Hội nghị học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, khóa XII của Đảng - Ảnh: Nhật Bắc |
Đó là một nghịch lý, mâu thuẫn được Trưởng ban Tổ chức T.Ư Phạm Minh Chính chỉ ra khi phân tích Nghị quyết số 18 về “một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Trưởng ban Tổ chức T.Ư cho hay, tính đến 1/3/2017, số người hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách Nhà nước khoảng 4 triệu người, chưa tính lực lượng quân đội và công an.
“Có thể khẳng định, số người ăn lương và phụ cấp của ta tăng rất nhanh. Nền kinh tế phải gánh vác rất khó khăn. Khó khăn này tập trung vào các đơn vị sự nghiệp trên 2 triệu người và cán bộ cấp xã, thôn, tổ dân phố”, Trưởng ban Tổ chức T.Ư chỉ rõ. Ông cũng nêu khó khăn đối với các trường hợp thuộc diện “hợp đồng khác” có đến 239.000 người, chiếm 6% tổng số người ngân sách đang nuôi.
Trưởng ban Tổ chức T.Ư cũng nêu ra nghịch lý trong câu chuyện tinh giản biên chế sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 39, số người hưởng lương, phụ cấp không những không giảm mà còn tăng lên.
“Theo Nghị quyết 39, mỗi năm ta phải tinh giản 70.000 người, sau 2 năm thực hiện phải giảm 140.000 – 150.000 người nhưng thực tế lại không giảm được mà còn tăng thêm 96.000 người. Đây là một mâu thuẫn”, ông nhấn mạnh.
Ông dẫn chứng tỉ lệ công chức viên chức hưởng lương trên 1.000 dân thì Việt Nam có 43 người chưa kể quân đội và công an. Trong khi đó một số nước trong khu vực tính cả quân đội, công an như Philipines 1.000 dân có 13 cán bộ công viên chức; Ấn Độ có 16 người; Indonesia 17 người, Đông Ti Mo có 18 người; Singapor có 25 người… “Cơ bản ta cao hơn rất nhiều so với các nước”, ông Chính đánh giá.
Theo ông Chính, cả nghị quyết T.Ư và nghị quyết Quốc hội đều đã đề cập rõ tình trạng, nguyên nhân và đưa ra giải pháp, nhưng lại có thực tế những năm qua chưa có ai được khen thưởng vì giảm biên chế thành công, cũng chưa có ai bị kỷ luật vì để tăng biên chế.
“Chúng tôi rà soát thì chưa thấy ai được khen, chưa thấy ai bị kỷ luật. Chủ trương của Đảng mà khi thực hiện không có khen, có chê, có kỷ luật thì rất khó. Xu hướng chung vẫn là xin tăng biên chế, vì sao vậy, vì tăng biên chế thì được tăng ngân sách chi thường xuyên”, ông Chính nói và dẫn chứng, năm 2011 – 2015 chi thường xuyên chiếm 65% tổng chi ngân sách, tăng 2,2 lần so 5 năm trước. Năm 2017 dự kiến chi thường xuyên 64,9%, tăng 16,2% so với 2015.
Trưởng ban Tổ chức T.Ư cũng nhận định, số lượng lãnh đạo, cấp phó trong các cơ quan đơn vị còn chiếm tỷ lệ cao. Cả nước hiện có 81.492 lãnh đạo cấp phó từ phó phòng đến thứ trưởng, chiếm 21,7% tổng số cán bộ công chức từ T.Ư đến cấp huyện. "Chúng ta hình dung cứ 5 cán bộ công chức thì có 1 lãnh đạo cấp phó, có nơi 44/46 lãnh đạo, có cơ quan 100% cán bộ là lãnh đạo, chả có ai là chuyên viên cả”, ông Chính dẫn chứng thực tế và nhấn mạnh “chúng ta đang lạm phát cấp phó”.
Thế nhưng lại có thực trạng vẫn không đủ cấp phó... để đi họp. Từ câu chuyện này, Trưởng ban Tổ chức cho rằng hệ thống của chúng ta phải đổi mới đồng bộ cơ chế vận hành, tổ chức bộ máy, cán bộ. Cán bộ phải tốt, cơ chế vận hành linh hoạt, giảm các cuộc họp… thì lúc đó mới giảm cấp phó được.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận