Thế giới

Philippines sẽ thế nào nếu "người gây sốc" đắc cử Tổng thống?

10/05/2016, 06:03
image

Hôm qua (9/5), 54 triệu cử tri Philippines bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử lần thứ 16.

Người dân Philippines đang theo dõi tên các ứng vi

Người dân Philippines đang theo dõi tên các ứng viên để cân nhắc bỏ phiếu

Hôm qua (9/5), 54 triệu cử tri Philippines bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử lần thứ 16, bầu ra Tổng thống, Phó Tổng thống cùng 300 nghị sĩ quốc hội khóa mới và 18.000 quan chức địa phương. Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh nước này đối mặt với nhiều vấn đề cấp bách: Kinh tế, an ninh, khủng bố, tham nhũng, nghèo đói và tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc trên biển Đông.

“Donald Trump của Philippines”

Hệ thống bầu cử của Philippines chỉ có 1 vòng bầu cử - bất cứ ai dành đa số phiếu sẽ trở thành Tổng thống. Ở vị trí Tổng thống, hiện đang có 5 ứng viên chạy đua. Trong đó, người dẫn đầu là ông Rodrigo “Digong” Duterte, 71 tuổi, từng là công tố viên và là Thị trưởng TP Davao trong hơn 22 năm.  Ông Duterte được đánh giá là “Donald Trump của Philippines” vì những phát ngôn gây sốc như: Hứa sẽ hạ sát hàng chục nghìn tội phạm, dẹp bỏ Quốc hội không nghe theo lệnh Tổng thống và viết lại Hiến pháp. Ông Duterte cũng tuyên bố nếu trúng cử sẽ phục vụ người dân chứ không phục vụ thành phần đặc quyền, đặc lợi.

Xem thêm video sát thủ săn ngầm Nga ghé thăm Biển Đông:

Hãng tin AFP dẫn nhận định của nhà phân tích chính trị Raon Casiple: Kể từ khi nhà độc tài Ferdinand Marcos bị lật đổ năm 1986, chính quyền các cấp vẫn dưới sự điều hành của các gia đình, với sự hỗ trợ của giới tài phiệt. Hệ thống chính trị này khiến cách biệt giàu - nghèo ở Philippines thêm nặng nề. Do vậy, Duterte đã trở thành biểu tượng của sự bất mãn, thậm chí của sự tuyệt vọng đối với những người đã đặt niềm tin vào giới lãnh đạo.

Theo ông Duterte: Muốn nhổ tận gốc đói nghèo, phải tiêu diệt tội phạm. Muốn tiêu diệt tội phạm thì không thể dựa vào hệ thống tư pháp yếu kém và tham nhũng; Chỉ cần ra lệnh cho cảnh sát bắn hạ mọi tên tội phạm. Thậm chí ông này còn khẳng định, trong vòng 6 tháng sẽ giải quyết được các vấn đề này.

Do đó, trong khảo sát do Công ty Social Weather Stations thực hiện cho thấy, ông Duterte là ứng viên dẫn đầu với 33% ủng hộ; Nghị sĩ Grace Poe, 47 tuổi với 22% ủng hộ; Bộ trưởng Bộ Nội vụ Philippines Mar Roxas chiếm 20%; Hai ứng viên cuối cùng là Phó Tổng thống đương nhiệm Jejomar Binay, 73 tuổi và chuyên gia luật Miriam Defensor Santiago, 70 tuổi với 13% và 2% ủng hộ.

Kiên định vụ kiện Trung Quốc trong vấn đề biển Đông

Mặt khác, cuộc bầu cử này thu hút sự chú ý và theo dõi từ cộng đồng quốc tế đặc biệt là Mỹ vì quan điểm của người đứng đầu về biển Đông sẽ ảnh hưởng khá nhiều tới quan hệ Philippines - Mỹ vốn được tăng cường hơn dưới thời Tổng thống Benigno Aquino.  Mỹ đánh giá ông Duterte là người không kiên định lập trường khi: Có những tuyên bố bạo miệng như thách thức Trung Quốc bằng cách đi xuồng máy ra bãi cạn Scarborough cắm quốc kỳ và không đẩy hải quân Philippines vào nguy hiểm; Nhưng cũng có lúc lại đề xuất ý tưởng đàm phán với Trung Quốc và khai thác chung khu vực đang tranh chấp trên biển Đông.

Ông Katina Adams, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ về Đông Á cho hay, Mỹ không bình luận về ứng viên Tổng thống tránh làm ảnh hưởng tới kết quả bầu cử. Song, “chúng tôi mong đợi sẽ phối hợp với ban lãnh đạo kế nhiệm của Philippines để xây dựng quan hệ mạnh mẽ và bền vững dù kết quả bầu cử như thế nào”, ông Adams cho hay. Đồng thời, Mỹ cũng hy vọng người kế nhiệm sẽ tiếp nối con đường chiến lược đã được Tổng thống Aquino vạch ra - tăng cường quan hệ với Mỹ để đối phó với những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên biển Đông.

Và bất cứ ai thắng cử cũng phải vượt qua cái bóng của người tiền nhiệm - Aquino, khi Philippines xóa được tiếng xấu là “nước yếu ở châu Á” và chính sách đối ngoại cứng rắn trước một Trung Quốc đang ngày càng hung hăng hơn trong các tuyên bố chủ quyền ở biển Đông.

Về phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế trong vụ Philippines kiện Trung Quốc liên quan tới các tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải trên biển Đông, dù bất đồng quan điểm, tất cả các ứng viên đều ủng hộ vụ kiện này và “giữ gìn chủ quyền” trên biển Đông, “Tất cả các đề xuất của ứng viên về vấn đề này đều kiên định. Chỉ khác cách thực hiện như thế nào”, ông Li Kaisheng, nghiên cứu sinh tại Viện Khoa học xã hội Thượng Hải đánh giá.

Nỗi lo khủng bố

Riêng về vấn đề an ninh và khủng bố, mới đây, nhóm khủng bố Abu Sayyaf đã tuyên bố trung thành với Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và ngày càng hoành hành mạnh mẽ. Chúng từng hai lần công bố video chặt đầu con tin người Canada và dọa chặt đầu con tin người nước ngoài. Sau hơn 20 năm kể từ khi nhóm Abu Sayyaf thành lập, các Tổng thống Philippines đều hứa hẹn sẽ trấn áp, tiêu diệt nhóm này. Song, qua thời gian, tổ chức khủng bố vẫn là thách thức đối với các đời Tổng thống.

Trong ngày bầu cử, hơn 100.000 cảnh sát đã được triển khai đảm bảo an ninh vì e ngại xảy ra bạo lực. Suốt giai đoạn vận động tranh cử, Philippines đã chứng kiến nhiều vụ đụng độ khiến ít nhất 15 người thiệt mạng; hơn 4.000 người bị bắt. Ngày 7/5, một ứng viên chức Thị trưởng đã bị giết hại tại miền Nam Philippines. Ngay trong sáng hôm qua, tại thị trấn Rosario, tỉnh Cavite, nhiều tay súng không rõ danh tính ngồi trên xe jeep và hai chiếc xe máy đã xả súng bừa bãi xuống đường khiến 7 người thiệt mạng. Người ta nghi ngờ hành động này có liên quan tới bầu cử, bởi tỉnh Cavite từng được ban tổ chức bầu cử xác định là “khu vực đáng ngại” vì “không khí chính trị đối địch hầm hập tại đây”.

Đến 18h30 chiều qua, ứng viên Rodrigo Duterte đang dẫn đầu trong cuộc bầu cử Tổng thống khi nhận được 1,31 triệu phiếu bầu, gấp đôi người đứng thứ hai là Thượng nghị sĩ Grace Poe với 757.000 số phiếu bầu. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.