"Công xưởng" làm kẹo dẻo dịp Tết tại khu vực Hoài Đức, Hà Nội |
Kẹo dẻo cân siêu rẻ
Có mặt tại một xưởng làm kẹo dẻo tại KCN Dương Liễu - xã Minh Khai Hoài Đức Hà Nội, PV Báo Giao thông ghi nhân trong xưởng sản xuất hầm hập chưa đầy 10 m2, đội sản xuất gồm 5 công nhân đang miệt mài làm kẹo. Từ nhào nặn trong khuôn cho tới đóng gói, mọi công đoạn đều được làm thủ công.
Chị H. một công nhân làm kẹo cho biết: “Một ngày ở đây ít nhất phải sản xuất được chục tấn, vào dịp cận Tết có khi tới cả trăm tấn kẹo rồi phân phối đi khắp các đại lí, chợ ở các nơi”. Từ kẹo ngô, kẹo xoài, kẹo dừa cho tới tất cả các vị hoa quả chỉ cần đặt hàng là có, muốn màu gì cũng được mà giá lại rất rẻ chỉ từ 20 nghìn đồng/kg kẹo thành phẩm. Theo tiết lộ của một công nhân tại xưởng, kẹo tại đây mặc dù được quảng cáo là mang hương vị hoa quả thơm ngon nhưng thành phần lại không có một chút nào hoa quả tự nhiên. “Làm gì có kẹo ngô làm từ ngô, nó làm từ nha đường với hương liệu ngô, loại quả gì thì hương liệu đấy”. Để tạo hương như vị tự nhiên của hoa quả, các loại kẹo ở đây buộc phải sử dụng các loại hương liệu hóa học tổng hợp. Theo quan sát ngay tại xưởng có hàng chục can hương liệu, có can không nhãn mác, có can dán nhãn Trung Quốc nhưng không hề có nhãn phụ. “Hương liệu này là của Trung Quốc hết, nhưng là loại cao cấp chỉ một nắp nhỏ làm được cả tạ kẹo, mỗi can dùng được cho cả tấn” một công nhân chia sẻ. Không chỉ có hương liệu để tạo nên một chiếc kẹo dẻo hấp dẫn, giá thành rẻ thì màu thực phẩm cũng là một trong những thành phần không thể thiếu.
Công nhân dùng cốc tự pha chế màu, hương liệu cho kẹo |
Sơn nhuộm kẹo
Ngay bên cạnh khu vực làm kẹo là hàng loạt các thùng chứa những thứ nước xanh đỏ, đó chính là phẩm màu hay chính là “sơn nhuộm kẹo” theo cách nói của những người làm kẹo tại đây. “Muốn có nhiều màu thì pha trộn hai hoặc ba màu với nhau, như là vẽ tranh mỹ thuật ấy”, ông M., chủ xưởng kẹo cho biết.
Khi được hỏi về loại sơn kẹo được sử dụng, những công nhân lại khá kiệm lời: “Đó là phẩm màu bột, bà chủ cất rồi mình không biết đâu, pha với nước nhưng pha như thế nào là chủ họ pha chứ mình cũng không được nhìn, một lạng màu đấy đắt lắm nhưng cũng làm được nhiều kẹo, pha ra thì làm được 1 tấn kẹo thành phầm”.
Màu dùng để pha vào kẹo dẻo |
Những chiếc thùng màu cáu bẩn như sơn lại là thành phần tạo nên màu sắc sặc sỡ cho đủ các loại kẹo. Bên chiếc máy làm kẹo chốc chốc người làm lại múc màu đổ vào dung dịch keo thoăt thoắt, anh T., một công nhân cho biết: “Cứ khi nào nha sôi thì cho màu vào…Cũng chỉ ước lượng bằng cái cốc này thôi, muốn màu đậm thì cho nhiều phẩm lên, làm cái này không có phẩm không được, vì không có thì nó không đẹp”.
Men theo con đường ra cuối xưởng PV Báo Giao thông đã tiếp cận được với loại bột màu này, chúng được đựng trong các thùng phuy xanh lớn và được giấu kín nơi cầu thang ra vào. Theo quan sát đây là loại bột màu thực phẩm tổng hợp nhãn hiệu RoHa, chỉ gồm ba màu chính là vàng chanh, vàng cam và đỏ.
Một trong những loại màu mà chúng tôi ghi nhận được tại xưởng làm kẹo là màu thực phẩm vàng chanh Yellow 5 có công thức hóa học là C16H9N4Na3O9S2. Trong quá trình chế biến loại màu này sẽ tạo ra màu vàng cam hấp dẫn cho kẹo. Chỉ cần 1 lạng màu sẽ cho ra khoảng 1 tấn kẹo. Theo chuyên gia hóa học PGS Trần Hồng Côn, chất màu Yellow 5 không gây ung thư trên chuột cống nhưng có khả năng gây tăng động và một số rối loạn hành vi ở trẻ.
Khoa Nhi, BV Bạch Mai vừa cấp cứu thành công bệnh nhi Dư Gia H. (8 tuổi, Thanh Trì, Hà Nội) bị tan máu cấp nặng, đe dọa tính mạng, nghi do ngộ độc thịt bò khô nhuộm phẩm màu không rõ nguồn gốc |
Cũng giống như Yellow 5, theo vị chuyên gia, có nhiều nhóm chất tạo màu nằm trong danh mục được phép sử dụng nhưng vẫn có nguy cơ gây hại cho sức khỏe người sử dụng. Chẳng hạn như chất tạo màu đỏ da cam 2 (Citrus 2), là chất được phép sử dụng làm đẹp vỏ cam, quýt nhưng cấm dùng trong gia vị thực phẩm thì gây ngộ đọc cho chuột và đặc biệt là gây ra ung thư bàng quang và có lẽ là một số cơ quan khác. Hoặc chất tạo màu đỏ 40 (Red 40), là chất tạo màu được sử dụng nhiều nhất. Chất này có khả năng gây ung thư hệ miễn dịch, gây mẫn cảm với một số ít người và đặc biệt là gây tăng động cho trẻ nhỏ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận