Khoảng 50 triệu cử tri Thái Lan tham gia vào cuộc trưng cầu ý dân |
Hôm nay (10/8), Ủy ban Bầu cử Thái Lan công bố kết quả chính thức cuộc trưng cầu ý dân về bản dự thảo Hiến pháp mới. Việc công bố này gần như chỉ mang tính hình thức; Trong khi có nhiều quan ngại về bản dự thảo này.
Dọn đường cho quân đội
Với 94% số phiếu được kiểm, có tới 61,45% cử tri ủng hộ, 38,55% phản đối. Về câu hỏi thứ hai liên quan đến việc chỉ định Thượng viện có quyền tham gia bầu Thủ tướng, 58% số phiếu chấp nhận và 42% số phiếu phản đối điều này.
Đa số cử tri ủng hộ dự thảo vì họ mong muốn ổn định tình hình đất nước, không xảy ra thêm những biến cố chính trị. Người dân dường như vẫn e ngại việc tái diễn các bất ổn như trước cuộc đảo chính năm 2014. Do đó, họ chấp nhận Chính phủ do quân đội lãnh đạo và trao cho quân đội vai trò thành lập Chính phủ mới. Bên cạnh đó, nhà phân tích chính trị Thái Lan Siridej Sa-nguankul cho rằng, so với các nền dân chủ trước kia, người dân không thấy một Chính phủ dân sự điều hành và quản lý tốt, khiến tình hình rối ren. Nhưng giờ đây, đất nước hòa bình và yên ổn.
Tuy nhiên, những người phản đối cho rằng, dự thảo Hiến pháp dọn đường cho quân đội tiếp tục nắm quyền sau bầu cử dân sự. Bản dự thảo đưa ra sự điều chỉnh quan trọng chưa từng có đối với ba mảng lớn là cơ quan lập pháp, cơ cấu chính trị và quyền hạn tư pháp ở Thái Lan.
Về cơ quan lập pháp, việc bầu Thượng nghị sĩ chuyển từ kết hợp giữa cử tri bầu với tổ chức độc lập đề cử trước đây sang hoàn toàn do quân đội đề cử. Sự thay đổi này thực chất là mở đường cho quân đội tham gia chính trường khiến Thượng viện trở thành “cơ quan đại diện” của quân đội trong Quốc hội.
Về cơ cấu chính trị, việc bầu Thủ tướng có thể do Thượng viện đề cử người không phải là Nghị sĩ hay không tham gia đảng phái nào. Như vậy, trên thực tế, việc bầu Thủ tướng sẽ tách rời kết quả bầu cử Quốc hội. Dù đảng phái nào đó giành được thắng lợi, nhưng nhân sự Thủ tướng do họ đề cử cũng có thể bị Thượng viện bác bỏ.
Về quyền hạn tư pháp, Tòa án Hiến pháp được tăng thêm quyền tài phán, theo đó, có thể trực tiếp xét xử các chính khách tình nghi tham nhũng. Tuy nhiên, nếu bị một phe phái nào đó kiểm soát, Tòa án Hiến pháp rất có thể trở thành công cụ chính trị dùng để kiềm chế các phe phái khác.
Chấp nhận nhưng vẫn đấu tranh
Dư luận quốc tế cũng bày tỏ lo ngại về dự thảo hiến pháp mới của Thái Lan. Liên minh châu Âu (EU) kêu gọi Chính phủ Thái Lan tạo điều kiện cho quá trình chuyển tiếp thực sự sang nền dân chủ. Trong đó, người dân được phép tham gia các cuộc tranh luận tự do và cởi mở trước thềm cuộc tổng tuyển cử sắp tới. Theo EU, các hạn chế hiện tại đối với quyền tự do bày tỏ quan điểm và tụ họp cần phải được dỡ bỏ để có được một tiến trình chính trị cởi mở, quy tụ mọi tầng lớp nhân dân và đáng tin cậy. Tất cả các lực lượng liên quan cần được tham gia vào cuộc đối thoại và hợp tác một cách hòa bình để tiến tới mục tiêu tiến hành tổng tuyển cử.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Elizabeth Trudeau cũng bày tỏ những quan ngại khi cho biết: “Chúng tôi kêu gọi nhà cầm quyền Thái Lan tiến hành bước tiếp theo là trao lại quyền lực cho một Chính phủ dân sự được người dân bầu lên càng sớm càng tốt. Chúng tôi khẩn thiết kêu gọi dỡ bỏ các hạn chế về quyền tự do dân sự trong đó có quyền tự do ngôn luận, quyền tụ họp một cách hòa bình”.
Theo các nhà phân tích, Bản hiến pháp mới của Thái Lan không có được tính chính danh do người dân đã không được tự do thảo luận về nó trước cuộc bỏ phiếu. Và nó sẽ chỉ tạo ra các xung đột chính trị mới.
Các phe đối lập tại Thái Lan dù đã chấp nhận kết quả trưng cầu ý dân, nhưng cũng tuyên bố sẽ không từ bỏ việc đấu tranh để nền dân chủ được khôi phục hoàn toàn. Quyền lãnh đạo của đảng Vì nước Thái Gen Viroj Pao-in cho biết, kết quả trưng cầu dân ý được dự báo từ trước và có vài lý do để nó được thông qua một cách thành công. Trong khi đó, lãnh đạo Mặt trận Dân chủ chống độc tài hay còn gọi là phe Áo Đỏ cho biết, họ tôn trọng quyết định của đa số. Tuy nhiên, đảng này cảnh báo rằng, hiến pháp mới một khi được ban hành có thể dẫn đến xung đột chính trị lớn trong tương lai.
Hôm qua, Thủ tướng Prayuth Chan-ocha - cựu Tư lệnh lục quân Thái Lan, thông báo sẽ tổ chức tổng tuyển cử vào tháng 11/2017, căn cứ vào hiến pháp mới được thông qua, theo đó sẽ đảm bảo sự kiểm soát của quân đội đối với Chính phủ mới.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận