Chuyện dọc đường

Phi lý ngành than

22/03/2017, 08:12

Tập đoàn Than Khoáng sản là một trong những doanh nghiệp có doanh thu lớn nhất cả nước, đạt xấp xỉ 80.000 tỷ đồng...

8

Trước khi triển khai dự án mỏ sắt Thạch Khê, khu vực phía trước là những cánh đồng ngô, lạc, dưa xanh mướt

Tập đoàn Than Khoáng sản (TKV) là một trong những doanh nghiệp có doanh thu lớn nhất cả nước, đạt xấp xỉ 80.000 tỷ đồng một vài năm gần đây. Tuy nhiên, cũng thời gian này, lợi nhuận trước thuế của TKV chỉ đạt xấp xỉ 800 tỷ đồng/năm. 

Với nhiệm vụ quản lý, khai thác tài nguyên của quốc gia, kết quả kinh doanh năm 2015 của TKV có thể nói gây thất vọng khi tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) và trên vốn chủ sở hữu (ROE) chỉ đạt lần lượt 0,58% và 2,1%.

TKV lý giải, kết quả kinh doanh năm 2015 chịu tác động bởi nhiều yếu tố bất lợi, như giá than, giá khoáng sản giảm mạnh; Lỗ tỷ giá tăng mạnh cộng với ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt từ giữa năm khiến tập đoàn thất thoát hàng nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, ngay cả khi lấy kết quả kinh doanh “rực rỡ” của năm 2014 với lợi nhuận trước thuế 2.800 tỷ đồng, so với một số tập toàn công nghiệp khác như Cao su (VRG), Hóa chất (Vinachem), thì họ cũng đạt được lợi nhuận tương đương, nhưng doanh thu thấp hơn nhiều, chỉ lần lượt là 17 và 40 nghìn tỷ đồng!

Lợi nhuận của TKV giảm sút, bên cạnh yếu tố khách quan như tập đoàn nêu còn có nguyên nhân quan trọng là chi phí khai thác than hiện quá cao. Theo quy hoạch ngành than mới đây, chi phí khai thác được dự tính lên tới 65-75 USD/tấn, trong khi giá than nhập khẩu hiện nay chỉ khoảng 60 USD/tấn. Chỉ nhìn vào con số này, nhắm mắt cũng có thể hình dung, ngành than, cứ múc than lên đến đâu để bán là cầm chắc lỗ tới đó!

Hiệu quả sản xuất chính đã vậy, hoạt động đầu tư của tập đoàn cũng không “khá khẩm” hơn. Báo cáo của thanh tra Bộ Tài chính mới đây đã chỉ ra, từ mảng đầu tư tài chính đến quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản đều trong tình trạng “bết bát”. Chưa nói đến các công ty thành viên, chỉ riêng công ty mẹ - tập đoàn, tính đến cuối năm 2015 bỏ ra hơn 15.729 tỷ đồng đầu tư vào 59 công ty thì 50 công ty có lãi chỉ 654 tỷ đồng trong khi 9 công ty thua lỗ tới hơn 594 tỷ đồng. Như vậy, năm 2015, lợi nhuận công ty mẹ nhận được từ hơn 15.729 tỷ đồng đầu tư chỉ 0,38%, bằng khoảng 6% lãi suất tiền gửi ngân hàng trung bình. Đó là chưa kể, 11 công ty lỗ lũy kế đến cuối năm 2014 tới 1.407 tỷ đồng, nghĩa là đến thời điểm đó, khoản vốn mang đi đầu tư của TKV đã hụt gần 9%.

Hoạt động quản lý vốn đầu tư xây dựng cơ bản của TKV cũng bộc lộ nhiều điểm yếu từ khâu thẩm định, phê duyệt, quản lý, giám sát... dẫn tới nhiều dự án phải dừng thực hiện hoặc chậm tiến độ, đội vốn, ảnh hưởng hiệu quả đầu tư khi đưa vào hoạt động sản xuất, kinh doanh!

Một trong những cái lý của ngành than là, dù cho hiệu quả thấp, ngành than vẫn phải hoạt động. Bên cạnh việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, ngành than còn phải duy trì việc làm cho hơn 10 vạn lao động! Tuy nhiên, tư duy này không phù hợp. Thay vì bỏ tiền ra bù lỗ 200-300 nghìn đồng/tấn (giá thành sản xuất 1,7 triệu trong khi giá bán 1,4-1,5 triệu đồng/tấn), chúng ta có thể nhập than và dùng khoản trợ giá đó để hỗ trợ việc làm. Trong trường hợp đó, tài nguyên quốc gia vẫn được giữ gìn, môi trường không bị hủy hoại.

Để tài nguyên quốc gia được quản lý, khai thác hiệu quả, bền vững, đã đến lúc cần cơ cấu lại hoạt động của ngành than, TKV. Theo đó, nhất thiết phải tinh gọn bộ máy, tiết kiệm mọi chi phí để giảm giá thành khai thác; Xem xét lại hiệu quả đầu tư tài chính cũng như quản lý vốn đầu tư cơ bản. Trong đó, cần có cơ chế xem xét trách nhiệm người đứng đầu nếu để xảy ra lãng phí, thất thoát. Đồng thời, cần tăng cường hơn nữa tính minh bạch của doanh nghiệp để các cơ quan quản lý, người dân giám sát. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.