Việc dỡ bỏ điều kiện kinh doanh xếp dỡ hàng hóa tại ga sẽ thu hút nhiều doanh nghiệp cạnh tranh, tạo động lực phát triển - Ảnh: K.Linh |
Doanh nghiệp đường sắt bớt phải “chạy vạy” vì giấy phép con
Là doanh nghiệp dịch vụ vận tải, tham gia làm vận tải logistics đường sắt, ông Nguyễn Văn Vinh, Phó giám đốc Công ty CP Dịch vụ vận tải đường sắt Hải Phòng cho biết, ngay từ khi bắt đầu thành lập, công ty đã phải “chạy vạy” nhiều giấy phép con để đáp ứng các điều kiện kinh doanh theo quy định. Trong quá trình hoạt động, tiếp tục phải lo các điều kiện về trang thiết bị, thủ tục giấy tờ khác khi muốn bổ sung chức năng kinh doanh hay đầu tư phương tiện. Đặc biệt, một số lĩnh vực kinh doanh đường sắt đòi hỏi khá nhiều điều kiện.
“Ngoài lĩnh vực dịch vụ vận tải đường sắt, công ty chúng tôi làm đa ngành nên việc đáp ứng các điều kiện kinh doanh đó không phải là rào cản lớn. Nhưng đối với các đơn vị trực tiếp làm vận tải hay đại lý vận tải nhỏ thì thực sự khó khăn, các điều kiện này như trói buộc họ, khó mà đầu tư, phát triển kinh doanh ở lĩnh vực đường sắt”, ông Vinh nói.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Huy Hiền, Phó cục trưởng Cục Đường sắt VN thẳng thắn nhìn nhận, các quy định về điều kiện kinh doanh lĩnh vực đường sắt hiện khá nhiều. Theo Luật Đường sắt 2005 và Nghị định 14/2005, lĩnh vực này có 8 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, với 45 điều kiện kinh doanh. Một số ngành nghề có điều kiện kinh doanh ngặt nghèo như: Kinh doanh xếp, dỡ hàng hóa tại ga, bãi hàng có đường sắt gồm 6 điều kiện; Kinh doanh lưu kho, bảo quản hàng hóa tại ga đường sắt gồm 5 điều kiện… Vì vậy, Luật Đường sắt 2017 quy định chỉ còn 3 ngành nghề kinh doanh có điều kiện là kinh doanh vận tải đường sắt, kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt và kinh doanh vận tải đường sắt đô thị. Đối với 3 ngành nghề này, Bộ GTVT quyết định cắt giảm bớt 19/26 (73,08%) điều kiện kinh doanh.
Ông Đoàn Duy Hoạch, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN cho rằng, việc cắt giảm điều kiện kinh doanh này sẽ tạo điều kiện để thu hút doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân đầu tư, kinh doanh vào lĩnh vực đường sắt do điều kiện kinh doanh đơn giản, rõ ràng và thông thoáng hơn.
Theo ông Hoạch, về điều kiện chung, trước đây theo Nghị định 14/2015, doanh nghiệp phải có đủ ba điều kiện gồm: Có quyết định thành lập doanh nghiệp; có giấy phép kinh doanh; có trang, thiết bị phù hợp với ngành nghề kinh doanh. Cả ba điều kiện này sẽ được gỡ bỏ, bởi điều kiện 1 và 2 đã được quy định tại Luật Doanh nghiệp; đặc biệt điều kiện 3 sẽ được loại bỏ do không có tính định lượng rõ ràng.
Với điều kiện về năng lực sản xuất của doanh nghiệp, sẽ bỏ các điều kiện về chứng chỉ an toàn của nhân viên, phương tiện, thiết bị, bảo hiểm, hợp đồng điều hành. Các điều kiện này được dỡ bỏ sẽ giúp doanh nghiệp loại bỏ các giấy phép con và các điều kiện theo dạng “con gà - quả trứng”.
Chặn giấy phép con trong kinh doanh vận tải thủy
Từ đầu năm 2018 đến nay, bến đò ngang Tự Nhiên trên sông Hồng (xã Tự Nhiên, Thường Tín, Hà Nội) đang hoạt động bình thường bỗng dưng không được đưa, đón khách sang bến thuộc tỉnh Hưng Yên cho dù có giấy phép mở bến, phương tiện, người lái đáp ứng quy định của Luật Giao thông ĐTNĐ. Nguyên nhân chỉ vì trong giấy phép hoạt động bến (do Sở GTVT Hà Nội cấp) không ghi tên bến đò đối lưu. Vì vậy, Sở GTVT Hưng Yên yêu cầu bến đò thuộc bờ Hưng Yên không được tiếp nhận đò của bến Tự Nhiên.
"Việc cắt giảm điều kiện kinh doanh sẽ tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp đang kinh doanh có nguồn gốc là doanh nghiệp Nhà nước như các công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội, Sài Gòn, các công ty CP đường sắt… và các doanh nghiệp mới là trong và ngoài nước. Từ đó, thu hút nguồn vốn xã hội hóa đầu tư vào đường sắt cả trong lĩnh vực hạ tầng và vận tải”. Ông Đoàn Duy Hoạch “Những người làm vận tải thủy rất hoan nghênh việc cắt bỏ, sửa các điều kiện kinh doanh không có lợi cho vận tải đường thủy. Xóa bỏ các điều kiện kinh doanh bất hợp lý cũng chính là góp phần kéo giảm chi phí vận tải thủy, ngăn chặn nhũng nhiễu, tiêu cực”. Ông Trần Đỗ Liêm |
Phải dừng hoạt động đò, chủ bến chỉ còn biết gửi đơn cầu cứu đến Cục ĐTNĐ Việt Nam đề nghị giúp đỡ. Ngày 4/5, ông Trần Văn Gác, chủ bến đò ngang Tự Nhiên cho biết, cách đây hơn 10 ngày, Sở GTVT Hà Nội và Sở GTVT Hưng Yên đã tổ chức họp với các chủ đò, chính quyền các xã có bến đò để giải quyết vấn đề trên, nhưng không đưa ra quyết định để đò được hoạt động trở lại ngay mà cho các chủ đò, chính quyền xã tự giải quyết.
“Đến giờ, bến đò của chúng tôi vẫn không được chở khách. Sau cuộc họp, các cơ quan chức năng cho tôi thời hạn một tháng để tự thỏa thuận với bến đò bên cạnh, để cùng chở khách sang bến phía Hưng Yên”, ông Gác nói và nhận định tình hình sẽ khó khăn.
Theo tìm hiểu của PV, chủ đò cũng khó đổ lỗi cho cơ quan quản lý vì một trong các điều kiện kinh doanh vận tải khách ngang sông hiện hành có quy định khá cảm tính: “Đơn vị kinh doanh phải được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận vận tải hành khách ngang sông theo quy định”. Đây cũng là lý do khiến Cục ĐTNĐ Việt Nam mới đây đề xuất cắt bỏ hàng loạt điều kiện kinh doanh vận tải đường thủy, trong đó có điều kiện trên. Từ thực tế của mình, ông chủ đò bến Tự Nhiên cho biết, rất đồng thuận với việc cắt bỏ các điều kiện, yêu cầu kinh doanh vận tải đường thủy gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp và để tạo sự quản lý minh bạch, công bằng.
Liên quan đến việc đề xuất xóa bỏ các điều kiện kinh doanh, Cục ĐTNĐ Việt Nam cho biết, đã đề xuất Bộ GTVT cắt bỏ 23/32 điều kiện kinh doanh vận tải ĐTNĐ, trong tất cả các lĩnh vực kinh doanh vận tải khách theo tuyến cố định, hợp đồng, khách du lịch, ngang sông và hàng hóa. Theo đó, tới đây, doanh nghiệp vận tải khách không cần phải đáp ứng các điều kiện như: Văn bản chấp thuận tuyến cố định, chấp thuận vận tải khách ngang sông, có phương án khai thác tuyến được cơ quan thẩm quyền chấp thuận. Doanh nghiệp cũng tự tổ chức bộ máy, không bị áp đặt các điều kiện không có tính thực tế như có bộ phận quản lý ATGT, điều hành vận tải.
Bên cạnh cắt giảm các điều kiện kinh doanh trong vận tải, Cục ĐTNĐ Việt Nam cũng đề xuất cắt giảm 3 điều kiện trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ đóng mới, sửa chữa phương tiện thủy nội địa (bãi bỏ điều kiện phương án tổ chức sản xuất kinh doanh, an toàn phòng chống cháy nổ, phòng ngừa ô nhiễm môi trường...), nâng tổng số điều kiện được cắt giảm 26/52 điều kiện thuộc 2 lĩnh vực trên.
“Có những điều kiện kinh doanh được bãi bỏ để tránh phát sinh giấy phép con đối với doanh nghiệp, tránh can thiệp vào quyền tự chủ trong kinh doanh của doanh nghiệp hoặc tránh trùng lặp với các quy định pháp luật khác”, ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục ĐTNĐ Việt Nam cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận