Ông "trùm" đường dây đánh bạc Phan Sào Nam |
Tin Nguyễn Văn Dương lo được giấy phép game chơi bài
Ngày 17/11 - ngày thứ 6 diễn ra phiên xét xử sơ thẩm ông Phan Văn Vĩnh (cựu Trung tướng, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an) và 91 bị cáo trong vụ án "Sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản; Tổ chức đánh bạc; Đánh bạc; Mua bán trái phép hóa đơn; Rửa tiền; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ" tiếp tục phần xét - hỏi các bị cáo.
15h, ông "trùm" đường dây đánh bạc Phan Sào Nam (SN 1979), cựu Giám đốc Công ty cổ phần VTC truyền thông trực tuyến được HĐXX gọi lên bục thẩm vấn. Tại đây, Phan Sào Nam đã tiết lộ nhiều tình tiết mới của vụ án. Lúc này, bị cáo Nguyễn Văn Dương (SN 1975), cựu Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH đầu tư phát triển An ninh công nghệ cao (công ty CNC) cũng được HĐXX mời ra khỏi phòng cách ly, vào khu xét xử để theo dõi.
Bị cáo Phan Sào Nam khai, quen biết Nguyễn Văn Dương qua mối quan hệ xã hội thông thường vào cuối năm 2014, đầu năm 2015. Trước khi hai công ty ký kết hợp đồng với nhau, Nam khai công ty mình có lịch sử làm trong lĩnh vực Internet và công nghệ tương đối lâu. Nam cũng biết Công ty CNC là công ty bình phong của Bộ Công an. Qua trao đổi, Dương cũng nói có hứng thú với lĩnh vực này.
HĐXX hỏi lại: "Bị cáo biết được qua trao đổi hay qua gì khác"? Nam trả lời: "Trước khi gặp anh Dương, tôi cũng biết CNC là Công ty bình phong của Bộ Công an và sau khi gặp anh Dương, anh Dương cũng khẳng định như thế".
Trước khi ký kết hợp đồng với nhau, chúng tôi có trao đổi nhiều những cơ hội để hợp tác trong lĩnh vực Internet và công nghệ, tuy nhiên sau đó, chúng tôi đã đi đến ký kết cùng nhau thực hiện dịch vụ game bài trước.
"Cuối năm 2014, Hoàng Thành Trung là đồng nghiệp với tôi lâu năm trao đổi rằng đang phát triển phần mềm game bài có chất lượng tốt muốn cùng tôi phát triển phần mềm này. Sau đó, tôi trao đổi với anh Dương thấy anh Dương cũng có khả năng phát hành game bài này nên chúng tôi thống nhất hợp tác. Thời điểm đó, tên của game bài cũng chưa được quyết định nên chúng tôi tạm gọi bằng tên như trong hợp đồng", Nam khai rõ ràng.
Theo Phan Sào Nam, trước khi ký kết hợp đồng, hai bên trao đổi nhiều lần nhưng sau đó chốt lại các nội dung được thể hiện trong hợp đồng 010 tháng 4/2015.
"Vì tôi đã làm việc trong ngành Internet và ngành game khá lâu nên tôi hiểu rằng việc xin cấp phép cho game bài ở thời điểm 2014, 2015 là khá khó khăn nên tôi trao đổi với Trung việc này cần phải xin được giấy phép. Tuy nhiên, bản thân chúng tôi không làm được việc đó. Cho đến khi gặp anh Dương, anh Dương khẳng định việc phát hành, anh có thể làm được. Do đó, chúng tôi đã đi đến thống nhất triển khai dịch vụ này vào năm 2015", Phan Sào Nam khai trước HĐXX.
Theo Nam, khi ký hợp đồng, Công ty Nam Việt sẽ cấp bản quyền phần mềm cho công ty VTC Online, sau đó, VTC Online tiếp tục cấp bản quyền phần mềm trò chơi đó cho công ty CNC để công ty CNC đóng vai trò phát hành ở thị trường Việt Nam.
Trong quá trình thực hiện hợp đồng, bị cáo hiểu rằng trò chơi này chưa được cấp phép.
HĐXX hỏi: "Bị cáo biết rất khó để cấp phép tại sao vẫn ký hợp đồng hợp tác?"
Phan Sào Nam khai: "Như đã trình bày, trước đó, bị cáo biết công ty CNC là công ty bình phong của Bộ Công an. Anh Dương cũng rất tự tin về việc hợp tác phát hành game này nên 2 bên ký hợp đồng rất chính thống giữa 2 pháp nhân với nhau. Nội dung trong hợp đồng rõ ràng khẳng định trách nhiệm của CNC và VTC Online.
Đồng thời, trong quá trình phát hành, vận hành game cũng như trong tài liệu hồ sơ điều tra đã thể hiện rõ cũng có 1 số sự cố như PC50 của Hà Nội đã gọi 1 số người bên công ty Nam Việt đến làm việc, PC87 tới Công ty VTC Online làm việc. Cũng có một số thời điểm, bên bị cáo và bên Hoàng Thành Trung cũng nhận được một số yêu cầu trích xuất thông tin để phục vụ công tác điều tra cho một số cơ quan cảnh sát cho một số vụ án khác.
Thậm chí, ngay cả Bộ TT&TT cũng cử một đội thanh tra tới làm việc với công ty bị cáo vào tháng 8,9/2016. Tất cả các lần đó thể hiện rằng các cơ quan chức năng có biết về việc phát hành này, bản thân bị cáo và công ty bị cáo có báo cáo đầy đủ; tuy nhiên không có một kết luận điều tra hay xử lý nào cả nên bị cáo rất tin tưởng lời của bị cáo Nguyễn Văn Dương. Đồng thời, Dương cũng khẳng định rằng đây là việc được sự ủng hộ của các lãnh đạo và đang trong quá trình hoàn thiện hồ sơ trước hết là thử nghiệm sau là xin cấp phép", Phan Sào Nam nói.
"Bị cáo cho HĐXX biết, trong bản hợp đồng đó cũng như trên thực tế, CNC làm chức năng gì trong phát hành hệ thống game bài?", HĐXX hỏi. Phan Sào Nam cho biết, giai đoạn 4/2015 - 8/2016, CNC ký hợp đồng với Công ty VTC Online và làm rất tốt công việc của mình.
Đó là làm cổng thanh toán thu tiền của người chơi, phối hợp thực hiện các công tác kỹ thuật, CNC cũng ký và hỗ trợ kỹ thuật cho bên bị cáo như đăng ký tên miền, đăng ký tổng đài chăm sóc khách hàng, đăng ký tổng đài để quảng cáo cho các khách hàng. Tất cả những việc đó, ở góc độ bị cáo nhìn, CNC rất đáng tin và thực hiện theo đúng hợp đồng. Chỉ có mỗi việc về giấy phép chưa có nhưng anh Dương luôn khẳng định đang trong quá trình trao đổi với cơ quan chức năng để xin cấp phép.
Nguyễn Văn Dương được đưa ra khu xét xử từ phòng cách ly nghe phần xét - hỏi của "đối tác" Phan Sào Nam |
Thu lời 1.415 tỷ đồng
Cũng theo Phan Sào Nam khai trước tòa, về mặt vận hành kỹ thuật ở trong phần mềm do Hoàng Thành Trung (thời điểm đó đang ở Công ty Nam Việt) và các cộng sự thực hiện.
Giai đoạn 2, thay đổi pháp nhân không còn đứng tên CNC mà là các công ty khác như Hải Khánh, Thăng Long nhưng những đầu việc bên phía Dương làm đại diện vẫn triển khai đúng thỏa thuận ban đầu như: thu tiền người chơi, phối hợp kỹ thuật.
"Như vậy, theo bị cáo là người trong ngành, điều đó thể hiện vai trò phát hành game rõ ràng", Nam nói.
HĐXX hỏi: "Tại sao giai đoạn 2 lại phải thay đổi pháp nhân mà không để tên CNC nữa", Phan Sào Nam cho biết: thời điểm tháng 8/2016, Dương có trao đổi với bị cáo rằng CNC là công ty bình phong của Bộ Công an mà đứng phát hành game như thế thì hơi nhạy cảm. Còn nhạy cảm như nào bị cáo không hỏi rõ vì bị cáo nghĩ liên quan đến Bộ Công an thì tương đối mật.
Các công ty pháp nhân sau này trong quá trình phối hợp có trao đổi hồ sơ nhưng bị cáo không để ý mà chỉ dựa vào anh Dương chỉ định thì làm theo. Đối với máy chủ, hạ tầng và đường truyền game do công ty VTC Online triển khai giai đoạn đầu, về sau do bị cáo và một số anh em khác triển khai.
Về tên gọi phần mềm, Nam khai giai đoạn 1 có tên Rikvip và giai đoạn 2 là Tipclub. Lý do đổi tên, Nam khai không nhớ rõ nhưng lý do không rõ ràng. Bị cáo Dương là người muốn đổi tên game, bản chất dịch vụ là giống nhau.
Ở giai đoạn 1, Nam khai doanh thu hạch toán vào công ty VTCOnline, bị cáo không nhớ rõ nhưng khoảng hơn 2.000 tỷ.
Ở giai đoạn 2, bị cáo Nam nhận tiền doanh thu nhưng không hạch toán vào các pháp nhân nữa. Bởi trong game có tính chất đổi thưởng nên phần lớn doanh thu ở các giai đoạn là hơn 9.500 tỷ. Phần lớn trong đó để trả thưởng cho người chơi, phần bị cáo Nam nhận được sử dụng cho các chi phí để vận hành, mua bản quyền các phần mềm.
Nam nói không phụ trách kỹ thuật nên không rõ vấn đề liên quan đến kỹ thuật vận hành bởi do Hoàng Thành Trung phụ trách, chỉ chuyển tiền khi có yêu cầu.
Theo Phan Sào Nam, bản thân bị cáo được hưởng lợi từ game là 1.415 tỷ. Về chi tiết sử dụng số tiền này, Nam khai, phần lớn số tiền được lưu giữ ở dạng tiền mặt (đưa cho dì ruột và một số bạn bè giữ), phần khác dùng để góp vốn thành lập công ty mới, một số dùng đầu tư vào bất động sản.
Cụ thể, Nam chuyển tiền mặt cho dì ruột hơn 236 tỷ với mục đích cất giữ hộ nhưng sau đó nhờ đầu tư sinh lời giúp và gửi bạn bè. Ngoài ra, Dương nói đầu tư vào một số công ty sản xuất nội dung số, công nghệ phần mềm thanh toán, phát triển du lịch.
Bị cáo Nam cho biết, khi chuyển tiền cho dì và bạn bè không hề nói đây là tiền do phạm tội mà có.
Về lý do các cơ quan chức năng, thanh tra có kiểm tra, thanh tra nhưng không bị xử lý? Bị cáo Nam cho hay, khi các cơ quan chức năng vào kiểm tra, cá nhân bị cáo, công ty có báo cáo cụ thể về hợp tác với CNC nhưng sau đó không thấy xử lý gì. Còn lý do tại sao không xử lý, bị cáo không rõ.
Nam khẳng định, trong tất cả các lần bị kiểm tra, bị cáo đều trao đổi với bị cáo Dương về tiến độ, việc cung cấp hồ sơ. Bị cáo Dương khi đó nói sẽ trao đổi với các cơ quan đó để xử lý.
Phan Sào Nam khai đến nay đã nhận thức những việc liên quan đến game bài là hoạt động tổ chức đánh bạc và việc xử lý chi phí qua các công ty là rửa tiền. Bị cáo nhấn mạnh, nội dung cáo trạng là đúng.
"Đi nước ngoài theo lịch công tác, chưa biết bị khởi tố"
Trả lời luật sư, Phan Sào Nam cho biết, Dương chưa bao giờ giới thiệu bị cáo với lãnh đạo Cục cảnh sát. Và không nói với đồng nghiệp của mình CNC là công ty bình phong của Bộ Công an nhưng bị cáo nghĩ các đồng nghiệp biết.
Theo bị cáo Phan Sào Nam, Nam từng hỏi Dương rất nhiều lần tại sao chưa xin giấy phép của Bộ TT&TT nhưng Dương luôn động viên bị cáo và cho biết mọi việc đều đang rất ổn. Đồng thời khẳng định: “Tôi tin rằng nếu có việc xử lý của các cơ quan chức năng khi kiểm tra thì chúng tôi sẽ cho dừng lại hoạt động của game bài này và không có hậu quả như ngày hôm nay.
Lý giải việc bỏ trốn ra nước ngoài của mình, Phan Sào Nam cho biết bản thân không cố tình bỏ trốn.
“Bị cáo đi ra nước ngoài từ ngày 2/9/2017 theo lịch công tác, bị cáo chưa biết bị khởi tố. Trong suốt thời gian công tác ở nước ngoài, bị cáo không nhận được thông tin chính thức nào, tuy nhiên, bị cáo có theo dõi các thông tin tại Việt Nam, đây là một cú sốc của bị cáo, bị cáo muốn dành thời gian để suy nghĩ, hệ thống lại mọi việc. Và bị cáo cũng chưa có nhiều cơ hội tiếp cận với các vấn đề pháp lý nên bị cáo không biết gì về khởi tố. Sau này về Việt Nam, bị cáo mới xem kỹ lệnh khởi tố”, Phan Sào Nam nói.
16h20, luật sư xin HĐXX gọi bố Phan Sào Nam lên bục trả lời. Bước lên bục dành cho người tham gia tố tụng khác, ông Phan Tự Kiên (bố bị cáo Phan Sào Nam) cho biết, ông là con liệt sỹ từ khi 5 tuổi nên sau đó được nhà nước cho đi học ở nước ngoài. Sau khi về nước, ông Kiên đi làm ở một số đơn vị rồi quay về làm tại một tờ báo và học thêm về văn bằng 2 Luật. Trước khi nghỉ hưu, ông Kiên là phó tổng biên tập một tờ báo ngành. Ông Kiên cũng cho biết, vợ mình là một cán bộ thuộc Bộ Thương mại ngày xưa. Gia đình họ nội và ngoại của Phan Sào Nam đều là gia đình có công. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận