Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 |
Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ là người cuối cùng quyết định dự luật tăng cường trừng phạt 3 nước: Triều Tiên, Nga, Iran và kiềm chế quyền lực của chính ông chủ Nhà Trắng trong dỡ bỏ trừng phạt Nga, sau khi Quốc hội Mỹ kết thúc bỏ phiếu dự luật này vào hôm nay (25/7).
Nhà Trắng bỏ ngỏ khả năng thông qua dự luật
Theo quy định tại Mỹ, nếu dự luật tăng cường trừng phạt: Iran, Nga, Triều Tiên được Quốc hội thông qua thì sẽ được trình lên Tổng thống Mỹ để ký ban hành thành luật. Khả năng dự luật được trình lên Tổng thống Donald Trump rất cao vì Nghị sĩ hai đảng Dân chủ, Cộng hòa đều đã ký bản cam kết đồng thuận ủng hộ.
Ngoài trừng phạt Moscow vì gây ảnh hưởng tới bầu cử Tổng thống Mỹ và cáo buộc Nga can thiệp vào vấn đề Ukraine, Syria, dự luật còn bắt buộc Tổng thống Trump phải được Quốc hội phê chuẩn khi muốn tăng cường hoặc nới lỏng các lệnh trừng phạt kinh tế chống Nga. Kể từ thời còn là ứng viên tranh cử Tổng thống đến khi nhậm chức được hơn 6 tháng, Tổng thống Donald Trump luôn giữ quan điểm muốn nới lỏng trừng phạt và hợp tác với Nga. Ý định này của ông chủ Nhà Trắng hoàn toàn đối lập với phần đông các chính trị gia tại Mỹ.
Dù dự luật mới đi ngược với mong muốn của ông Trump nhưng khi trao đổi trên chương trình This Week của Đài truyền hình ABC, tân phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders bỏ ngỏ khả năng ông Trump sẽ ký thông qua. Theo bà Sanders, Chính phủ Mỹ “ủng hộ luật trừng phạt Nga hiện nay và sẽ tiếp tục phối hợp với Hạ viện, Thượng viện để đưa ra những lệnh trừng phạt mạnh tay với Moscow đến khi nào tình hình tại Ukraine được giải quyết hoàn toàn”.
Phản đối điều luật hạn chế quyền Tổng thống
Đại diện Nhà Trắng cho biết, chính quyền Washington phản đối một điều trong dự luật đó là yêu cầu Tổng thống phải gửi báo cáo giải thích vì sao muốn tăng cường hoặc dỡ bỏ lệnh trừng phạt Nga và Quốc hội có 30 ngày để quyết định phê chuẩn. Giới chức cấp cao chính quyền Mỹ cho rằng, dự luật này xâm phạm quyền hành pháp của ông Trump, bó buộc Tổng thống khi ông muốn đào sâu những cơ hội hợp tác giữa Nga - Mỹ.
Theo bà Sanders, Nhà Trắng đã trao đổi với Thượng viện và Hạ viện để thay đổi các điều luật cần thiết nhưng không nêu cụ thể những thay đổi này. Theo AP, kết quả duyệt lại dự luật không thay đổi đáng kể và các nghị sĩ Dân chủ hài lòng với kết quả hiện tại.
Theo AP, nghị sĩ ở cả hai đảng của Mỹ khá cảnh giác khi duyệt lại dự luật vì họ nhận thấy Tổng thống Trump có mối quan hệ khá hòa hảo với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Hạ nghị sĩ Eliot Engel, thuộc đảng Dân chủ, quan chức cấp cao Ủy ban Đối ngoại Hạ viện cho rằng, ông Trump đang rất chần chừ khi phản ứng với “những hành động khiêu khích từ Nga” và điều này theo ông Engel, “buộc Quốc hội phải nắm trách nhiệm” làm thay ông Trump.
Ông Chris Weafer, đối tác cấp cao của Macro-Advisory - công ty đang hợp tác với các nhà đầu tư quốc tế tại Nga, nhận định, bản dự luật trừng phạt hiện nay “yếu hơn” so với bản đề xuất ban đầu, không tạo tác động nghiêm trọng tới nền kinh tế Nga. Tuy nhiên, dự luật sẽ khiến những triển vọng đầu tư vào Nga thêm tăm tối, “nhắc nhở các nhà đầu tư về rủi ro Nga”, qua đó hạn chế đầu tư từ phương Tây vào nước này. “Nếu dự luật được phê chuẩn, chắc chắn phía Nga sẽ có phản ứng đáp trả”, ông Weafer nhận định.
Còn trong trường hợp ông Trump phủ quyết dự luật, ông chủ Nhà Trắng sẽ đối mặt với bê bối chính trị không hề nhỏ khi Quốc hội có thể sẽ hủy bỏ quyết định của ông. Đến lúc đó, dư luận sẽ càng có căn cứ để xôn xao về khả năng ông Trump thông đồng với Nga. Hiện nay, các quan chức trong đội vận động tranh cử của Tổng thống Donald Trump đang bị điều tra vì cáo buộc “móc ngoặc” với chính quyền Nga.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận