Theo The Moscow Times, tại cuộc họp với các bộ trưởng ngày 23/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo: "Tôi quyết định sẽ thực hiện một loạt các biện pháp chuyển đổi phương thức thanh toán khí đốt với "các nước không thân thiện" bằng đồng ruble”.
Đây là một phần trong phản ứng của Nga đối với các lệnh trừng phạt chưa từng có mà phương Tây áp đặt với Moscow liên quan tới chiến dịch quân sự của nước này tại Ukraine.
“Nga sẽ tiếp tục cung cấp lượng lớn khí đốt với giá cả như các hợp đồng trước đó. Thay đổi sẽ chỉ ảnh hưởng đến loại tiền tệ thanh toán, đó là chuyển sang đồng ruble của Nga”, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh - Reuters
Theo ông Putin, chính phủ và ngân hàng trung ương Nga có thời hạn một tuần để lên giải pháp chuyển phương thức thanh toán mua bán khí đốt sang đồng ruble. Công ty năng lượng quốc doanh của Nga Gazprom có nhiệm vụ điều chỉnh những thay đổi cần thiết trong hợp đồng.
Trước đó, Nga đã lập danh sách các quốc gia “không thân thiện” bao gồm các nước đã áp đặt lệnh trừng phạt với Nga sau khi nước này mở chiến dịch quân sự tại Ukraine.
Danh sách gồm Mỹ, các nước thành viên Liên minh châu Âu, Anh, Nhật Bản, Canada, Na Uy, Singapore, Hàn Quốc, Thụy Sĩ và Ukraine. Những hợp đồng với các công ty, cá nhân tại các quốc gia này cần được ủy ban chính phủ của Nga thông qua.
Sau thông báo trên, đồng ruble lập tức tăng giá. Đồng thời, giá bán buôn khí đốt tại châu Âu cũng tăng thêm 30% trong ngày 23/3.
Phản ứng trước thông báo trên của Tổng thống Putin, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck coi đây là hành vi vi phạm hợp đồng. Ông Habeck cho biết sẽ thảo luận với các đối tác châu Âu để đưa ra câu trả lời trước yêu cầu từ phía Nga.
Cùng quan điểm trên, một nguồn tin trong Chính phủ Ba Lan cho biết đây là “hành vi vi phạm các thỏa thuận thanh toán đã nêu trong các hợp đồng hiện tại”. Vị quan chức tiết lộ Ba Lan không có ý định ký hợp đồng mới với Gazprom sau khi hợp đồng hiện tại hết hạn vào cuối năm.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte nhận định: “Trong các hợp đồng thường nêu rõ loại tiền tệ dùng để thanh toán, đây không phải là việc dễ dàng thay đổi như vậy”.
Theo thông tin từ Gazprom, 58% lượng khí đốt tập đoàn này bán cho châu Âu và các quốc gia khác kể từ ngày 27/1, đều được thanh toán bằng đồng Euro. Thanh toán bằng đồng USD chiếm 39% lượng khí đốt bán ra của Gazprom.
Nga đang là nhà cung cấp 40% lượng khí đốt nhập khẩu của châu Âu. Mỹ và các quốc gia châu Âu đã áp nhiều lệnh trừng phạt với Nga để phản ứng trước chiến dịch quân sự của Moscow tại Ukraine. Tuy nhiên, EU vẫn chưa đưa ra quyết định trừng phạt lĩnh vực năng lượng của Nga do phụ thuộc rất lớn vào nhà cung cấp này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận