Đó là những ký ức đau thương về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979 trong anh hùng LLVTND Triệu Quang Điện.
Ký ức những người anh hùng
Ngày 10/10/1978, chàng trai trẻ tuổi 20 dân tộc Nùng Triệu Quang Điện (thôn Thiện Hòa, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn) lên đường nhập ngũ vào lực lượng Công an nhân dân. Sau ba tháng huấn luyện tại tiểu đoàn Cảnh sát cơ động (lúc đó đóng ở xã Lê Lai, Thạch An, Cao Bằng), anh được biên chế về Đại đội 1, Tiểu đoàn Cảnh sát cơ động Công an tỉnh Cao Lạng (sau này tách ra thành Cao Bằng và Lạng Sơn) đóng quân tại thị trấn Đồng Đăng. Tình hình biên giới lúc đó rất phức tạp. Người Hoa ùn ùn kéo về cửa khẩu, tội phạm lộng hành.
Với nhiệm vụ trấn áp tội phạm, Triệu Quang Điện cùng các đồng đội gần như phải tuần tra ngày đêm, bám sát tình hình biên giới, sẵn sàng chiến đấu”. Tinh thần tập trung đến mức cả Đại đội 1 không nhớ thời khắc Tết Kỷ Mùi trôi qua chỉ khi có một đồng đội nói rằng “hôm nọ là 30 Tết”.
Trước tình thế cấp bách, ngày 4/3/1979, Ban chấp hành T.Ư Đảng ra lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước đứng lên bảo vệ Tổ quốc.
Sáng 5/3, chương trình phát thanh 90 phút thường ngày của Đài Tiếng nói Việt Nam phát bản tin đặc biệt kêu gọi: “Hỡi đồng bào và chiến sĩ yêu quý! Quân thù đang giày xéo non sông, đất nước ta. Độc lập, tự do, chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta đang bị xâm phạm. Hòa bình và ổn định ở Đông Nam châu Á đang bị đe dọa. Dân tộc Việt Nam ta phải ra sức chiến đấu để tự vệ... Toàn thể đồng bào các dân tộc anh em trong cả nước, các tôn giáo, các đảng phái, già, trẻ, gái, trai hãy phát huy truyền thống Diên Hồng, triệu người như một, nhất tề đứng lên bảo vệ Tổ quốc”.
H. Thu
4h sáng ngày 17/2, khi người dân vùng biên ải đang say giấc thì tiếng pháo nổ ran trời. Đại đội 1 bất ngờ nhưng không bị động, tất cả lập tức bật ngay dậy theo giao thông hào chiến đấu ra các vị trí phòng ngự như kế hoạch từ trước.
Bộ đội cùng công an vũ trang, cảnh sát cơ động lập tức hình thành một vành đai bảo vệ các tuyến đường 05, 06 để dân chạy về sơ tán tại pháo đài Đồng Đăng. Tiếng súng phản kích của quân và dân ta đã nổ ran. Lúc này, nhờ sự hỗ trợ của đồng đội, Triệu Quang Điện dùng súng trung liên xả vào toán địch, tiếng súng nhanh, gọn khiến nhiều tên bị quật ngã. “Cả bầu trời biên giới ầm ầm tiếng bom đạn, mùi khét lẹt của thuốc súng lẫn vào làn khói đen của các khu nhà dân bị địch bắn cháy trong nhiều tiếng đồng hồ. “Đến khoảng 10h sáng, toán quân gồm cả lính và xe tăng của Trung Quốc đổ bộ vào Lạng Sơn theo đường cửa khẩu. Lúc này, cuộc chiến như “chảo lửa”, ông Điện nhớ lại.
Sau 1 giờ chiến đấu, trước hỏa lực rát của địch, toàn bộ lực lượng của ông Điện được lệnh rút xuống hang Đền Mẫu. Trên đường rút quân, đại đội còn giúp gần 500 người dân sơ tán vào pháo đài Đồng Đăng để ẩn nấp an toàn.
Trước tình thế bị bao vây và tấn công liên tục từ ngoài cửa hang, có đồng đội của ông đã ngã xuống. Đêm tối ngày 17/2, ông Điện và một số đồng đội còn sống bí mật đột nhập thị trấn để lấy thực phẩm và nước uống mang vào hang phục vụ người dân. Thậm chí, họ còn phải lật xác của quân địch để cố tìm được những miếng lương khô còn vương lại để chu cấp cho bà con vì đã nhịn đói nhiều giờ, ẩn náu trong hang tối.
Ngày 18/2, địch tiếp tục bao vây. Trước sự hung hãn của quân địch, Triệu Quang Điện đưa ra kế sách tiết kiệm đạn để chuyển phương án tác chiến bắn tỉa. “Khoảng 11h trưa, tôi và các chiến sĩ nghĩ rằng, phải tính viên đạn nào cho địch, viên nào bảo vệ người dân. Đồng đội tôi có người hy sinh ngay trước cửa hang, lập tức có người khác cầm súng lên thế chỗ. Sau khi biết được phía Trung Quốc “dồn quân” tiến lên bằng việc “cấm lùi”, anh chuyển sang bắn tỉa sau lưng địch nên không bị phát hiện”, ông Điện kể.
Cho tới giờ, trong tâm trí của người lính năm xưa vẫn không quên thời khắc gần 500 người dân với 120 chiến sĩ cảnh sát cơ động cùng trú tại hang Đền Mẫu trong 3 ngày (từ sáng 17/2 đến ngày 19/2).
Quân Trung Quốc rất đông, hỏa lực mạnh, án ngữ nhiều nơi tấn công khiến một số đồng đội ông hy sinh ngay trước mặt. Nén nỗi đau, ông Bình, ông Điện cùng các chiến sĩ tiếp tục chiến đấu lợi dụng sơ hở của địch lúc đêm tối đưa đoàn người băng rừng men theo bờ suối ra QL1B rút về vùng hậu phương Văn Quan an toàn.
Sau cuộc giải cứu, Triệu Quang Điện đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì. Tiếp đó, đến ngày 13/8/1980, ông vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND vì đã lập được thành tích đặc biệt xuất sắc.
Sống giản dị trong một ngôi nhà nhỏ ở phố núi Bình Gia, Lạng Sơn, Anh hùng LLVTND Hoàng Văn Liên giờ đã luống tuổi với mái tóc bạc phơ. Ông là một trong hai người sống sót tại pháo đài Đồng Đăng, nấm mồ chung của gần 400 người cả dân thường và bộ đội Việt Nam.
Sáng sớm 17/2/1979, sau phiên tuần như thường lệ, ông thấy pháo từ phía Trung Quốc bắn sáng rực bầu trời, lính Trung Quốc ào sang. Ông cùng đồng đội chống trả nhưng sau đó đơn vị của ông hy sinh gần hết. Ông và 3 người nữa rút lên pháo đài Đồng Đăng, nơi có một đại đội biên phòng Việt Nam đang chiến đấu, và gần 300 người dân đang trú ẩn trong hầm.
“Lúc này, quân số Đại đội công an vũ trang Lạng Sơn có khoảng hơn 100 người cùng bộ đội chiến đấu. Cố gắng trấn giữ pháo đài Đồng Đăng nhưng với hỏa lực mạnh của Trung Quốc, chúng tôi chỉ giữ được vị trí được 5 ngày từ ngày 17 cho tới ngày 22/2/1979”, ông Liên kể lại.
Theo trí nhớ của ông Liên, sau khi dùng loa gọi quân ta đang cố thủ trong pháo đài Đồng Đăng đầu hàng bất thành, quân Trung Quốc dùng bộc phá tấn công. “Pháo đài có 3 cửa, một cửa đã bị lấp từ trước, 2 cửa còn lại bị lính Trung Quốc chiếm giữ. Đến ngày thứ 5, lính Trung Quốc thả bộc phá và khí ngạt vào hang khiến toàn bộ gần 400 người cả dân và quân thiệt mạng. Lúc này, tôi và đồng đội Chu Minh Sự cố gắng cào bới đất đá, tìm đường ra khỏi pháo đài, mất nhiều tiếng đồng hồ chúng tôi mới nhìn thấy ánh sáng. Lợi dụng đêm tối, chúng tôi chui ra khỏi hang và rút đi”.
Với chiến công diệt 34 tên giặc, bắn cháy một ô tô chở vũ khí của Trung Quốc, chiến đấu kiên cường bảo vệ người dân và chủ quyền lãnh thổ, ông Liên được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND.
Mãi còn hình ảnh người bạn nhà báo nước ngoài
Trong ký ức, người lính già Nông Văn Đuổng (SN 1942, TP Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn), thương binh hạng 2/4 vẫn thường xuyên cài lên ngực chiếc huy hiệu thương binh để đến thăm người bạn đặc biệt của ông ở Nghĩa trang liệt sỹ Hoàng Đồng (Lạng Sơn).
Người bạn đặc biệt của ông Đuổng là nhà báo Nhật Bản Isao Takano, người đã ngã xuống ở mảnh đất xứ Lạng trong lúc đang tác nghiệp, đưa tin về cuộc chiến tranh biên giới 1979 phi nghĩa của Trung Quốc tại Lạng Sơn, Việt Nam.
Sau khi thắp từng nén nhang cho các đồng đội, ông Đuổng tiến về phía tấm bia tưởng niệm có hình ngọn bút vươn trời đề tên “Đồng chí Isao Takano - Phóng viên báo Hakahata (Nhật Bản) đã hy sinh tại thị xã Lạng Sơn ngày 7/3/1979”.
Chạm tay vào bia tưởng niệm, ông Đuổng nhớ lại: “Thị xã Lạng Sơn sau khi quân Trung Quốc rút đi chỉ còn đống đổ nát. Một cái cây cũng không thể đứng vững, từ móng nhà đến cột điện, cây cối bị gắn bộc phá đánh tan hết. Tôi nhận nhiệm vụ đưa đoàn nhà báo quốc tế và trong nước đi thực tế sau khi quân Trung Quốc rút đi. Lần đầu tiên tôi gặp anh Takano ở Km 8 Quảng Lạc”.
“Sau khi được Chính ủy mặt trận thị xã Lạng Sơn Triệu Việt Vương đồng ý, hai nhà báo gồm ông Takano và Nakamura, một người phiên dịch tên Thanh được đi sâu vào trận địa. Tôi nhận nhiệm vụ dẫn đoàn quay phim, chụp ảnh. Lúc này, tôi cũng nhận 1 khẩu AK với 350 viên đạn, 5 quả lựu đạn, 1 khẩu K54, 1 bình tông nước để tháp tùng đoàn. Khi đi đến Km4 thì bị pháo Trung Quốc từ Chi Mạc, xã Hoàng Đồng bắn dồn dập buộc chúng tôi phải ra khỏi xe để tránh pháo. Có quả nổ cách chúng tôi chưa đầy 30m, mảnh đạn bay vù vù.
Chiều 7/3, hai xe UAZ chở đoàn nhà báo đi vào thị xã Lạng Sơn. Hai bên đường trâu bò heo gà chết ngổn ngang, người dân thị xã hầu hết đã được sơ tán về Đồng Mỏ (Chi Lăng, Lạng Sơn). Khoảng 15h30, xe dừng lại trước một biệt thự đổ nát. Từ biệt thự nhìn sang bên kia sông là khoảng không mênh mông, không có cây cối che phủ, không có hầm hào, hố công sự.
“Bỗng dưng một loạt đạn vang lên. Đại liên bên kia sông Kỳ Cùng bắn sang như mưa. Mọi người đều vội vàng tìm chỗ tránh, chiếc xe bị bắn tơi tả. Tôi dùng một khẩu AK bắn trả. Lúc này, nhà báo Takano đã được đưa vào trong tường nhà đổ trú ẩn an toàn nhưng khi thấy tôi vẫn tiếp tục bắn nhau với địch, anh ấy lại lao lên chụp ảnh thì bị trúng đạn vào trán trái. Tôi nghe thấy tiếng ngã mạnh về phía sau, Takano đã không nói được lời nào nữa, anh ấy đã hy sinh anh dũng. Phải một lúc sau, khi đạn ngớt tôi mới kéo được Takano xuống mương. Phải đến gần nửa đêm hôm đó thi thể Takano mới được đưa ra khỏi khu vực bom đạn vì cuộc đấu súng còn kéo dài đến sau 17h. Tay tôi cũng bị thương vì một viên đạn xuyên qua”, ông Đuổng nghẹn ngào nói.
Ông Đuổng cho biết, ngày 8/3/1979, xe của mặt trận vào đón thi hài Takano ra Km16 đưa về Hà Nội.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận