Nhân viên kỹ thuật Mỹ đang chuẩn bị vũ khí cho máy bay trên hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson |
Mỹ đã gần hết chiêu bài
Hãng tin AP dẫn lời các quan chức giấu tên của Mỹ cho biết, mới đây, chính quyền Tổng thống Trump đã đi tới kết luận cuối cùng sau 2 tháng xem xét báo cáo các biện pháp buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân. Mấu chốt trong chính sách mới để kiềm chế Triều Tiên của Mỹ là nhờ vả Trung Quốc tăng cường áp lực đối với Bình Nhưỡng.
Đây vốn là chiến lược mà ông Trump ủng hộ bấy lâu. Cũng theo AP, báo cáo còn bao gồm “lựa chọn quân sự và nỗ lực để lật đổ Triều Tiên”. Ngoài ra, các cố vấn Mỹ còn đang xem xét một ý kiến để chấp nhận Triều Tiên là cường quốc hạt nhân. Tuy nhiên, thông tin cụ thể về các biện pháp này chưa được công bố.
AP dẫn nhận định của nhiều chuyên gia cho rằng, chính sách mới của ông Trump có vẻ không khác nhiều so với chính sách “kiên nhẫn chiến lược” của người tiền nhiệm Obama. Đó là vừa chờ đợi Bình Nhưỡng, vừa tăng cường áp lực và trừng phạt.
Nếu có, điểm khác biệt trong chính sách của ông Trump so với ông Obama chỉ có thể là mức độ áp lực mà Mỹ gia tăng lên Trung Quốc để làm đòn bẩy gây áp lực lên Triều Tiên. Bởi, Bắc Kinh vốn là nhà cung cấp năng lượng và lương thực chính của Bình Nhưỡng.
Điều này chứng minh thực tế: Ngoài áp các lệnh trừng phạt mạnh tay hơn và tăng cường biện pháp phòng vệ chống lại Triều Tiên, Mỹ không có nhiều sự lựa chọn khác mà không tiềm ẩn rủi ro bùng nổ chiến tranh.
Trước và sau cuộc họp đầu tiên với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuần trước, ông chủ Nhà Trắng nhiều lần thúc giục Trung Quốc tăng cường hành động với Triều Tiên, lấy triển vọng về thoả thuận thương mại tốt đẹp hơn giữa Mỹ - Trung làm điều kiện để Bắc Kinh giúp đỡ giải quyết vấn đề.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng, Trung Quốc sẽ không đè nặng áp lực đáng kể lên Bình Nhưỡng như hành động nhiều năm nay vẫn vậy. Bởi, họ lo ngại, nếu liên tục hối thúc Triều Tiên có thể đẩy nước láng giềng vào bất ổn, thậm chí sụp đổ. Khi đó, rất có khả năng một lực lượng thân Mỹ sẽ nổi lên ở Triều Tiên ngay sát sườn Trung Quốc.
Vì sao Mỹ không tấn công Triều Tiên?
Chính sách mới của Mỹ trong vấn đề Triều Tiên được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên leo thang. Mỹ, Nhật, Hàn lo ngại Triều Tiên có thể thực hiện cuộc thử nghiệm hạt nhân lần thứ 6 vào ngày 15/4.
Sáng 16/4, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết, Triều Tiên đã phóng thử một tên lửa chưa xác định nhưng có thể đã thất bại. Mỹ cũng đã lên tiếng xác nhận thông tin này.
Trước đó, căng thẳng càng được đẩy lên cao khi Mỹ đưa nhóm tàu sân bay USS Carl Vinson tiến sát tới khu vực ngoài khơi bán đảo Triều Tiên nhằm phô trương lực lượng, dằn mặt Bình Nhưỡng. Giữa bối cảnh đó, nhiều người hoài nghi, với chiến lược khó lường của Tổng thống Trump, rất có thể ông sẽ bất ngờ phát động cuộc tấn công Triều Tiên.
Song, nhiều chuyên gia và quan chức quân sự bác bỏ lo ngại này. Tờ Nikkei cho biết, sở dĩ Mỹ tấn công căn cứ quân sự Syria một phần vì biết lực lượng Chính phủ không có vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, Triều Tiên luôn khẳng định nắm trong tay vũ khí hạt nhân và “sẵn sàng đáp trả” .
Nếu Mỹ không kích Triều Tiên, Bình Nhưỡng có thể phản công nhắm vào Hàn Quốc dẫn tới hậu quả hàng trăm nghìn người thiệt mạng. Trong khi đó, nếu Mỹ tấn công Triều Tiên mà không tham vấn với Trung Quốc, có nguy cơ sẽ khơi mào một cuộc xung đột quân sự giữa hai cường quốc lớn nhất thế giới.
Ngoài ra, chính những khó khăn trong quan hệ hợp tác giữa Mỹ với Nhật Bản, đặc biệt là Hàn Quốc đã cản trở Washington phát động tập kích Triều Tiên. Mặc dù, nếu xảy ra một cuộc chiến với Triều Tiên thì sự ủng hộ của hai đồng minh châu Á - Tokyo và Seoul - là không thể thiếu nhưng bản thân Hàn Quốc chưa sẵn sàng với biện pháp này.
Về kỹ thuật, bán đảo Triều Tiên vẫn đang trong tình trạng chiến tranh. Xung đột tạm thời được chấm dứt từ ngày 27/7/1953 sau khi Hàn Quốc và Triều Tiên cùng ký bản hiệp định đình chiến với sự bảo trợ của Liên hợp quốc cũng như sự tham gia của Mỹ và Trung Quốc. Nếu Mỹ tấn công Triều Tiên, Mỹ sẽ vi phạm sự bảo trợ của Liên hợp quốc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận