Quản lý

Quảng Nam: 20 năm “chuyển mình” mạnh mẽ

26/03/2017, 18:24

Chỉ sau 2 thập kỷ, diện mạo hạ tầng giao thông Quảng Nam đã chuyển mình, khởi sắc.

34

QL1 đoạn cửa ngõ phía Bắc TP Tam Kỳ khang trang, hiện đại - Ảnh: Tấn Việt

GTVT “đi trước mở đường”, tạo tiền đề phát triển KT-XH nên ngay sau ngày tách tỉnh, ngành GTVT Quảng Nam triển khai giải pháp hình hài diện mạo hạ tầng giao thông tiện ích, hiện đại với mục tiêu đảm bảo tiếp cận nhanh chóng, an toàn và hiệu quả.

Nhìn lại 20 năm trước (từ năm 1997), việc lưu thông đến các huyện miền núi trên địa bàn cực kỳ khó khăn. Vận tốc di chuyển trung bình các phương tiện chưa đến 20km/h. Mùa mưa, hàng loạt địa bàn, tuyến đường bị ách tắc, cô lập. Thống kê, năm 1997, tỉnh có 886km quốc lộ và đường tỉnh. Trong đó, chỉ có 284km là đường nhựa (chiếm 32%). Ngay tuyến QL1 huyết mạch mới có tiêu chuẩn cấp IV, rộng 9m.

Nhưng chỉ sau 2 thập kỷ, diện mạo hạ tầng giao thông chuyển mình, khởi sắc. Vận tốc di chuyển được nâng lên trên 60km/h, các sự cố mưa lũ được khắc phục nhanh chóng, các xã đều có đường ô tô đến trung tâm. Đến nay, toàn tỉnh có gần 1.000km quốc lộ và đường tỉnh được nhựa hóa 100%, tiêu chuẩn tối thiểu cấp V, phổ biến đạt cấp IV, nhiều tuyến đạt tiêu chuẩn cấp II, cấp III. Các bến phà, đò ngang được thay thế bằng công trình cầu hiện đại, kiên cố, trong đó có các cầu lớn “nối những bờ vui” như: Cửa Đại, Giao Thủy, Gò Nổi, Trường Giang... xóa bỏ chia cắt giữa các địa phương.

Theo ông Đinh Văn Đào, Cục trưởng Cục Thống kê Quảng Nam, 20 năm qua, hệ thống giao thông tỉnh phát triển toàn diện, các đường trục chính được phát triển và nâng cấp như: Tuyến đường Hồ Chí Minh (172km); Tuyến đường bộ ven biển 129 và cầu Cửa Đại thông tuyến từ Cửa Đại - Núi Thành (42,8km), hoàn thành mở rộng, nâng cấp QL1; Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi chuẩn bị thông tuyến; Đường Trường Sơn Đông đã hoàn thành nhiều đoạn. Đường trục ngang, ngoài QL14B, 14D, 14E còn phát triển thêm 3 tuyến là QL14G (ĐT604), QL40B (ĐT616 và Nam Quảng Nam), QL24C (Trà My - Trà Bồng) dài 205km… Hệ thống tỉnh lộ được mở rộng, đường huyện phát triển thêm 98 tuyến với chiều dài 997km, nâng tổng số lên 227 tuyến/1.998km; Tỷ lệ đường nhựa và bê tông xi măng lên hơn 70%. Đề án phát triển GTNT giai đoạn 2010-2015 được triển khai, hoàn thành với 1.552km đường GTNT được bê tông hóa, đưa tỷ lệ đường GTNT được bê tông hóa từ 49% lên 67,3% (4.318km)…

Thu Hồng

Hệ thống đường huyện, giao thông nông thôn cũng có sự đổi thay bất ngờ. Những tuyến đường đất “nắng bụi, mưa lầy” được nâng cấp. Gần 5.500/8.558km chiều dài đường huyện, giao thông nông thôn (GTNT) đã được bê tông xi măng và nhựa hóa (đạt tỷ lệ 64%); Khu vực đồng bằng hầu như không còn tuyến đường bị lầy, lội về mùa mưa. GTNT đã vươn đến các đồng ruộng, khu sản xuất, là “thời cơ” để giao thông nội đồng hình thành kết nối, bước đầu cứng hóa 571km phục vụ đắc lực cơ giới hóa nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, hạ tầng đường thủy, cảng biển, đường sắt, ga hàng không Chu Lai chuyển mục đích khai thác dân sự với nhiều đường bay, đưa tuyến vận tải thủy nội địa Hội An - Cù Lao Chàm vào quản lý khai thác...

Phát huy những thành tựu này, trên cơ sở Nghị quyết số 08-NQ/TU về phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiệu quả, đưa tỉnh Quảng Nam cơ bản thành tỉnh công nghiệp vào năm 2020, ngành GTVT tỉnh tập trung các giải pháp định hướng phát triển GTVT đến năm 2020. Theo đó, Quảng Nam huy động các nguồn lực, nguồn vốn đầu tư tiếp tục xúc tiến, triển khai dự án đường ven biển đoạn Tam Kỳ - Núi Thành, hoàn thành đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đường Trường Sơn Đông và cầu Giao Thủy để hình thành hệ thống đường trục chính qua địa bàn. Bên cạnh đó, tỉnh đặt ra mục tiêu tăng cường kết nối hệ thống giao thông quốc gia với hệ thống đường bộ liên vùng ASEAN thông qua hành lang QL14B, QL14D để kết nối với nước bạn Lào và vùng Đông Bắc của Thái Lan. Quảng Nam sẽ từng bước đầu tư mở rộng, nâng cấp các tuyến đường tỉnh có lưu lượng lớn, hay mặt đường nhỏ hẹp. Một số tuyến đường huyện sẽ chuyển thành đường tỉnh để nâng cấp, cải tạo nhằm tạo sự liên thông giữa các khu vực trong tỉnh.

Các tuyến giao thông chính tại đô thị Tam Kỳ, Hội An, Điện Bàn, các trung tâm huyện, Khu kinh tế mở Chu Lai, Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc được tiếp tục chỉnh trang, khớp nối. Ngành rất chú trọng khai thác hiệu quả các tuyến đường thủy nội địa, hạ tầng cảng Kỳ Hà - Tam Hiệp, sân bay Chu Lai. Xúc tiến nạo vét các tuyến sông Cổ Cò, Trường Giang để phát triển đường thủy nội địa kết hợp tăng cường thoát lũ, phát triển du lịch, cải thiện môi trường và phát huy tiềm năng đất đai hai bên bờ sông. Kết nối các hình thức vận tải đường bộ, đường thủy nội địa và đường biển, phát triển các trung tâm logistics; Thúc đẩy vận tải công cộng nhằm giảm dần phương tiện cá nhân; Thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để kiềm chế, kéo giảm TNGT, hướng đến môi trường giao thông an toàn.

Giám đốc Sở GTVT Quảng Nam

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.