Điện ảnh

Phim lịch sử Việt, “khúc xương”... khó nhằn

27/08/2018, 06:59

Động đến thể loại phim này, nhiều đạo diễn thường nhăn mặt với “trăm thứ bà rằn” cần đến kinh phí.

22

Một cảnh trong phim “Tây Sơn hào kiệt”

Nhìn sang Diên hi công lược, Hậu cung Như ý truyện của Trung Quốc đang “làm mưa làm gió” tại thị trường Việt và châu Á, nhiều người trong nghề thở dài tiếc nuối.

Phim Tàu “làm mưa làm gió”, phim Việt lác đác người xem

Diên hi công lược đang là bộ phim truyền hình Trung Quốc gây xôn xao thị trường Việt Nam và châu Á. Bộ phim lấy bối cảnh nhà Thanh dưới sự trị vì của vua Càn Long, xoay quanh những ân oán, tranh giành, đấu đá chốn hậu cung. Phim chiếu online đã đạt 10 tỷ lượt xem, giúp thị phần phim chiếu mạng của đại lục tăng tới 15,13%, cao nhất năm 2018. Bộ phim do nhà sản xuất Vu Chính thực hiện với kinh phí hơn 1.000 tỷ đồng được yêu thích nhờ dàn diễn viên thực lực, trang phục bám sát lịch sử, hình ảnh, tạo hình nhân vật đẹp mắt cùng kịch bản chắc tay và cốt truyện hấp dẫn.

Sức hấp dẫn của Diên hi công lược lớn đến mức khi phim bị cắt sóng phiên bản online để chờ chiếu đồng bộ cùng đài HTV7, nhiều khán giả đã la ó, bất mãn. Không ít người còn tìm và chia sẻ những trang web phim lậu để có thể tiếp tục xem tiếp bộ phim thay vì chờ đợi bản chiếu trên truyền hình. Cộng đồng mạng còn truy tìm thông tin về các nhân vật trong thời Mãn Thanh của Trung Quốc để hiểu rõ hơn về bộ phim. Trước sự cuồng nhiệt của khán giả đối với dòng phim mang yếu tố lịch sử của Trung Quốc, không chỉ bây giờ mà từ nhiều năm trước khiến không ít người lắc đầu chua chát “Người Việt hiểu lịch sử Tàu hơn lịch sử ta”.

Nhìn lại nghệ thuật thứ 7 nước nhà, dòng phim mang yếu tố lịch sử, dã sử, chính sử đều chưa có nhiều phim thực sự nổi bật và tác động nhiều tới công chúng. Nếu như trước đây, có những phim mang yếu tố lịch sử gây được tiếng vang như: Đêm hội Long Trì (1989), Tây Sơn hào kiệt (2010), Thái sư Trần Thủ Độ (2010)… thì khoảng 5 năm nay, các đề tài này lại khá im hơi cả ở lãnh địa truyền hình và điện ảnh.

Khi trò chuyện với các nhà làm phim, nhiều ý kiến cho rằng: Phim lịch sử Việt mang tính tuyên truyền khô khan, cứng nhắc. Cạnh đó lại nhiều lỗi sai ngớ ngẩn, nên khán giả khó dung thứ. Có thể thấy, nhiều bộ phim mang yếu tố lịch sử của Việt Nam luôn gây tranh cãi về nội dung và chất lượng. Đó có lẽ là lý giải cho việc có phim chiếu rạp bán không nổi 1 vé dù kinh phí đầu tư lên tới 21 tỷ đồng như Sống cùng lịch sử (2014 - đạo diễn Nguyễn Thanh Vân). Hay phim truyền hình, có phim từng phải ngưng phát sóng giữa chừng vì chất lượng kém như Anh chàng vượt thời gian (2011).

Làm phim lịch sử, không “dễ nhằn”

Lịch sử vốn phức tạp, một sự kiện luôn có nhiều góc nhìn nên không phải ai cũng đủ trình độ, hiểu biết để hiểu hết về lịch sử. Đó cũng chính là lý do hầu hết các nhà làm phim đều “ngại” đụng vào đề tài này vì rất dễ bị săm soi. Đạo diễn Lý Quang Trung, Giám đốc Hãng phim truyền hình TP HCM chia sẻ, trước đây, hãng sản xuất khá nhiều phim truyền hình mang yếu tố lịch sử nhưng bây giờ tốc độ sản xuất và số lượng giảm đi nhiều vì nhiều lý do, trong đó có việc kinh phí khó khăn. Một phần khác, phim lịch sử khó làm vì có một số nguyên tắc phải tuân thủ theo lịch sử và cách thể hiện. “Phim lịch sử của Trung Quốc có thể gài đánh đấm hay nhiều thứ khác kiểu ăn khách, nhưng Việt Nam không được thế vì dễ bị bắt bẻ. Phim vẫn có nhiều khiếm khuyết khiến người xem cảm thấy giả, không hợp lý. Vấn đề này cả những hãng làm phim lớn, nhỏ đều mắc phải”, ông Trung bộc bạch.

Giải thích rõ hơn về sự bất hợp lý trong nhiều bộ phim lịch sử của Việt Nam, đạo diễn Lý Quang Trung cho hay, ở Việt Nam chưa có phim trường nên để quay một bộ phim lịch sử rất khó khăn. Vì không có điều kiện nên các nhà làm phim phải làm theo kiểu chắp vá, tìm bối cảnh ở nhiều nơi rồi ghép vào phim. Do đó, nội dung câu chuyện và bối cảnh diễn ra không ăn khớp. Phục trang thời xưa đến nay nhiều nhà sử học cũng chưa thống nhất nên khâu phục trang cũng hay gây tranh cãi vì mỗi người một quan điểm. Chưa kể, những người viết kịch bản cho dòng phim này không nhiều nên nguồn cung kịch bản cũng khan hiếm. Chỉ khi đặt hàng mới có người viết.

Ngoài ra, thực hiện một bộ phim lịch sử phải đầu tư kinh phí rất lớn. Thông thường, phim dạng đề tài này thường có kinh phí lớn gấp 3 lần một phim thông thường. Tây Sơn hào kiệt (2010) từng dự tính kinh phí khoảng 6 tỷ đồng nhưng khi làm, chi phí tăng lên 12 tỷ đồng. Thái sư Trần Thủ Độ dài 30 tập có kinh phí 57 tỷ đồng, Huyền sử Thiên Đô (42 tập, 60 tỷ đồng)… Diễn viên Lý Hùng lắc đầu, gia đình anh đã cố hết sức để hoàn thành được bộ phim Tây Sơn hào kiệt năm ấy.

Diễn viên Lý Hùng phân tích, đề tài lịch sử rất khó vì đã khô khan lại cần sự hoành tráng. Riêng việc thuê hàng nghìn con ngựa kèm theo những chủ nhân của ngựa trong mấy tháng trời, mỗi ngày trả lương 3 triệu đồng nên chi phí bị đội rất lớn. Ê-kíp cũng phải thuê hàng nghìn người vào vai binh lính để tạo sự hoành tráng cần thiết. Thêm vào đó, phim trường cũng không có nên việc phục dựng kinh thành cũng ngốn đáng kể phần kinh phí. Đoàn phim phải đi quay ở nhiều địa điểm như Đồng Nai, Đắk Lắk, Huế, Bình Định…

“Như Hàn Quốc, Trung Quốc được Nhà nước dựng nên những phim trường, cung đình phục vụ cho việc quay phim và kết hợp du lịch. Nhưng ở ta, như Cung đình Huế ai cho vào quay phim? Bởi thế, làm phim lịch sử có lẽ cần có sự chung tay của Nhà nước, chứ để các đơn vị tư nhân bỏ tiền ra cho dạng đề tài này thực sự rất khó”, Lý Hùng nhận định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.