Pháp đình

Ông Trần Quí Thanh xin được tách giao dịch với bà Kim Oanh để giải quyết trong vụ án khác

23/04/2024, 19:36

Trình bày trước HĐXX, bị cáo Trần Quí Thanh cho rằng, giữa ông và bà Kim Oanh, các giao dịch chưa rõ ràng nên tách ra để giải quyết trong vụ án khác.

Chiều 23/4, Tòa án nhân dân TP.HCM tiếp tục xét xử vụ án lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản đối với bị cáo Trần Quí Thanh (Giám đốc Công ty Tân Hiệp Phát) cùng hai con gái là bà Trần Uyên Phương (43 tuổi) và bà Trần Ngọc Bích (40 tuổi).

Mặc dù xin vắng mặt tại phiên toà, nhưng với tư cách là bị hại, bà Đặng Thị Kim Oanh có đơn gửi HĐXX yêu cầu các bị cáo phải hoàn trả một lần, đầy đủ 100% cổ phần Công ty Minh Thành, toàn bộ dự án khu dân cư - dịch vụ tại xã An Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai cho Công ty Kim Oanh Đồng Nai; trả toàn bộ dự án khu dân cư Nhơn Thành, tỉnh Đồng Nai cho Công ty Thuận Lợi.

Toàn bộ thiệt hại tính từ thời điểm tài sản bị chiếm đoạt cho đến thời điểm đưa vụ án ra xét xử. Tổng số tiền bà Kim Oanh yêu cầu ông Thanh bồi thường là hơn 531 tỷ đồng.

Liên quan đến nội dung này, trình bày tại toà, bị cáo Thanh mong muốn được tách riêng.

"Giữa bị cáo và bà Kim Oanh các giao dịch chưa rõ ràng thì nên tách ra để giải quyết trong vụ án khác", ông Thanh nói.

Ông Trần Quí Thanh xin được tách giao dịch với bà Kim Oanh để giải quyết trong vụ án khác- Ảnh 1.

Bị cáo Trần Quí Thanh.

HĐXX hỏi bị cáo Trần Uyên Phương về việc bị cáo Thanh tách giao dịch của Kim Oanh ra để giải quyết trong vụ án khác. Bị cáo Phương xin HĐXX cho phép trao đổi lại với bị cáo Thanh vì chưa nghe rõ.

Đối với bị cáo Trần Ngọc Bích, khi nghe HĐXX phân tích, bị cáo cho biết, đã nhận thức đây là hợp đồng cho vay; đồng ý như cáo trạng truy tố. Bị cáo Bích không biết thương lượng nào giữa ông Thanh và phía Kim Oanh và chỉ căn cứ thực hiện trên hồ sơ, thỏa thuận giữa các bên.

Trước đó, khai tại toà, bị cáo Thanh cho rằng, lúc thực hiện giao dịch với các bị hại, bị cáo đã không nhận thức được đó là ký hợp đồng chuyển nhượng. Tuy nhiên, sau khi được Viện Kiểm sát giải thích, bị cáo đã nhận ra hành vi của mình là sai.

Bên cạnh đó, bị cáo Thanh giải thích về giao dịch với bị hại Lâm Sơn Hoàng rằng, bị cáo không cho vay mà chỉ thực hiện mua bán tài sản. Bị cáo cam kết sẽ bán lại tài sản nếu ông Hoàng có nhu cầu và khẳng định bản thân thiện chí trong giao dịch.

HĐXX cho rằng, hành vi của bị cáo là giao dịch dân sự cho vay nhưng lúc đó chưa cấu thành tội vì là giao dịch dân sự. 

Tới giai đoạn cuối cùng khi bị cáo tuyên bố, ông Hoàng mất quyền đối với tài sản thì bị cáo mới phạm tội. HĐXX sẽ xem xét thái độ của bị cáo đến đâu để cân nhắc mức án phù hợp. HĐXX khẳng định bị cáo khai báo lòng vòng, không thừa nhận tội.

Theo hồ sơ vụ án, lợi dụng quy định về cho vay, hợp đồng chuyển nhượng, Chủ tịch Tân Hiệp Phát cùng 2 con gái đã cho một số người vay với lãi suất dưới mức cấu thành tội Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.

Tuy nhiên, theo cơ quan tố tụng, việc cho vay là không có hợp đồng vay tiền có cầm cố tài sản. Các bị cáo buộc những doanh nghiệp, cá nhân vay tiền phải làm hợp đồng chuyển nhượng dự án, cổ phần trong dự án, bất động sản có giá trị thấp hơn rất nhiều so với giá trị thực tế.

Khi bên vay băn khoăn, lo lắng về việc này, các bị cáo đưa ra thông tin tạo niềm tin về uy tín, tiềm năng tài chính, ký các "cam kết bán lại", tiền lãi vay hợp thức bằng biên nhận tiền đặt cọc mua lại dự án, bất động sản, hứa hẹn thanh toán đầy đủ tiền gốc, lãi sẽ trả lại tài sản.

Sau khi chủ tài sản (bên vay) làm thủ tục chuyển nhượng các tài sản cho Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích nhanh chóng làm thủ tục sang tên để nắm quyền kiểm soát, định đoạt tài sản. Nhà chức trách xác định hành vi trên của Bích là làm theo chỉ đạo của cha.

Khi bên vay thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi theo thỏa thuận, các bị can dùng thủ đoạn gian dối hoặc tạo ra các lý do để cố tình không trả, chiếm đoạt tài sản.

Theo cáo buộc, từ tháng 1/2019 - 11/2020, ông Trần Quí Thanh và các ái nữ đã thực hiện 4 hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của 4 bị hại, với tổng giá trị hơn 1.048 tỷ đồng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.