn dịch. Có nơi sáng đào hố chiều lại phải lấp như cũ vì dân không cho chôn. Có nhà lợn chết 3 hôm rồi mà không tìm được chỗ chôn, đành phải chôn ngay trong khuôn viên trại của mình.
Ông Nguyễn Trọng Thanh, cán bộ thú y xã Đông Tảo, Khoái Châu, Hưng Yên
Hậu quả cơn “bão giá” năm 2017 còn chưa được khắc phục xong, giờ đây “thủ phủ lợn” Ngọc Lũ (Bình Lục, Hà Nam) lại chịu cảnh giá rớt không phanh dù chưa có dịch tả lợn châu Phi. Từ đầu tháng 3 tới nay, giá lợn hơi xuất chuồng liên tiếp giảm từ 41-42 nghìn đồng/kg giờ chỉ còn 31-32 nghìn đồng/kg, thậm chí có hộ phải bán chạy với giá 29 nghìn đồng/kg. Tính ra mỗi tạ lợn, người chăn nuôi đang thua lỗ hơn 1 triệu đồng. Tuy nhiên, điều người chăn nuôi tại Ngọc Lũ bức xúc chính là những thông tin thất thiệt. “Chết là ở thông tin gây hoang mang, thịt lợn không bán được nên cứ đua nhau giảm giá”, bà Trần Thị Bốn, Đội 8, Ngọc Lũ cho hay.
Thời “hoàng kim”, Ngọc Lũ nhà nào “nuôi chơi” cũng lên đến cả trăm con lợn, cứ đến khoảng 6h sáng và 15h chiều, khắp làng inh ỏi tiếng lợn kêu đòi ăn. Thế nhưng giờ đây, số hộ nuôi lợn giảm rất nhiều, từ hơn 2.000 hộ với tổng đàn 70.000 con hiện chỉ còn 800 hộ với tổng đàn khoảng 22.000 con. Về Ngọc Lũ bây giờ, không khó bắt gặp cảnh “chuồng hoang, trại trống”, người dân bỏ đi làm thuê.
Một trong những hộ chăn nuôi “thua đau” nhất ở Ngọc Lũ sau trận bão giá 2017 là anh Lê Huy Mạnh. Từ một chủ trại nuôi hàng nghìn con, giờ anh phải đi làm thuê kiếm vài triệu mỗi tháng để cầm cự nuôi vợ con. Hơn 1.600m2 chuồng trại với chi phí đầu tư cả tỷ đồng nay bỏ trống. Chỉ tay lên mái nhà tre ọp ẹp bám đầy mạng nhện, anh Mạnh cho hay, nếu lứa lợn 2017 thành công thì nơi đây đã mọc lên cái biệt thự rồi. Thế nhưng “kiếm củi ba năm thiêu một giờ”, “bão giá” đi qua, hơn 3 tỷ đồng trong tay anh Mạnh mất trắng, gia đình còn phải gánh thêm một khoản nợ không nhỏ.
Không bỏ cuộc, anh Mạnh tìm cách tận dụng chuồng trại bỏ không để nuôi gà nhưng lại lỗ tiếp gần 100 triệu đồng. Nói về số phận lao đao, anh cười buồn bảo, người chăn nuôi như mình chẳng khác gì đang chơi một “canh bạc” nhưng “canh bạc” này phải nửa năm sau mới biết được kết quả. “Khi nhập lợn giống về trại bắt đầu lo bệnh tật. Tới lúc được xuất chuồng lại lo về giá. Lúc giá lên thì chỉ có 10 con được, nhưng lúc giảm thì mất cả nghìn con”, anh lý giải trong chua xót.
Đốm lửa hy vọng
Được biết đến một trong những “đại gia” nuôi lợn trường vốn nhất tại Ngọc Lũ, ông Trần Mậu Vượng hiện đang có 2 trang trại lớn nhất vùng với tổng đàn 7 nghìn con. Ông cũng là đại lý phân phối thức ăn chăn nuôi có tiếng trong vùng. Năm 2017, sau khi “bão giá” quét qua, ông Vượng ước tính thiệt hại gần 20 tỷ đồng, trong đó một nửa là tiền cám bán cho các hộ chăn nuôi khác chưa thu lại được.
Trước diễn biến bất thường của dịch bệnh, gần đây nhất là dịch tả lợn châu Phi, bằng vốn kiến thức tự học và kinh nghiệm thực tiễn, ông Vượng tự xây dựng quy trình chăn nuôi nghiêm ngặt để bảo về đàn lợn của mình. Ngay cả khi PV đề xuất được vào tham quan chụp ảnh, ông Vượng cũng kiên quyết từ chối. “Bình thường thì không sao, đang dịch dã như thế này người lạ nghiêm cấm bước vào trại. Bản thân tôi và người nhà cũng hạn chế ra vào khu nuôi, nếu có cũng phải thực hiện nghiêm quy định tiêu độc khử trùng”. Theo ông Vượng, kể từ khi nghe tin có dịch tả lợn châu Phi, trại lợn của ông phun thuốc khử trùng 2 tuần/lần. Tất cả nhân công trước khi bước vào trại đều phải thay quần áo, rửa tay sát khuẩn, chân đi ủng cũng phải nhúng qua bồn chứa dung dịch clo… Ngay cả xe vận chuyển thức ăn hay vận chuyển lợn cũng phải phun khử trùng, đỗ cách xa khu vực nuôi.
“Phải làm cẩn thận như vậy mới bảo quản được tài sản của mình. Khoản chi phí này không đáng là bao so với nếu xảy ra thiệt hại. Gần 20 năm chăn nuôi lợn, không một con lợn nào của tôi mắc phải dịch lở mồm long móng hay tai xanh và bây giờ là dịch tả lợn châu Phi”, ông chủ trại lợn nói và nhấn mạnh: “Lỗ vì giá thị trường thì phải chịu chứ còn thua vì dịch bệnh là vì dốt kỹ thuật chăn nuôi. Ai không làm tốt thì nên nghỉ, đó là sự thanh lọc bình thường trong kinh doanh”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận