Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đau đáu vì đời sống của nữ công nhân quá thấp. |
Đó là những chia sẻ của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng khi cho ý kiến về báo cáo bình đẳng giới tại phiên họp thứ 14 của Uỷ ban TVQH, sáng 12/9.
Một trong những vấn đề rất nóng hiện nay được nhiều đại biểu nhắc đến là việc lao động nữ trên 35 tuổi bị sa thải và rất khó khăn trong tìm việc làm mới. Tuy nhiên, điều này thiếu vắng trong báo cáo của Chính phủ.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng báo cáo cần có điểm nhấn về vấn đề đang gây bức xúc xã hội, như việc 80% nữ trên 35 tuổi ở các khu công nghiệp phải tự nghỉ việc hoặc bị sa thải do cơ cấu lại lao động. Những người này lâm vào hoàn cảnh rất khó khăn, do tìm việc làm mới không dễ.
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho hay, qua tổng hợp báo cáo kiến nghị cử tri nhiều năm nay, một vấn đề khiến các cử tri và những người làm công tác dân nguyện đều rất băn khoăn là việc sa thải lao động nữ trên 35 tuổi.
“Lao động giản đơn, chỉ cần đào tạo 2 tuần là làm được việc, nên các doanh nghiệp muốn sử dụng lao động trẻ, ít thâm niên để không phải trả lương cao, nhưng lại có thể tận dụng sức lao động ở cường độ lớn. Thống kê năm 2016 cho thấy 80% trong 1,2 triệu lao động trên 35 tuổi thất nghiệp là phụ nữ, tức là có 960.000 chị em đang ở trong độ tuổi trụ cột của gia đình bị mất việc. Qua tiếp xúc với một số chị em, họ phản ánh sáng còn đi làm, chiều đã nhận quyết định sa thải, lý do không rõ ràng và không được quyền khiếu nại” – bà Hải cho biết.
Theo bà Hải, có 3 nguyên nhân khiến tình trạng này xảy ra, đó là: Hành lang pháp lý không rõ ràng. Honda một năm thay 40% lao động, vì lao động thâm niên thấp thì chi trả bảo hiểm ít, mọi chế độ ít. Đây là hiện tượng vắt chanh bỏ vỏ. Thứ hai, do việc thanh, kiểm tra chưa hiệu quả, chưa phát hiện, chưa xử phạt được những doanh nghiệp có hành vi này. Căn cứ pháp lý để xử lý cũng chưa có. Thứ ba là do trình độ năng lực hạn chế của người ký hợp đồng lao động, chưa nhận thức được về thỏa thuận các điều kiện khi sa thải.
Trưởng ban Công tác Đại biểu Trần Văn Túy cho rằng không chỉ vấn đề sa thải, mà lớn hơn là cuộc sống, điều kiện lao động, sinh hoạt, học tập của phụ nữ mới là đáng quan tâm. “Dù chưa thất nghiệp, nhưng chị em ở khu công nghiệp sống cảnh “nhiều không” - không gia đình; không sách báo, tivi; không học tập. Nếu chị em có điều kiện tốt, được học tập nâng cao trình độ thì sẽ kéo dài được thời gian lao động. Mà giả sử bị sai thải, người ta vẫn có điều kiện làm việc khác. Đề nghị phân tích sâu và có chính sách về vấn đề này”.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, công tác quản lý Nhà nước về bình đẳng giới vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, cần tập trung nghiên cứu, đề xuất giải quyết, đặc biệt cần sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền để nâng cao nhận thức, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo về bình đẳng giới. Tập trung quan tâm giải quyết vấn đề về chất lượng sống, môi trường sống của phụ nữ; dành nguồn kinh phí thỏa đáng cho công tác bình đẳng giới…
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng lưu ý trong thực hiện bình đẳng giới, cần đặc biệt quan tâm đến đối tượng là phụ nữ ở các khu công nghiệp, nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn…
“Tôi thấy đau đáu khi đời sống của nữ công nhân, nhất là lao động giản đơn, thu nhập, đời sống quá thấp, mà thấp như vậy còn ảnh hưởng cả tới nòi giống, chất lượng dân số, sức khỏe sinh sản…”, Phó Chủ tịch Quốc hội chia sẻ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận