Hồ sơ tài liệu

Ông Obama “nhắc nhở” Tập Cận Bình về Biển Đông

04/09/2016, 10:29
image

Tổng thống Mỹ có cuộc hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20, theo Reuters ngày 4/9.

download

Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có cuộc gặp riêng với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đêm 3/9 - trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hàng Châu, Chiết Giang, Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)

Trong khuôn khổ cuộc gặp, Tổng thống Mỹ tập trung vào vấn đề tranh chấp chủ quyền Biển Đông, thúc giục Bắc Kinh thực hiện nghĩa vụ của mình về mặt pháp lý, đồng thời nhấn mạnh cam kết của Mỹ đối với các đồng minh trong khu vực.

Về phần mình, ông Tập cho biết Trung Quốc sẽ tiếp tục bảo vệ chủ quyền và quyền hàng hải của họ trên Biển Đông. Trước khi 2 nhà lãnh đạo có cuộc gặp riêng vào đêm 3/9, Tổng thống Mỹ Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng 2 đoàn tùy tùng đã có cuộc gặp kéo dài suốt 4 giờ đồng hồ. 

Căng thẳng Biển Đông giữa Trung Quốc với các quốc gia trong khu vực dự kiến sẽ là một chủ đề “ám ảnh” Hội nghị thượng đỉnh G20 được khai mạc tại thành phố Hàng Châu, Trung Quốc hôm nay (4/9). Trung Quốc đang nỗ lực để tổ chức một Hội nghị thượng đỉnh G20 “xuôi chèo mát mát” – sự kiện được quan tâm nhất trong năm, nhằm nâng cao vị thế toàn cầu của mình và tránh mâu thuẫn với Washington, theo Reuters.

Xem thêm video Trung Quốc cử 6 người gác hải đăng phi pháp xây ở Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam:

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama đang ở những ngày tại nhiệm cuối cùng trong nhiệm kỳ của mình. Chính quyền Obama muốn tập trung hơn cho chính sách xoay trục đối với khu vực châu Á – Thái Bình Dương, định hướng rõ hơn cho người kế nhiệm ông ở Nhà Trắng trong cuộc bầu cử tháng 11 tới. Cụ thể, chính quyền Obama tập trung nhiều hơn vào việc phát triển các mối quan hệ gần gũi với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á.

Do vậy, tại cuộc gặp riêng với ông Tập, Tổng thống Mỹ nhấn mạnh tầm quan trọng của Trung Quốc phải “chấp hành nghĩa vụ của mình”, cũng như thực thi nghiêm túc hiệp ước hàng hải quốc tế trong tranh chấp về quyền lãnh thổ ở Biển Đông – nơi có giá trị thương mại lên tới 5.000 tỷ USD mỗi năm. Trước đó, hôm 12/7, Tòa Trọng tài quốc tế ở The Hague đã ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông do Philippines khởi xướng, trong đó khẳng định, không có cơ sở pháp lý đối với “đường lưỡi bò” của Trung Quốc trên Biển Đông.

Cùng ngày, trước cuộc hội đàm của hai nhà lãnh đạo, Trung Quốc và Mỹ đã chính thức phê chuẩn Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, động thái có thể giúp Hiệp định có hiệu lực vào cuối năm nay. Đây là văn kiện quốc tế quan trọng có tính ràng buộc pháp lý trong việc kiểm soát khí thải sau năm 2020. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.