Ông Võ Kim Cự nói về Formosa: Tôi dám làm, dám chịu! |
Trao đổi với Báo Giao thông chiều tối 24/7, ông Võ Kim Cự, ĐBQH khóa XIV, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã lý giải vì sao vào thời điểm năm 2008, Hà Tĩnh lại lựa chọn Công ty Formosa là nhà đầu tư Dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương tại Khu kinh tế Vũng Áng.
Tôi dám làm, dám chịu
Thưa ông, vừa qua khi sự việc liên quan đến Formosa xảy ra, dư luận đặt nhiều câu hỏi xung quanh trách nhiệm của Hà Tĩnh trong việc ký cấp phép cho Formosa. Trong khoảng thời gian ấy, ông có phải chịu nhiều áp lực?
Tôi khẳng định, tôi làm mọi việc theo đúng quy định của pháp luật chứ không vì một động cơ hay mục đích cá nhân nào cả. Mọi việc hoàn toàn là vì dân, vì nước. Vì đất nước mình nghèo nên có rất nhiều vấn đề khó khăn và khi ấy Hà Tĩnh cũng rất khó khăn nên tôi muốn có một dự án vừa là đầu kéo, vừa là nền tảng để tạo cú hích phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương.
Ý tưởng muốn là như thế nhưng không ngờ mọi việc xảy ra ngoài ý muốn, ngoài tầm kiểm soát và khiến tôi bất ngờ hoàn toàn.
Người dân miền Trung thiệt hại nặng nề bởi cá chết hàng loạt do chất thải từ Nhà máy Formosa đổ ra biển |
Bây giờ quay lại là “trăm dâu đổ đầu tằm”, tức là quy hết trách nhiệm cho người ký, nhưng việc ký cấp phép cũng là cả một quy trình về luật pháp chứ đâu phải tôi cắt khúc, bỏ qua giai đoạn được. Về trách nhiệm của mình, tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm chứ không thể đổ trách nhiệm cho T.Ư, địa phương hay ai đó được. Tôi rất băn khoăn và tâm tư, nhưng tôi dám làm, dám chịu, không đổ lỗi cho bất kỳ ai.
Thế nhưng, mong mọi người cần có cái nhìn toàn diện, khách quan trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể để đánh giá chuẩn xác hơn, đừng làm mất động lực để những người dám làm, dám thay đổi lại phải sợ hãi và né tránh, không dám làm gì cả. Tôi luôn nghĩ phải có sự giãi bày để công chúng hiểu bản chất sự việc hơn, còn tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm và coi đó là bài học cho cả hệ thống.
Sự việc Formosa xảy ra cũng là khi kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIV bắt đầu. Những ngày qua, báo chí “săn đón” ông rất nhiều nhưng không nhận được sự trao đổi. Chủ tịch Quốc hội cũng đã bày tỏ ý kiến về việc này. Vậy tại sao ông lại “né” báo chí những ngày qua?
Tôi không né tránh báo chí, báo chí phản ánh với Chủ tịch Quốc hội như vậy chỉ đúng một phần thôi, tôi cũng chưa thấy Chủ tịch trao đổi lại với mình về việc này. Thời gian giải lao ở Quốc hội chỉ có 20 phút, trong khoảng đó nếu có trao đổi cũng không thể nói hết được vấn đề và khi không nói được ngọn ngành thì người ta dễ hiểu sai câu chuyện.
Xem video rác chất đống, cá chết trong Formosa:
Vì sao Formosa lại được chọn?
Dư luận đang rất quan tâm đến việc tại sao Formosa lại được cấp phép lên đến 70 năm, trong đó có ý kiến cho rằng, việc cấp phép này là không đúng thẩm quyền, ông có thể lý giải rõ việc này?
Không phải đơn giản mà Hà Tĩnh cấp phép cho Formosa. Đầu tiên là báo cáo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chấp thuận chủ trương. Sau đó nhà đầu tư lập dự án với nhiều bước. Trước khi thẩm định đã có ý kiến của 12 Bộ chuyên ngành, kể cả các cơ quan trong khối nội chính, quốc phòng, an ninh... đồng ý với các nội dung. Sau đó là thẩm định rồi báo cáo Chính phủ. Cuối cùng, Chính phủ đồng ý để cho Hà Tĩnh được cấp phép.
Tôi được biết Chính phủ cũng đang tiến hành chỉ đạo, giám sát thực thi theo pháp luật Việt Nam đối với Tập đoàn Formosa. Thái độ ấy, chúng tôi hoàn toàn đồng tình và phải kiên quyết xử lý đối với những vi phạm dù bất kỳ cá nhân, hay tổ chức nào". Ông Võ Kim Cự, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh |
Việc cấp phép 70 năm cũng căn cứ vào Điều 36, Luật Đầu tư. Trong Luật đã quy định rõ, đối với những dự án nguồn đầu tư có quy mô lớn, thời gian thu hồi vốn chậm và đạt được các tiêu chí như cần khuyến khích đầu tư vào các ngành, lĩnh vực như luyện thép, cảng biển, sản xuất điện và sử dụng trên 5.000 công nhân trở lên. Dự án này đã đạt được cả 4 tiêu chí theo quy định của Luật Đầu tư nên việc cấp phép 70 năm là đúng theo quy định của pháp luật. Thanh tra Chính phủ sau khi tiến hành thanh tra đã lấy ý kiến của các bộ, ngành có liên quan, báo cáo Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức họp 2 cuộc và đi đến kết luận, thống nhất việc cấp phép thời hạn của Dự án Formosa 70 năm là phù hợp.
Thời điểm đó không phải chỉ có một mình Formosa muốn đầu tư vào Hà Tĩnh, nhưng vì sao cuối cùng họ lại được chọn?
Thời điểm đó có 3 tập đoàn lớn của nước ngoài muốn vào Hà Tĩnh, nhưng trong đó có 2 tập đoàn không làm cảng biển, có tập đoàn yêu cầu được cấp giấy phép khai thác mỏ sắt Thạch Khê, riêng Formosa cam kết sẽ làm luyện thép, cảng biển, đầu tư nhà máy điện. Nếu xét trên mọi phương diện thì Formosa đạt đầy đủ các tiêu chí để hưởng ưu đãi, trong đó có tiêu chí sử dụng trên 5.000 lao động. Và điều rất quan trọng nữa là chúng tôi cũng phải xin ý kiến Trung ương, chứ không phải địa phương tự quyết.
Sự cố ngoài ý muốn
Ông nói muốn tạo nền tảng để tạo cú hích phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương, nhưng giờ đây với những gì mà Formosa đã gây ra, cá nhân ông cảm thấy thế nào?
Khu vực dự án Formosa là một vùng đất rất khó khăn trong sản xuất nông nghiệp cũng như những ngành nghề khác. Những mặt tích cực của Formosa đối với Khu kinh tế Vũng Áng là đã tạo nên diện mạo mới cho Kỳ Anh và vùng phụ cận như hạ tầng, giao thông, cảng biển... để thúc đẩy và tái cấu trúc các ngành kinh tế, đồng thời giải quyết việc làm cho hàng vạn người.
Tuy nhiên, việc xả thải ảnh hưởng đến môi trường biển, khiến cá chết đối với khu vực Bắc Trung bộ, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh là một sự cố nghiêm trọng, vô cùng đáng tiếc, ảnh hưởng đến cuộc sống, tâm tư tình cảm cũng như mọi vấn đề xã hội đối với khu vực này.
Điều khiến tôi trăn trở là sự cố Formosa gây ra đã ảnh hưởng đến đời sống bà con, trong đó có những người thân của mình. Tất nhiên, tôi thấy có phần trách nhiệm của mình. Nhưng tôi cũng muốn nhấn mạnh lại rằng, đây là sự cố ngoài ý muốn. Đến nay, Chính phủ và các cơ quan chức năng đã kịp thời xử lý. Khi Formosa chưa cam kết đền bù thì Chính phủ đã ra văn bản hỗ trợ khẩn cấp cho người dân 4 tỉnh, các bộ, ngành đều vào cuộc. Vấn đề hiện nay là sớm ổn định tình hình, nếu cá nhân, tổ chức nào có vi phạm thì xử lý nghiêm, đồng thời không làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư.
Hiện, Chính phủ đã có chỉ đạo quyết liệt, có việc đã xử lý, có việc đang tiếp tục kiểm tra để xử lý tiếp theo một cách minh bạch, công bằng. Điều quan trọng là rút ra bài học để chấn chỉnh trong thời gian tới. Đó là vấn đề từ hoạch định chính sách, cơ chế, cho đến tổ chức đầu tư, quản lý đầu tư của tất cả các cấp, đúng như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định, không chấp nhận phát triển bằng mọi giá, không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế.
Là một ĐBQH đại diện cho cử tri Hà Tĩnh, tôi rất trân trọng cảm ơn sự quan tâm của Đảng của Chính phủ và cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương với những nỗ lực cao nhất để kịp thời xử lý nhằm đảm bảo đời sống dân sinh của khu vực này; cảm ơn bà con đã nỗ lực, cố gắng cùng với chính quyền địa phương cùng với Trung ương từng bước ổn định đời sống.
Cùng với đó là sự kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm túc của Chính phủ nên Tập đoàn Formosa đã cúi đầu nhận lỗi trước Chính phủ, nhân dân.
Cảm ơn ông!
Hà Tĩnh chưa thực hiện nghiêm kết luận thanh tra Tại cuộc họp báo thông tin kết quả công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo quý II /2016 được tổ chức ngày 22/7, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ (TTCP) trả lời báo chí về trách nhiệm của những tập thể, cá nhân liên quan đến việc cho Formosa thuê đất đầu tư 70 năm. Ông Ngô Văn Khánh, Phó tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, đơn vị này đã tiến hành thanh tra về việc chấp hành pháp luật trong công tác đầu tư xây dựng cơ bản và quản lý đất đai với một số dự án trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh năm 2012, đến ngày 5/7/2014, đã có kết luận chính thức. Theo ông Khánh, việc cho Formosa thuê đất 70 năm là sai vào thời điểm thanh tra năm 2012. Kiến nghị của Thanh tra Chính phủ đã nói rõ là giao Bộ KH&ĐT trên cơ sở quy định pháp luật, thực tiễn ở Hà Tĩnh, kiến nghị Thủ tướng cho giải pháp ở dự án này. Thủ tướng đã đồng ý với kiến nghị của Bộ KH&ĐT là giữ 70 năm. “Về kiến nghị xem xét trách nhiệm, TTCP không chỉ ra từng cá nhân mà gắn với cấp có thẩm quyền. Đương nhiên, lãnh đạo Hà Tĩnh thời điểm đó không thể không có trách nhiệm. TTCP đã thành lập tổ kiểm tra việc thực hiện, xử lý các nội dung kết luận thanh tra tại Hà Tĩnh. Theo đánh giá bước đầu, Hà Tĩnh chưa nghiêm túc thực hiện kết luận thanh tra”, ông Khánh cho biết. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận