Bạn cần biết

Phút đối mặt cứu nạn nhân TNGT bị nhiễm HIV

04/07/2017, 08:15

Chúng tôi chỉ định nhân viên y tế cẩn thận khi lau chùi các vết thương, để nạn nhân ở khu tách biệt.

15

Y, bác sĩ cứu chữa nạn nhân vụ TNGT tại Kon Tum

Tập trung cấp cứu nhanh nhất cho các nạn nhân

Nhớ lại vụ TNGT tại Kon Tum trưa 30/6, khiến 4 người tử vong và 10 người khác bị thương, BS. Lê Thị Thạc, Trưởng ca trực cấp cứu trong ngày xảy ra vụ TNGT cho biết: “Khi vừa nhận được điện thoại của lãnh đạo cũng là lúc xe tải của anh Tùng chở nạn nhân tới bệnh viện. Lúc đó, mọi người đều khẩn trương đưa nạn nhân về các vị trí thuận lợi để cấp cứu. Những trường hợp nặng, các bác sĩ phải thông dịch phổi, đặt nội khí quản, nhân viên y tế thì bóp bóng bơm oxy vào phổi để các nạn nhân thở. Các trường hợp khác, tùy theo tình trạng để cấp cứu như: Cố định các trường hợp gãy xương; Lấy các mảnh thủy tinh do kính vỡ đâm vào người và khâu lại các vết thương này... Vào thời điểm ấy chỉ chú ý sơ cấp cứu nhanh nhất cho các nạn nhân của vụ TNGT”.

Còn chị Hồ Thị Hoa, hộ lý Khoa Cấp cứu của Trung tâm Y tế Đắk Hà cho biết: “Vào thời điểm đó, do phải tập trung cấp cứu cho nhiều nạn nhân, nên mỗi người mỗi tay lo cho bệnh nhân. Sau khi các bệnh nhân được chuyển viện tuyến trên thì gần như kiệt sức. Hôm đó, tôi nhận được thông tin có nạn nhân bị HIV nên hết sức lo lắng. Hôm nay (3/7 - PV) tôi uống thuốc phơi nhiễm HIV, bị phản ứng phụ nên người rất mệt mỏi”.

16

 Các y, bác sỹ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum cấp cứu cho các nạn nhân

35 người uống thuốc phơi nhiễm HIV

Trao đổi với PV Báo Giao thông, BS. Nguyễn Hồ Định, Phó giám đốc Trung tâm Y tế Đắk Hà cho biết, sau khi tiếp nhận thông tin nạn nhân bị tử vong trong vụ TNGT là người bị nhiễm HIV, chúng tôi đã chỉ định các nhân viên y tế phải cẩn thận khi lau chùi các vết thương, để nạn nhân này ở khu vực tách biệt. “Ngoài ra, yêu cầu các nhân viên tuyệt đối giữ bí mật thông tin nạn nhân này nhiễm HIV (ARV). Trung tâm Y tế lúc đó cũng yêu cầu đưa xe cấp cứu chuyển nạn nhân này về gia đình”, ông Định cho hay.

Ngày 3/7, Ban ATGT tỉnh Kon Tum cho biết, đang chờ danh sách từ các cơ quan chức năng để làm tờ trình đề nghị UBND tỉnh Kon Tum khen thưởng đột xuất những tổ chức, cá nhân tham gia cứu người trong vụ TNGT giữa 2 xe ô tô khách trưa 30/6 trên đường Hồ Chí Minh (xã Đắk Hring, huyện Đắk Hà). Được biết, UBND xã Đắk Hring đã gửi danh sách đề nghị khen thưởng 9 trường hợp; Trung tâm Y tế huyện Đắk Hà cũng gửi danh sách đề nghị khen thưởng 27 trường hợp…

Chiều 3/7, BS. Nguyễn Văn Đôn, Trưởng phòng Khám chuyên khoa HIV/AIDS và điều trị nghiện chất, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh Kon Tum cho biết, tính đến chiều 3/7 có thêm 1 chiến sĩ công an tham gia khám nghiệm tử thi được cấp thuốc ARV, nâng tổng số lên 35 người. Theo BS. Đôn, ARV là loại thuốc chuyên khoa và có nhiều tác dụng phụ với các triệu chứng tùy thuộc từng người mà với các biểu hiện ra bên ngoài như: Mê sảng, nôn mửa, phát ban... Chính vì tác dụng phụ này, nên chỉ định uống buổi tối để những người điều trị giảm phần nào ảnh hưởng sức khỏe.

Cũng theo BS. Đôn, tính đến chiều 3/7, trung tâm đã làm xét nghiệm và cấp thuốc phơi nhiễm HIV cho 35 người tham gia cứu chữa nạn nhân trong vụ TNGT hôm 30/6. Tất cả các trường hợp xét nghiệp đều âm tính với HIV.

Tuy nhiên, BS. Lê Thị Thạc bày tỏ: “Tôi lo nhất là khi người dân cứu các nạn nhân, hết di chuyển nạn nhân này rồi lại tiếp tục các nạn nhân khác. Trong khi đó, các nạn nhân lại bị những vết thương hở chảy máu. Vậy, có khả năng xảy ra trường hợp người dân ôm người nhiễm HIV sau đó ôm vào các nạn nhân khác hay không?”. Trả lời băn khoăn này, BS. Nguyễn Văn Đôn cho biết, chưa nhận được phản hồi vấn đề này từ cơ quan chức năng, cũng như chưa biết được mức độ những người tham gia cứu chữa tiếp xúc với các nạn nhân này như thế nào. “Bây giờ (18h40 ngày 3/7 - PV) cũng đã qua thời gian chỉ định phải uống thuốc trước 72 giờ theo quy định”, ông Đôn nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.