Tòa phán quyết Philippines thắng Trung Quốc trong vụ kiện Biển Đông |
Tòa Trọng tài tuyên bố, không có cơ sở pháp lý đối với yêu sách “đường lưỡi bò” (hay đường 9 đoạn) của Trung Quốc. Các tuyên bố của Trung Quốc đối với quyền lịch sử về "đường chín đoạn" ngược lại với Hiệp ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển.
Tuyên bố của Tòa nêu rõ, các tàu thuyền Trung Quốc đã gây ra rủi ro nghiêm trọng khi va chạm với tàu thuyền của Philippines tại bãi cạn Scabourough. Trung Quốc gây ra sự tổn hại vĩnh viễn và không thể đền bù đối với hệ sinh thái của các đá san hô tại Trường Sa.
Trung Quốc đã vi phạm các quyền chủ quyền của Philippines qua việc khai thác các nguồn tài nguyên gần Bãi cỏ rong (Reed Bank).
Hãng ABS-CBN thì cho biết, Tòa Trọng tài tuyên bố Philippines thắng kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.
Ngay sau khi phán quyết được công bố, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay cho biết, các chuyên gia đang nghiên cứu cẩn thận phán quyết. Ông Yasay kêu gọi các bên liên quan cần bình tĩnh và kiềm chế. Tòa Trọng tài tuyên bố, các hoạt động của Trung Quốc đã làm trầm trọng thêm tình hình trong quá trình giải quyết tranh chấp với Philippines.
Ngay sau khi PCA ra phán quyết, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết, Nhật Bản ủng hộ tầm quan trọng của phán quyết và việc sử dụng các biện pháp hoà bình, không sử dụng vũ lực hay đe doạ, ép buộc trong việc giải quyết các vấn đề tranh chấp hàng hải. Ngoại trưởng Nhật cũng khẳng định, phán quyết của Toà trọng tài về Biển Đông là cuối cùng và có tính ràng buộc về pháp lý và các bên liên quan cần phải tuân thủ.
PCA cũng phán quyết khẳng định thực thể Ba Bình (mà Trung Quốc và Đài Loan gọi là đảo Thái Bình) thuộc quần đảo Trường Sa là "bãi đá", vì vậy Ba Bình không thể có vùng đặc quyền kinh tế.
Xem thêm video Trung Quốc tập trận bắn đạn thật trên Biển Đông:
Phillipines kiện Trung Quốc lên Toà trọng tài Thường trực về vấn đề Biển Đông từ đầu năm 2013.
Cụ thể, Philippines kiện Trung Quốc 15 điểm, chia thành 4 nhóm nội dung chính:
1. Yêu cầu Tòa phủ nhận giá trị pháp lý đường lưỡi bò của Trung Quốc.
2. Yêu cầu Tòa làm rõ quy chế pháp lý của 9 thực thể mà Trung Quốc thường xuyên có hành động sách nhiễu xung quanh, là các “bãi cạn lúc nổi lúc chìm” (không có khả năng tạo ra vùng biển), hoặc “đảo đá” (chỉ có 12 hải lý lãnh hải, khác với “đảo” có thêm vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý).
3. Yêu cầu Tòa quyết định một số hoạt động gần đây của Trung Quốc trên biển Đông là vi phạm Công ước Luật Biển 1982 (UNCLOS) cũng như luật quốc tế nói chung về an toàn hàng hải, vi phạm nghĩa vụ bảo vệ môi trường biển và xâm phạm quyền lợi chính đáng của Philippines trên biển cả và vùng đặc quyền kinh tế Philippines.
4. Yêu cầu Tòa kết luận Trung Quốc không được có thêm các yêu sách và hoạt động bất hợp pháp khác trong tương lai. Trước đó, tháng 10/2015, PCA ra phán quyết có thẩm quyền với 7/15 điểm (phần lớn thuộc nhóm thứ 2); còn 8 vấn đề còn lại, trong đó có “đường lưỡi bò” sẽ được quyết định trong phán quyết cuối cùng.
VIỆT NAM CẦN LÀM GÌ SAU PHÁN QUYẾT CỦA TÒA VỀ BIỂN ĐÔNG? |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận