Cảnh phim “Hiệp sĩ giữa đời thường” được phát trên SCTV |
Mảnh đất trước kia vốn được xem màu mỡ này đang khiến không ít nhà làm phim phía Nam ngao ngán vì đối thủ không cân sức là gameshow.
Gameshow “bá chủ” quảng cáo
Một thực tế mà phim truyền hình hiện nay gặp phải đó là bị các gameshow cạnh tranh. Bên cạnh đó, còn bị áp lực về quảng cáo và rating, không ít đơn vị sản xuất phim phải méo mặt trước chỉ tiêu đặt ra của một số kênh truyền hình. Đầu tư tiền tỉ nhưng khi phim phát sóng, nhà sản xuất vẫn lo nguy cơ trắng tay. Quy định này đã làm “nao núng” tinh thần không ít đơn vị mới làm phim suốt một thời gian dài. Khó có cửa để phim phát sóng trên các khung giờ vàng của HTV và VTV, các đơn vị mới làm phim nhắm vào các đài tỉnh, kênh truyền hình cáp nhưng rating trở thành “lưỡi hái tử thần” đối với họ.
Ông Phạm Văn Hải, Giám đốc Hãng phim Phú Hải cho biết, hiện nay một số đài truyền hình như: SCTV, Đài Vĩnh Long, HTV đều áp dụng rating quảng cáo, hoặc NSX cùng đài truyền hình tìm nguồn quảng cáo để trả tiền sản xuất phim. Chính vì việc làm phim truyền hình hiện nay rất khó khăn. Có nhiều người, hãng phim có hợp đồng sản xuất phim nhưng không dám sản xuất.
“Hiện nay, SCTV đưa ra mức rating, nếu trên mức rating đó mới trả tiền, dưới mức rating thì họ sẽ giảm dần số tiền trả phim. Cụ thể, rating trên 1,5 triệu lượt khán giả sẽ thanh toán 100%, dưới 1,5 triệu lượt thì thanh toán lùi dần. Từ 150 triệu đồng xuống 130 triệu đồng nếu rating 1 triệu lượt, nếu rating 0,8 triệu lượt có mức 100 triệu. Chính vì thế, rất nhiều NSX phim sau khi phát hành bị lỗ vì không đủ quảng cáo, không đảm bảo rating”.
Nhà biên kịch Huỳnh Anh Tuấn, tác giả bộ phim Cổng mặt trời cũng tiết lộ, hiện nay các bộ phim truyền hình rất khó kiếm được quảng cáo. Nguyên nhân chính là bị các gameshow truyền hình cạnh tranh.
“Bên cạnh chất lượng bộ phim kém, còn là lỗi của đài truyền hình. Có những kịch bản rất dở nhưng vẫn được qua, những đơn vị làm rất tốt vẫn phải chia lobby lớn khiến nhiều người rất nản”, ông Tuấn nói.
Nhà biên kịch này tiết lộ, nhà đài đẩy khó khăn cho phía nhà làm phim bắt hãng phim chạy quảng cáo để lấy sóng, mà thực tế không phải hãng phim nào cũng làm được điều đó. Do vậy, khả năng hoàn vốn của nhà sản xuất rất thấp. Đầu tư hàng tỉ đồng đến 6 tháng hoặc 1 năm sau mới thu lại được vốn.
“Trong TP HCM có 10 hãng phim, thì có khoảng ba hãng phim có khả năng hoàn tiền cho anh em làm phim, còn lại đều phải chịu hết. Người biên kịch chịu chung dây chuyền với các diễn viên, đạo diễn…”, tác giả phim Cổng mặt trời tiết lộ.
Một đạo diễn, NSX giấu tên tiết lộ, hiện nay, rating quyết định toàn bộ thành bại của phim truyền hình. Nếu rating không tốt các nhà sản xuất sẽ bị thiệt hại về doanh thu.
“Thị trường quảng cáo bây giờ đã nghiêng hết về phía các sân chơi truyền hình thực tế. Vậy nên cho dù có rating cao, phim Việt vẫn lép vế, thua trắng trên sóng truyền hình. Có những phim đạt mức chỉ số người xem rất khả quan nhưng vẫn không có quảng cáo. Đây là vấn đề nan giải”, anh nói.
Nhà làm phim năng lực yếu đối mặt nguy cơ… thanh trừng
Chất lượng phim trồi sụt, kịch bản yếu, khả năng thu hồi vốn khó khăn, nhiều nhà sản xuất chuyển hướng đầu tư vào chương trình giải trí, phim chiếu rạp...
“Làm phim truyền hình đầu tư 3 - 4 tỉ đồng, vật vã, vất vả ròng tháng mấy tháng mới xong một bộ phim. Nhiều khi còn bị lỗ. Trong khi chỉ đầu tư thêm đến 6 -7 tỉ đồng có phim chiếu rạp, chỉ cần làm một tháng chiếu ra biết lời biết lỗ”, nhà biên kịch Huỳnh Anh Tuấn nói.
Thời gian tới, Hãng phim Phú Hải sẽ chuyển sang làm các bộ phim chiếu rạp. Còn ông Trần Minh Tiến, Giám đốc Hãng phim Lasta, để có thể tồn tại được trên sóng truyền hình, cần phải tập trung nâng cao chất lượng phim. Ngoài ra, thời gian tới, Lasta sẽ đẩy phim Việt xuất ngoại nhiều hơn.
Tuy nhiên, theo các đạo diễn, giai đoạn này cũng là cơ hội thanh trừng những hãng sản xuất yếu bóng vía, không có thực lực, thiếu vốn không có tâm, có tài. Chỉ có những hãng sản xuất cứng tay, có tài yêu thực sự mới tồn tại được.
Đạo diễn Lê Minh cho rằng: “Bản thân tôi đang thấy phim truyền hình đang bão hòa, nội dung phim giống nhau, cảnh lặp đi lặp lại. Chính vì thế, giai đoạn này, sẽ trụ lại được những người có tài năng, cẩn thận được làm nghề ở lại. Muốn thoát khỏi chuyện này, phim truyền hình phải làm mới mình”.
Trong khi đó, theo đạo diễn Bùi Cường, chuyện áp rating cho phim truyền hình cũng là cần thiết, bởi hiện nay, có quá nhiều phim, nhiều bộ phim không có chất lượng khiến khán giả quay lưng. Chính vì thế buộc nhà sản xuất phải làm phim cho tốt, nâng cao chất lượng làm phim.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận