Đến tối 25/12, giới chức Nga xác nhận không còn ai sống sót. |
Giáng sinh 2016 là ngày buồn với nước Nga khi máy bay quân sự TU-154 chở 92 người rơi ngoài khơi TP Sochi, sau khi cất cánh từ sân bay được 7 phút. Mảnh vỡ máy bay được phát hiện tại vị trí cách bờ biển Sochi 1,5km, ở độ sâu 50-70m.
Chiếc máy bay gặp nạn khi đang chở 64 thành viên đoàn quân nhạc Alexandrov Ensemble tới Syria để biểu diễn chương trình nghệ thuật mừng năm mới phục vụ các binh sỹ Nga hoạt động tại Syria, dự định tổ chức tại căn cứ quân sự Hmeimim.
Trong danh sách hành khách có tên Cục trưởng Cục Văn hóa Bộ Quốc phòng Anton Gubankov và Valerry Khalilov, lãnh đạo đoàn nghệ thuật Aleksandrov; gần như toàn bộ đội hợp xướng của đoàn nghệ thuật Aleksandrov; bà Valerry Khalilov, ủy viên Hội đồng Phát triển xã hội dân sự và quyền con người trực thuộc Tổng thống Nga. Ngoài ra, còn có 9 nhà báo, nhân viên quay phim đến từ nhiều hãng thông tấn của Nga; hai quan chức khác và 8 quân nhân.
Xem thêm video:
Giới chức Nga đã điều hơn 3.000 người, 27 tàu, 37 thợ lặn, 4 trực thăng và các phương tiện ngầm được huy động tham gia cứu hộ cứu nạn. Đến 19h tối qua, Bộ Quốc phòng Nga xác nhận không còn ai sống sót và Đội cứu hộ mới vớt được 12 thi thể nạn nhân, theo Tass.
Trên máy bay còn có bác sĩ Yelizaveta Glinka, người từng được trao tặng nhiều giải thưởng vì sự nghiệp nhân đạo bao gồm các nhiệm vụ bà từng thực hiện tại các khu vực chiến tranh miền Đông Ukraine và Syria. Tổ chức Fair Help của bà Glinka đang phối hợp vận chuyển thuốc cho các bệnh viện tại Syria. Là người hoạt động tại các khu vực chiến sự, bà xác định rõ tâm lý sống chết là vô thường. “Chúng tôi không bao giờ dám chắc sẽ sống sót quay trở về. Nhưng chúng tôi dám chắc về lòng nhân đạo, niềm đam mê và thiện nguyện còn mạnh hơn bất cứ thứ vũ khí nào”, bà Glinka phát biểu tại lễ Tổng thống Putin trao thưởng cho bà về hoạt động nhân đạo tại Điện Kremlin ngày 8/12 vừa qua.
Ngay sau khi biết tin vụ tai nạn, Tổng thống Nga Vladimir Putin gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình các nạn nhân và chỉ đạo Thủ tướng Dmitry Medvedev dẫn đầu Ủy ban Quốc gia để điều tra nguyên nhân vụ tai nạn. Ông Putin cũng thông báo, hôm nay (26/12) là ngày quốc tang để tưởng niệm các nạn nhân.
Cơ quan Liên bang về việc làm và lao động Nga đã cử đại diện tới Sochi để theo sát diễn biến vụ việc và cho biết, gia đình các nạn nhân sẽ sớm nhận được các khoản thanh toán bảo hiểm. Theo Hiệp hội Bảo hiểm Nga, tiền bảo hiểm tối đa trong vụ tai nạn đối với các quân nhân là 7,8 triệu ruble (128 nghìn USD/người), đối với các công dân bình thường là 3 triệu ruble (49 nghìn USD)/người.
Điều tra hình sự
Về nguyên nhân vụ tai nạn, hiện nay, Ủy ban Điều tra Nga đang điều tra hình sự và tiến hành thẩm vấn những người làm công tác chuẩn bị bay. Chủ tịch Ủy ban về Quốc phòng và an ninh thuộc Hội đồng Liên bang Nga Viktor Ozerov loại trừ khả năng đây là vụ tấn công khủng bố.
Giới chức Nga hoài nghi nhiều khả năng nguyên nhân vụ tai nạn là do lỗi kỹ thuật hoặc lỗi của phi công. “Máy bay đã phải quay đầu sau khi đi qua vùng biển, có lẽ đã bay sai hướng”, ông Viktor Ozerov cho biết.
Đến tối 25/12, giới chức Nga xác nhận không còn ai sống sót trong vụ tai nạn máy bay. |
Cùng ngày, truyền thông Nga cũng phát một đoạn ghi âm được cho là hội thoại giữa nhân viên kiểm soát không lưu và phi công máy bay. Đoạn ghi âm cho thấy, phi hành đoàn không gặp bất cứ khó khăn nào. Giọng nói của cả hai bên đều bình tĩnh cho đến khi máy bay đột ngột biến mất và nhân viên kiểm soát không lưu vội vàng kết nối lại liên lạc.
Chiếc máy bay xấu số cũng không phát tín hiệu SOS khi gặp nạn. Điều kiện thời tiết tại khu vực máy bay gặp nạn cũng rất lý tưởng.
Lịch sử đau thương
Chiếc Tupolev TU-154 gặp nạn là máy bay vận tải tầm trung, ba động cơ được thiết kế từ những năm 60 của thập kỷ trước. Máy bay có thể chở tới 180 hành khách, tùy phiên bản. TU-154 từng vướng vào rất nhiều vụ tai nạn thương tâm, hầu hết vì lỗi phi công hoặc lỗi bảo trì. Kể từ năm 1968 xảy ra 39 vụ tai nạn đối với dòng máy bay này.
Một trong những vụ tai nạn đáng chú ý nhất xảy ra vào năm 2010 gần Smolensk, Nga khi chiếc TU-154M của Không quân Ba Lan gặp nạn do thời tiết, khiến toàn bộ 96 người trên máy bay thiệt mạng, trong đó có cả Tổng thống Ba Lan Lech Kaczynski.
Năm 2001, một chiếc TU-154 do Hãng hàng không Siberia vận hành đã bị bắn hạ trên Biển Đen khiến 78 người thiệt mạng. Vụ tai nạn xảy ra khi máy bay trên hành trình từ Tel Aviv, Israel tới Novosibirsk, Nga. Hầu hết hành khách đều là người Israel. Quân đội Ukraine ban đầu chối bỏ liên quan nhưng sau đó giới chức nước này thừa nhận vô tình bắn hạ chiếc máy bay trong một cuộc tập trận.
Có khoảng 50 máy bay loại này đang hoạt động trên khắp thế giới, trong đó Không quân Nga sở hữu số lượng nhiều nhất. Về chiếc máy bay gặp nạn, đây là máy bay TU-154B-2, số hiệu đăng ký RA-85572, có thể chở tới 180 người, được đưa vào hoạt động từ năm 1983 và đã có hơn 6.600 giờ bay.
Bộ Quốc phòng Nga khẳng định, chuyến bay do một phi công dày dặn kinh nghiệm điều khiển - Phi công bậc một Roman Volkov, 33 tuổi, có hơn 3.000 giờ bay điều khiển và chiếc máy bay này vừa bảo trì thường niên hồi tháng 9 vừa rồi.
Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận