Sắc lệnh tị nạn của ông Trump gây ra hàng loạt cuộc biểu tình với số lượng lên đến 10.000 người. |
Một tuần sau khi ông Donald Trump ký sắc lệnh về tị nạn và nhập cư, thế giới nói chung, nước Mỹ nói riêng, đặc biệt chính quyền Tổng thống Donald Trump ngày càng căng thẳng và bất đồng sâu sắc.
Nổi đóa với nguyên thủ
Ngày 2/2, theo giờ VN, tờ Washington Post đưa tin Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull đã có cuộc điện đàm “gay gắt” vào cuối tuần qua liên quan tới chính sách tị nạn. Theo tờ báo này, cuộc điện đàm giữa hai lãnh đạo dự kiến kéo dài trong 1 tiếng đã bị cắt xuống còn 25 phút khi ông Trump không đồng ý thỏa thuận trao đổi người tị nạn với Australia. Tờ Washington Post cũng dẫn nguồn tin cho biết, ông Trump đã tức giận và chỉ trích đây là cuộc điện đàm “tồi tệ chưa từng có”.
Sau bài báo trên, qua tài khoản Twitter, Tổng thống Mỹ chỉ trích đây là thỏa thuận “ngu xuẩn”, “tồi tệ nhất từ trước tới nay” và cáo buộc Australia đang cố tình đẩy “kẻ đánh bom từ Boston” sang Mỹ. Các nhà phân tích chính trị nhận định, trong lịch sử Mỹ chưa bao giờ xảy ra tình trạng trao đổi gay gắt khi điện đàm giữa Tổng thống Mỹ và nguyên thủ nước khác như vậy. Ông Harry Phillips, nhà phân tích chính trị đã có 40 năm kinh nghiệm tại Đại học Edith Cowan and Curtin (Australia) nhận định, không khí cuộc điện đàm thậm chí còn nghiêm trọng hơn thời kỳ quan hệ bất đồng giữa cựu Tổng thống Mỹ Richard Nixon và Thủ tướng Australia Gough Whitlam khi ông Whitlam muốn rút quân Australia khỏi cuộc chiến tranh Việt Nam. Theo ông Phillips, dù quan điểm trái ngược nhưng hai ông Nixon và Whitlam “vẫn giữ sự tế nhị trong ngôn ngữ ngoại giao”.
Xem thêm video:
Tuy nhiên, khi được hỏi về vấn đề trên, ông Turnbull khẳng định, “công việc của tôi là bảo vệ quyền lợi của Australia” và nhấn mạnh cuộc điện đàm cuối tuần qua với ông Trump rất thẳng thắn, thực tế. Ông bác bỏ nhận định về cuộc điện đàm của ông Trump mà tờ Washington Post đưa ra.
Thỏa thuận trao đổi tị nạn - tác nhân dẫn đến tranh luận gay gắt trong cuộc điện đàm - được ký kết dưới thời Tổng thống Barack Obama vào cuối năm ngoái. Trong đó, ông Obama đồng ý sẽ tái định cư cho 1.250 người xin tị nạn bị tạm giữ tại các trại tị nạn trên đảo Papua New Guinea và Nauru. Đổi lại, Australia sẽ giúp tái định cư cho những người tị nạn đến từ El Salvador, Guatemala và Honduras. Thỏa thuận trao đổi này mâu thuẫn với sắc lệnh dừng chương trình tị nạn của Mỹ trong 120 ngày và hạn chế công dân đến từ 7 nước Hồi giáo, bao gồm: Iran, Iraq và Syria vào Mỹ trong 90 ngày mà ông Trump đưa ra cuối tuần qua. Bởi, phần lớn trong số những người bị tạm giữ tại Papua New Guinea và Nauru đều là những người chạy trốn khỏi các nước đang xảy ra chiến tranh bạo lực như Afghanistan, Iraq và Iran.
Nội bộ chống đối, sợ hãi
Không chỉ bất đồng với nước ngoài, nội bộ chính quyền Mỹ cũng không đồng tình và thể hiện chống đối rõ rệt với sắc lệnh tị nạn ông Trump ký tuần qua. Trong đó, Reuters dẫn hai nguồn tin cho biết, kỷ lục hơn 1.000 nhân viên Bộ Ngoại giao Mỹ đã ký vào bản ghi nhớ chỉ trích sắc lệnh, gửi qua “kênh bất đồng” chính thức của Bộ Ngoại giao Mỹ. Thậm chí, tình trạng chống đối, bất tuân sắc lệnh còn lan rộng trong các cơ quan ban ngành khác - Reuters phỏng vấn hơn 20 người là cựu quan chức hoặc đương nhiệm trong chính quyền Mỹ, giấu tên cho biết.
Thế nhưng, một số quan chức chống đối lại có tâm lý lo sợ ảnh hưởng tới quyền lợi cá nhân. Một quan chức giấu tên cho biết, không ít người phân vân, nếu chống đối, họ có đủ điều kiện để được bảo vệ về trách nhiệm chuyên môn hay không. Bởi nếu được bảo vệ, họ sẽ được trang trải chi phí pháp lý trong trường hợp bị kiện vì thiếu kỷ luật trong công việc. Hiện nay, đã có hai quan chức rút tên khỏi bản ghi nhớ. Một số quan chức khác tính chuyện nghỉ việc.
Phần lớn các quan chức Reuters phỏng vấn cho biết, họ không chỉ quan ngại chính sách của chính quyền Tổng thống Trump mà còn lo lắng ông Trump có thể phớt lờ luật pháp và bất chấp sự kiềm chế của luật pháp đối với quyền lực của Tổng thống. “Khi chính quyền muốn xử lý những vấn đề liên quan tới an ninh quốc gia hoặc chính sách ngoại giao, họ cần phải tham vấn. Đằng này, chính quyền ông Trump lại không”, một quan chức giấu tên, làm việc trong cơ quan có trách nhiệm thực thi sắc lệnh nhập cư chia sẻ.
Bản thân Chủ tịch Ủy ban Quan hệ đối ngoại của Thượng viện Mỹ, Thượng nghị sĩ Bob Corker - người đáng lẽ phải biết về sắc lệnh này trước khi Tổng thống ký - cũng chỉ biết thông tin khi báo đài rầm rộ. Ông Coker cho biết đã trao đổi với các đại diện Nhà Trắng và khuyên họ về việc phải hợp tác liên ngành trong mọi quyết sách.
Phản ứng về làn sóng chống đối trong nội bộ, người phát ngôn Nhà Trắng Sean Spicer cảnh báo các nhà ngoại giao nên cân nhắc “thực hiện sắc lệnh hoặc có thể ra đi”. Trước đó, quyền Tổng Chưởng lý Mỹ Sally Yates cũng chống đối sắc lệnh, viết thư gửi tới các nhân viên Bộ Tư pháp, tuyên bố không bảo vệ sắc lệnh. Kết quả, bà Sally Yates bị sa thải ngay lập tức vì lý do “phản bội” Bộ Tư pháp.
Trên thực tế, hầu hết các Tổng thống mới, đặc biệt là người đến từ đảng Cộng hòa đều xảy ra khúc mắc với các cơ quan liên bang và có lần sa thải tới hàng nghìn người vì không tuân lệnh. Năm 1981, Tổng thống Ronald Reagan từng sa thải 11.000 nhân viên kiểm soát không lưu, tất cả nhân viên liên bang trong thời gian đầu nhậm chức vì họ phớt lờ lệnh của ông, theo Reuters.
Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận