Các chân trụ lan can cầu được khắc phục nham nhở sau khi Báo Giao thông phản ánh |
Vụ phá lan can cầu ở xã nông thôn mới (NTM) tại Cần Thơ, cán bộ huyện không biết gì về dự án. Chủ tịch xã biết tiền Nhà nước đầu tư, còn trưởng ấp vì nghe tin đồn xây cầu mới nên… đập để ô tô qua lại “dễ dàng”?!
Huyện đẩy trách nhiệm xuống xã
Sau khi Báo Giao thông phản ánh tình trạng hàng loạt cây cầu trên tuyến đường giao thông nông thôn liên ấp Bình Thạnh và Thới Thạnh, xã Giai Xuân (huyện Phong Điền, TP Cần Thơ) bị đập phá lan can, tạo hình chữ V để ô tô của một số cán bộ huyện này ra vào tư dinh; Sáng 1/8, PV đã có buổi làm việc với Phòng Quản lý kinh tế hạ tầng huyện Phong Điền.
Tại buổi làm việc, khi PV đề cập hiện tuyến đường liên ấp ở xã Giai Xuân có 7/8 cây cầu bị phá lan can do ai quản lý cũng như thiết kế cây cầu…; Ông Dương Quốc Trung, Phó trưởng Phòng Quản lý kinh tế hạ tầng tỏ ra ngơ ngác, “mù tịt” thông tin.
Theo ông Trung, bản thân ông cũng từng đi qua khu vực và có thấy lan can cầu bị đập phá. “Tuy nhiên, tuyến này do xã tự làm, huyện không biết…! Có gì anh hỏi thêm trưởng phòng”, ông Trung gợi ý.
Sau gần hai tháng phá lan can để ô tô cán bộ huyện ra - vào cho dễ, mặt cầu bằng bê tông dày khoảng 4cm đã bị nứt gãy |
PV sau đó đã liên hệ qua điện thoại với ông Nguyễn Thanh Vũ, Trưởng phòng Quản lý kinh tế hạ tầng huyện Phong Điền nhưng ông Vũ cho biết mình đang xin nghỉ phép, không thể gặp trực tiếp.
Qua điện thoại, ông Vũ cho biết: “Do cầu làm từ lâu nên tôi cũng không biết huyện có đầu tư hay không?! Huyện cũng có chủ trương xin vốn từ thành phố đầu tư vài cây cầu trên tuyến này nhưng thành phố không chấp thuận vì xã Giai Xuân mới đạt NTM. Cụ thể, chủ trương xin bao nhiêu cây cầu tôi cũng không biết, anh chị xuống xã hỏi”.
Phá lan can cầu vì nghe... tin đồn
Theo ghi nhận thực tế, các cây cầu bị đập lan can chỉ rộng 2m, mặt cầu được lót một tấm bê tông dày khoảng 4cm. Do các loại ô tô qua lại nhiều nên một số nơi mặt cầu đã bắt đầu xuất hiện vết nứt, bể nham nhở.
Ông Huỳnh Đương Quan, Bí thư Đảng ủy, kiêm Chủ tịch UBND xã Giai Xuân cho biết: “Tuyến đường trên có lộ giới ngang 3m với tổng chiều dài gần 4km thông ra tới thị trấn Phong Điền. Các cây cầu trên tuyến có bề rộng 2m. Tuyến đường do Nhà nước đầu tư xây dựng từ lúc Cần Thơ chưa tách tỉnh với Hậu Giang. Sau này khi tách ra hai tỉnh, tuyến đường này do huyện quản lý, xã không có thẩm quyền, chức năng quản lý”.
Tư dinh phía bên vợ của ông Trương Nhựt Quang, Giám đốc Ban Quản lý xây dựng các dự án huyện Phong Điền, nằm cạnh đường liên ấp Bình Thạnh và Thới Thạnh |
Khi được hỏi nếu để ô tô qua lại cầu như vậy có an toàn và tại sao chỉ đập cầu ở mỗi con đường liên ấp Bình Thạnh và Thới Thạnh, liệu có phải do xe của “quan” huyện thường hay ra - vào?. Ông Quan lý giải, do xe ô tô, xe tải ra - vào bị va quệt nên trưởng ấp tiến hành họp dân, dân đồng thuận rồi ấp tự đập chứ xã không hay biết. “Trước đây, trên tuyến đường liên ấp này có cắm biển báo tải trọng 0,5 tấn ở các cầu, nhưng giờ ai lấy mất biển tôi cũng không biết! Do xe cộ cũng ít đi nên xã không nghĩ đến chuyện đảm bảo an toàn khi xe ô tô qua cầu. Cả xã chỉ có duy nhất hai ấp Bình Thạnh và Thới Thạnh đập lan can cầu do dân trong ấp có nhu cầu, các ấp khác không có “nhu cầu”, ông Quan nói.
Ngoài ra, vị Bí thư xã cũng thừa nhận trong hai ấp Bình Thạnh và Thới Thạnh có đến 300 hộ dân nhưng không ai có ô tô. Trong hai ấp này có một số cán bộ của huyện sinh sống và những người này có ô tô hay ra - vào. “Khách quan mà nói việc đập lan can cầu cho xe cán bộ ra - vào cũng không hẳn đúng, người dân trong ấp mỗi khi đau ốm thường hay gọi taxi vào chuyển đến bệnh viện. Việc làm này chúng tôi nhận thiếu sót và xin được khắc phục trong thời gian sớm nhất”, ông Quan cho biết.
Ông Trần Ngọc Hùng, Trưởng ấp Bình Thạnh, người được cho là đứng ra tổ chức phá lan can cầu cho biết, việc đập lan can cầu do ấp tự quyết, không thông qua xã. Sở dĩ ông hành động như vậy do nghe “tin đồn” (do ông Trương Nhựt Quang, Giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình xây dựng huyện Phong Điền điện thoại “ngỏ ý”-PV) sắp tới sẽ mở rộng cầu bằng với đường lộ.
Chiều 1/8, PV Báo Giao thông đã gặp và trao đổi với ông Nguyễn Văn Sử, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền. Ông Sử cho biết, sau khi có thông tin phản ánh của báo chí, Bí thư Huyện ủy đã chỉ đạo xã Giai Xuân cũng như Phòng Quản lý kinh tế hạ tầng huyện tiến hành khảo sát báo cáo về huyện. Khi có báo cáo chính thức huyện sẽ thông tin cụ thể.
Ông Lư Thành Đồng, Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ cho biết, các tuyến đường GTNT được UBND TP Cần Thơ phân cấp cho UBND quận, huyện quản lý. Do đó, tuyến đường có các cây cầu bị đập lan can này thuộc thẩm quyền quản lý của UBND huyện Phong Điền. Việc chính quyền ấp, xã tự tiện đập lan can cầu để xe ô tô đi lại dễ dàng là hoàn toàn sai. Đường GTNT dù được đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước, xã hội hóa hay Nhà nước và nhân dân cùng làm đều thuộc kết cấu hạ tầng giao thông nên không thể tự tiện đập phá. Chưa kể việc đập như vậy còn ảnh hưởng đến kết cấu cầu và ATGT.
Bạn đọc đề nghị xử lý nghiêm Sau khi đăng bài “Cần Thơ: Phá hàng loạt lan can cầu để ô tô của cán bộ đi”, Báo Giao thông đã nhận được hàng trăm ý kiến của bạn đọc bày tỏ sự phẫn nộ và phản đối việc làm này. Bạn đọc Nguyễn Sâm cho rằng, đây là hành động phá hoại công trình giao thông Quốc gia. Bạn đọc Lưu Hương nhận xét: “Nghe giải thích đã thấy năng lực các cán bộ yếu kém. Không lái được xe thì đi bộ cho đến khi có cầu mới”. Bạn Thiện Lương Nguyễn lại cho rằng, quan ngại... đi xe máy nên mới xảy ra tình trạng này. Bạn Trần Thanh Phúc chất vấn: “Sao lại phá hoại như thế? Để xe đó đi bộ có sao đâu?” Bạn đọc Thanh Khổng bày tỏ: “Việc các “quan” vô tư ra chủ trương bằng... miệng và chỉ đạo cán bộ ấp đập phá lan can những cây cầu trên tuyến lộ giao thông nông thôn để xe ô tô của các “quan” ra - vào là hành động phá hoại tài sản của Nhà nước. Các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc xử lý thật nghiêm để làm gương”. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận